Ngày 9.8 vừa qua, tại Jakarta (Indonesia), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức công bố Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch (MRA-TP), mở ra những cơ hội và thách thức mới cho ngành du lịch Việt Nam, trong đó có Quảng Nam.
Du lịch Quảng Nam sẽ được hưởng lợi khi Thỏa thuận công nhận nghề được triển khai.Ảnh: VĨNH LỘC |
Công nhận nghề du lịch lẫn nhau
Theo thỏa thuận, việc công nhận lẫn nhau chuẩn nghề du lịch được dành cho 6 nghiệp vụ gồm: lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề cụ thể, đi cùng với 52 loại văn bằng, chứng chỉ. Thỏa thuận cũng cung cấp các bộ công cụ chuẩn phục vụ cho đào tạo và thẩm định năng lực của lao động du lịch. Đặc biệt, Thỏa thuận MRA cho phép những người lao động trong khối ASEAN có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được Hội đồng Cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch (VTCB) của các quốc gia thành viên chứng nhận có thể tự do tìm việc ở các quốc gia thành viên, mở ra cơ hội cho phép sự dịch chuyển lao động trong ngành du lịch thuộc khối ASEAN. Cụ thể, một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN, ngược lại Việt Nam cũng có thể thu hút nguồn lao động có trình độ nhằm đáp ứng các vị trí đòi hỏi trình độ cao nhưng đang bị thiếu hụt. Điều này sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của ngành du lịch trong khối, đồng thời cũng tạo điều kiện thu hút nhân tài đáp ứng những thiếu hụt về lao động có trình độ và kỹ năng tại các trung tâm du lịch trong nước.
Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, dù thỏa thuận mới chỉ bắt đầu và sự ảnh hưởng chưa rộng rãi đến các địa phương, nhưng có thể khẳng định việc thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN sẽ là động lực quan trọng nhằm nâng cao tiêu chuẩn du lịch cũng như trình độ kỹ năng nghề cho lực lượng lao động du lịch trong nước cũng như Quảng Nam thời gian tới. Đặc biệt, từ những áp lực này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải rà soát lại chương trình giảng dạy để đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn VTOS (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) và ACCSTP (Tiêu chuẩn nghề chung ASEAN đối với nghề du lịch).
Thực tế cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực luôn là bài toán nan giải của ngành du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng thời gian qua. Không chỉ yếu trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề mà khả năng ngoại ngữ cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, do vậy việc hội nhập bên cạnh những thuận lợi thì cũng sẽ là thách thức cho lực lượng du lịch Việt Nam khi thỏa thuận này được triển khai rộng rãi. “Cái lợi đã thấy rồi nhưng áp lực thì cũng rất lớn không những với người lao động và cả với doanh nghiệp trong việc cạnh tranh, bảo vệ nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Hài nhìn nhận.
Doanh nghiệp chưa quan tâm
Dù MRA-TP ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp nhưng đến nay dường như ít doanh nghiệp ở Quảng Nam quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí, dù Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã tổ chức khóa tập huấn mời các chuyên gia hàng đầu của trung ương về diễn giải trao đổi những cơ hội và thách thức khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đã ra đời (2015) nhưng số doanh nghiệp tham gia cũng không nhiều. Ông Võ Văn Vân – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, doanh nghiệp chưa quan tâm đến các vấn đề mang tính hội nhập vì chưa thấy được những tác động mà thỏa thuận mang lại và điều này rất nguy hại. “Với tình trạng này, sắp tới khi lực lượng lao động nước ngoài tràn vào Hội An thì những vị trí quản lý chắc chắn sẽ do lao động nước ngoài đảm nhận vì họ mang lại hiệu quả cao hơn. Thậm chí, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ khai thác các lao động cao cấp đưa ra thị trường Đông Nam Á làm việc dẫn đến chảy máu nguồn nhân lực cao cấp” - ông Vân cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc nhà hàng Phố Trăng (Hội An) tuy đây là điều đã được dự báo trước nhưng sự khởi động và cách tiếp cận của ngành du lịch Việt Nam cũng như Quảng Nam quá chậm khiến doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là khả năng ngoại ngữ của người lao động hạn chế, khó khắc phục trong thời gian ngắn. “Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp soi vào đó và tự soi vào mình để làm thế nào vươn lên thay đổi nhiều hơn, chính sự cạnh tranh như vậy đã làm cho nhận thức mình thay đổi dù là mình đã chậm so với các nước vài ba năm. Riêng cá nhân tôi thấy thỏa thuận trên rất tốt, việc này sẽ mang đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc thu hút lực lượng lao động chất lượng cao cũng như giữ đội ngũ lao động của mình” - ông Thanh nói.
Có thể nhận thấy, tác động của Thỏa thuận công nhận lẫn nhau chuẩn nghề du lịch sẽ ảnh hưởng nhiều đối tượng từ lực lượng lao động, doanh nghiệp đến các trường dạy nghề và các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Theo bà Hà Thị Vy - Trưởng khoa đào tạo (Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng), trước thực tế trên, thời gian qua trường Cao Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng đã có những hướng đi và cách tiếp cận mới. Ngoài việc tổ chức hội thảo cho toàn thể sinh viên để có một tâm thế chuẩn bị cho hội nhập; trường cũng tập trung vào liên kết doanh nghiệp thay đổi lại cách tổ chức giảng dạy, kể cả chương trình tiếng Anh và phương thức dạy tiếng Anh; mời tình nguyện viên nước ngoài về dạy để nâng cao kỹ năng nói và sự tự tin cho sinh viên…
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Chủ động đón đầu Thỏa thuận nghề lẫn nhau đã thể hiện sự hợp tác hội nhập của 10 nước trong khu vực đối với Việt Nam nói chung và 3 địa phương miền Trung (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam) nói riêng. Từ thỏa thuận này sẽ tạo ra cơ hội rất lớn để cho du lịch Việt Nam, du lịch 3 địa phương có thể cải thiện chất lượng tay nghề lao động tiến tới cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng mang đến nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là cạnh tranh trong việc tạo ra công ăn việc làm, nhất là việc làm cho lao động địa phương, đòi hỏi sự vào cuộc rất lớn của lãnh đạo các địa phương, ngành du lịch, ngành lao động thương binh xã hội trong việc phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế, thời gian qua lãnh đạo và ngành du lịch Đà Nẵng cũng đã tạo điều kiện cho việc xây dựng, kiến tạo môi trường về đào tạo nghề du lịch phát triển. Hiện trên địa bàn thành phố có rất nhiều trường đào tạo nghề du lịch, nhất là các trường quốc tế và gần đây với sự hỗ trợ của dự án EU Đà Nẵng đã thành lập được “Câu lạc bộ nghề VTOS”. Đây là bước đi rất cần thiết và kịp thời để chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển của du lịch Đà Nẵng cũng như các địa phương lân cận. Ông Vũ Thái Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Doanh nghiệp du lịch - Nước đến chân mới nhảy Sau khi ký Thỏa thuận về việc công nhận lẫn nhau về chứng chỉ du lịch có nghĩa là chúng ta đã “bật đèn xanh” cho lực lượng lao động du lịch của nước ngoài vào Việt Nam hoạt động. Tôi nghĩ, có như vậy thì lao động trong nước mới giật mình mới thấy rằng phải đi học, các doanh nghiệp mới giật mình trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên của mình. Cho nên để tồn tại người lao động phải tự rèn luyện nâng cao trình độ; riêng bản thân doanh nghiệp nếu không sử dụng được những người có nghiệp vụ sẽ thua trong cạnh tranh. Càng hội nhập bao nhiêu càng thúc đẩy hoạt động đào tạo bấy nhiêu nên chúng ta không có gì lo lắng cả và hãy hội nhập nhanh hơn nữa, hãy thúc đẩy mạnh hơn lực lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam. Nước không phải đến chân mà đã lên đến đầu gối rồi và chúng ta sẽ phải tiếp tục nhảy. Mở cửa tạo ra sự cạnh tranh, mà cạnh tranh là thúc đẩy sự tự hoàn thiện và phát triển. Đây là áp lực buộc các doanh nghiệp du lịch Việt Nam phải thay đổi. Ông Vũ Quốc Trí - Giám đốc dự án EU tại Việt Nam: Doanh nghiệp chưa quan tâm Thật ra chúng tôi đã phổ biến hội nhập theo MRA-TP từ năm 2013, và đã ra rất nhiều tài liệu cũng như tổ chức hội thảo cho các doanh nghiệp, các trường học về cơ hội và thách thức khi chúng ta gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Trong đó, du lịch là ngành đầu tiên gia nhập cộng đồng với việc tự do hóa trong việc di chuyển lực lượng lao động. Do đó, từ năm 2013 dự án EU đã hỗ trợ cho ngành du lịch, đặc biệt là 3 địa phương triển khai nội dung những thỏa thuận này thông qua rất nhiều buổi hội thảo cũng như cung cấp tài liệu hướng dẫn đối với người lao động, đối với doanh nghiệp và đối với các cơ quan quản lý nhà nước, để mỗi đối tượng đều có cách tham gia sự hợp tác này cụ thể. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm vì chưa thấy sức ép. Theo chúng tôi thách thức lớn hiện nay là sự hưởng ứng của doanh nghiệp, nếu chúng ta không chạy nhanh thì các nước trong ASEAN sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn mình và trong cuộc hợp tác liên kết này chúng ta đang ở sân chơi và cam kết rồi nên phải chấp nhận. |
VĨNH LỘC