Nghe gỗ mộc tự tình...

XUÂN HIỀN 08/01/2023 07:37

Huỳnh Sướng vẫn cứ bền bỉ làm nghề theo cách của mình. Như đúng kiểu vững chãi mà làng mộc Kim Bồng dù đôi bận lắng trầm, vẫn giữ lòng tự hào của cư dân xứ sở Thu Bồn...

Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng trình nghề tại Con đường nghệ thuật và sáng tạo. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng trình nghề tại Con đường nghệ thuật và sáng tạo. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

1. Ngày cuối năm. Gió ràn rạt sắt se từ trong cả không gian lẫn cuộc chuyện giữa tiết trời lạ lùng. Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng vẫn tay đục tay bào trước bao nhiêu thán phục của cả khách Tây lẫn ta.

“Con đường nghệ thuật và sáng tạo” mà chính quyền Hội An tạo ra, may thay đã làm bừng thức những say mê tưởng đã yên sâu vì áo cơm. Từ bữa khai mạc đến nay, những nghệ nhân của gốm, của gỗ mộc, của tranh tre, vải lụa... cứ đều đặn mỗi cuối chiều lại đến vườn An Hội bên sông để trình nghề.

Làm để thỏa những nhớ mong rộn ràng sau mấy năm vắng lặng vì dịch giã. Hay bởi, những nghệ nhân giữa gió mưa vẫn trổ bày tài hoa, vì muốn nhắc chuyện truyền thống làng mình giữa đông đảo người dự khán.

Tận sâu lòng mình, Huỳnh Sướng nói, ông muốn hạnh ngộ cùng nghiệp dĩ mình trong không khí hoan ca của những đón đợi; hơn là ngày ngày ở bên này bến sông ngồi đục đẽo một mình, chờ người tìm đến...

“Tôi muốn lưu giữ những giá trị tinh hoa của làng nghề, giữ âm thanh sống của làng mộc, cũng là tâm huyết cha ông để cho các thế hệ sau biết và hiểu hơn về nghề mộc Kim Bồng. Đó là gốc rễ của nghề và là trách nhiệm vinh quang mà mỗi truyền nhân làng mộc có được, để mai sau không phải ân hận” - chia sẻ từ nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng, mỗi bận ai đó muốn tìm lý do ông vẫn bền bỉ mấy chục năm nay ở với nghề này.

Cẩm Kim có bốn tộc họ đang gắn bó với nghề mộc là Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương. Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (sinh năm 1969), là đời thứ 13 của họ Huỳnh giữ gìn và phát triển nghề mộc. Huỳnh Sướng cũng là con thứ 5 của Nghệ nhân Nhân dân Huỳnh Ry - người có công lớn trong việc phục chế các ngôi đình, chùa, công trình kiến trúc cổ của Quảng Nam và các vùng lân cận.

Tôi luôn nghĩ thật may mắn khi công việc cho mình được nhiều cơ hội tiếp xúc, chuyện trò cùng các nghệ nhân ở làng. Chính họ làm nên nội lực cho sự tồn tại bền bỉ, cho sức sống vững chãi của những làng nghề xứ Quảng. Những nghề nông, nghề mộc, nghề dệt, nghề rèn, nghề đúc đồng, nghề gốm… đã được họ bảo lưu trọn vẹn và hình thành bản sắc cho xứ Quảng.

Văn hóa xứ Đàng Trong nay đã bước qua mốc 550 năm danh xưng Quảng Nam, dấu ấn của hành trình mở đất đầu tiên phải ở những làng nghề truyền thống. Ở chính không gian làng nghề, giá trị mà tiền nhân tạo lập được bảo tồn hoàn hảo nhất...

Với làng mộc Kim Bồng, hơn 600 năm trước, đã nên dáng hình từ những người Việt đầu tiên vào khai khẩn vùng đất. Một nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Nam cho rằng, qua quá trình giao lưu, nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu truyền thống điêu khắc chạm trổ của các dân tộc Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với bàn tay tài hoa của mình đã tạo ra những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học.

Tinh hoa mộc Kim Bồng thể hiện rõ nét trên các ngôi nhà cổ ba gian, chùa, hội quán, nhà thờ tộc ở Hội An với đường nét chạm trổ tinh xảo, đẹp mắt. Với đô thị thương cảng Hội An, chính tốp thợ Kim Bồng là những người góp công rất lớn trong việc tạo tác lẫn bảo tồn quần thể kiến trúc cổ có niên đại từ 400 năm về trước.

2. Nhưng cũng như bao làng nghề truyền thống khác, Kim Bồng đứng trước rất nhiều trầm lắng vì thời cuộc. Ông Huỳnh Sướng nói dù cha mình làm nghề và dong ruổi khắp nơi, nhưng cuộc mưu sinh vẫn phải đắp đổi bằng rất nhiều thứ không tên khác, ngoài nghề mộc. Nên mới có những lần dứt áo ra đi, bôn ba khắp chốn của một thanh niên từ làng mộc.

Đến năm 1996, khi UNESCO nhận diện những giá trị văn hóa lẫn câu chuyện lịch sử mà Kim Bồng nắm giữ, từng bước một việc phục hưng được hoạch định. Tiếp những năm về sau, khi Hội An trở mình phát triển theo hướng đô thị du lịch, giá trị truyền thống được nhận chân. Những đứa con của làng đi xa vì thế cũng nghĩ chuyện trở về.

 

Quay về làng và nhận lãnh sứ mệnh tiếp nối nghề nghiệp của gia tộc, Huỳnh Sướng biết ông không thể dừng ở việc tu bổ công trình, di tích. Học các ngón nghề từ cha mình, rồi đi học tập ở các làng nghề khác trong cả nước, Huỳnh Sướng từng bước sáng tạo những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như tranh tứ linh, tranh bình sứ, tranh tứ quý, đĩa song phụng… Năm 2010, ở cuộc thi sản phẩm thủ công Việt Nam, tác phẩm “Cội nguồn” của ông được lựa chọn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất.

Bắt nhịp với xu thế phát triển của quê hương, ngày càng có nhiều hơn dòng sản phẩm lưu niệm được hình thành từ làng mộc Kim Bồng. Dù ưu thế chính của làng nghề này vẫn là những sản phẩm ứng dụng nhưng dòng mộc mỹ nghệ để phục vụ du khách vẫn có dấu ấn riêng của người Kim Bồng.

Đó là các loại tượng gỗ và đồ dùng phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày. Màu gỗ tự nhiên được lựa chọn cùng kỹ thuật chạm trổ tinh vi, hình ảnh con trâu, lũy tre làng... trong các sản phẩm lưu niệm từ làng mộc Kim Bồng luôn có sự khác biệt, không chút tì vết thường thấy của các dòng sản phẩm thị trường giá rẻ, công nghiệp.

Nhưng cuộc rộn ràng từ bước chân từng đoàn du khách khi qua Kim Bồng có quá nhiều cách trở để tạo điểm đến thu hút du khách từ thương hiệu Hội An. Thưa vắng dần lượng khách đến làng cũng đồng nghĩa với đầu ra của sản phẩm thủ công mộc mỹ nghệ ngày một khó khăn. Huỳnh Sướng nói những tốp học trò ông cùng cha mình đào tạo, giờ đi muôn ngả. Nhưng vẫn may thay, tụi trẻ còn làm nghề mộc.

3. Trong các cuộc gặp gỡ hằng năm để nhận diện được mất từ câu chuyện bảo tồn không gian di sản, Huỳnh Sướng vẫn luôn là người có ý kiến... nhiều nhất. Từ quy hoạch không gian của Kim Bồng bao năm nay vẫn đứng sựng, từ chuyện nhếch nhác của môi trường làng quê cho đến những chỉ dấu truyền thống liên quan đến kiến trúc cổ của vùng lõi di sản đang bị thay đổi đến mức báo động, vẫn thường được người đàn ông này nêu ra mạnh mẽ.

Kể cả mong muốn của đông đảo người làm nghề mộc Kim Bồng vẫn thường hằng được Huỳnh Sướng nêu lên, khi họ cần một không gian để trưng bày sản phẩm, thậm chí trình nghề giữa chốn phố thị đông đúc, để dẫn dắt sâu hơn người ưa mê về làng mình...

Những câu chuyện của Huỳnh Sướng có lẽ đủ sức để phục dựng tiềm thức mà lay động suy tư của con người trước bao nhiêu thách thức lẫn cám dỗ. Một người ở làng chứng kiến đủ những thăng trầm của làng vẫn giữ khát vọng theo nghề. Một người con biết cách động viên cha mình bước ra khỏi sự tự tôn của gia tộc để truyền nghề đến đông đảo cộng đồng. Vì truyền nghề - cũng là để giữ nghề, như chính quan điểm của nghệ nhân này.

Tôi hỏi ông mong gì cho những ngày sau, khi ranh giới mong manh giữa ý niệm phục hưng nghề để giữ làng và bảo tồn nghề để phục vụ du lịch, Huỳnh Sướng kể rằng tộc Huỳnh của mình vừa nhận được “bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”.

Đó chỉ là hào quang rất nhỏ trong suốt 13 đời làm nghề truyền thống của tộc Huỳnh ở Kim Bồng, nhưng đó cũng là bảo chứng để thấy dù trong những chuyển xoay khôn lường, Kim Bồng vẫn nghiễm nhiên và mãi mãi gắn với định danh làng mộc truyền thống. Còn làng, là còn người làm nghề. Hay chính bởi còn những tự hào và niềm tin của nghệ nhân làm nghề, nên vẫn giữ làng bền bỉ trước bao cơn bão rớt...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghe gỗ mộc tự tình...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO