Có những hiện vật dù vô tri vô giác và trải qua hơn trăm năm thăng trầm nhưng lại mang trong mình những câu chuyện về một thời hào hùng của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc chiến chống quân viễn chinh.
Súng thần công tại thành Điện Hải ngày nay. |
Thành Điện Hải là một chứng tích quan trọng còn sót lại ở TP.Đà Nẵng từng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ vùng đất này trước sự tấn công của liên quân Pháp – Tây Ban Nha vào năm 1858 và Bảo tàng Đà Nẵng hiện lưu giữ được những hiện vật quý giá liên quan đến di tích này.
Bức sắc phong “Thự thủ thành Điện Hải”
Là diễn giả khách mời tại chương trình “Nghe hiện vật kể” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức, ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho biết: “Bức sắc phong là món quà rất quý giá mà một nhà sưu tập ở Nam Định sưu tầm được vào năm 2009 và đã hiến tặng lại bảo tàng vào năm 2012”. Ông Tiếng cho biết thêm, sắc phong thời phong kiến có 2 loại gồm: phong thần và chức tước, bức sắc phong “Thự thủ thành Điện Hải” thuộc sắc phong tước, hiếm gặp hơn nhiều so với sắc phong thần cho các đình làng, chùa chiền, miếu mạo…
Vì một lý do nào đó, mặt trước của bản sắc phong ghi tên vị quan được phong chức bị cắt mất nên đến nay vẫn chưa thể xác định được nhân vật được ban sắc phong. Chỉ biết rằng hiện vật này được ban cho chỉ huy vệ binh thường trú tại thành Điện Hải để phòng thủ Đà Nẵng. Căn cứ vào sử liệu, bức sắc phong này được vua Minh Mạng ban vào năm 1840 trùng với thời điểm vua cử Nguyễn Công Trứ vào Đà Nẵng để nghiên cứu, khảo sát khu vực phòng thủ của Đà Nẵng. Theo ông Bùi Văn Tiếng, sau khi vào Đà Nẵng khảo sát trở về, triều đình nhà Nguyễn đã điều động Nguyễn Tri Phương vào làm tuần phủ Nam Ngãi (Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay) trông coi bố phòng bờ biển Đà Nẵng ngay trong năm đó. Nhờ sự tìm hiểu thực tế kỹ lưỡng này mà đến năm 1858 khi ông quay lại đã chỉ huy phòng thủ Đà Nẵng thành công.
Tấm bản đồ chiến sự
Tham dự chương trình, nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú thông tin: “Lâu nay giới nghiên cứu về chiến sự năm 1858 ở Đà Nẵng chỉ thường dựa vào Đại Nam thực lục hoặc tài liệu của người Pháp ghi lại. Nhưng tấm bản đồ chiến sự này của người Việt vẽ”. Tấm bản đồ này ông Hồ Trung Tú sưu tầm được từ thư khố Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Pháp với dòng chú thích bằng tiếng Pháp nghĩa là: “Bản đồ Đà Nẵng tìm được trong nhà một ông quan ngày 15.9.1859”. Tấm bản đồ chiến sự này vẽ với tỷ lệ gần như chính xác một cách đáng khâm phục mà theo ông Hồ Trung Tú có thể người vẽ đã trèo lên các ngọn núi như: Ngũ Hành Sơn, Phước Tường… để bao quát hết Đà Nẵng. Tấm bản đồ phục vụ rất đắc lực cho cuộc chiến chống quân viễn chinh bởi thời điểm đó hai bên vẫn đang giằng co nhau đúng một năm ròng rã.
Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú diễn giải lại một số địa điểm trên phiên bản tấm bản đồ chiến sự mà ông sưu tầm được. |
Từ tấm bản đồ này có thể thấy các phòng tuyến mà quân và dân Đà Nẵng đã bố trí để chống lại quân đội viễn chinh. Hầu như toàn bộ Đà Nẵng lúc đó dày đặc các thành lũy, chiến hào chiến đấu, ngay cả dòng sông Hàn cũng có hệ thống lồng gỗ, tre để đóng cửa sông ngăn không cho tàu chiến, đại bác của quân Pháp – Tây Ban Nha tiến sâu vào sông Hàn. Chính các tài liệu của người Pháp công bố sau này cũng thừa nhận rằng, họ đã vấp phải một ý chí chiến đấu quật cường của binh lính nơi đây và chịu những tổn thất không nhỏ bởi sau khi đánh sập thành Điện Hải thì dân và quân Đà Nẵng lại lui về các phòng tuyến khác tiếp tục kháng cự.
Súng thần công
Giải đáp lý do về việc chọn Đà Nẵng khởi đầu cho cuộc tấn công, các diễn giả đều đồng tình với lập luận rằng nếu chiếm được Đà Nẵng thì quân viễn chinh sẽ “đánh nhanh thắng nhanh” và tiến ngay ra kinh đô Huế. Bên cạnh đó, do các tàu thuyền phương Tây đến giao thương với nước ta dưới thời nhà Nguyễn đều phải cập cửa biển Đà Nẵng nên địa danh này càng dễ bị thu thập dữ liệu và nằm trong tầm ngắm.
Ông Bùi Văn Tiếng đã ví von rằng: “Nếu coi súng thần công là những người lính thì súng thần công ở thành Điện Hải là một người lính chiến bởi nó đã trải qua khói lửa trận mạc”. Theo các tư liệu lịch sử, thành Điện Hải có 30 ụ súng với 30 khẩu súng (có thể nhiều hơn trong thời chiến trận) nhưng hiện chỉ còn lại 11 khẩu. Ông Tiếng cũng thông tin thêm, những số liệu trên cho thấy đã từng có quân đội chính quy của triều đình phong kiến thường trú ở thành Điện Hải và đã làm cho thủy quân viễn chinh của Pháp - Tây Ban Nha thiệt hại nặng nề, khiến quân địch nản lòng rút đi sau hơn một năm rưỡi đổ bộ vào Đà Nẵng (1858 - 1860).
QUỐC TUẤN