Cù Lao Chàm là một quà tặng của thiên nhiên dành cho Hội An. Và đấy là xứ xở của chim yến - loài chim làm tổ bằng nước bọt có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao. Để có được sản phẩm quý này, những người thợ khai thác yến đã phải lao động nhọc nhằn và luôn đối mặt với hiểm nguy…
Khai thác tổ yến
Vượt 11 hải lý với hơn tiếng rưỡi đồng hồ, con tàu đưa những người thợ khai thác yến đã cập đảo Cù Lao Chàm. Sương sớm chưa tan, hang yến hiện ra sâu hoắm giữa các vách đá dựng đứng. Loài chim yến thường bám vào vách đá bên trong hang khá cheo leo, hiểm trở để làm tổ, đẻ trứng nhằm tránh sóng biển, gió lùa. Vì vậy, để khai thác, đội thợ phải dựng một giàn tre phía trong hang sâu. Diện tích nhỏ hẹp, nhiều ngóc ngách, thợ khai thác yến vừa phải dùng sức lực, vừa phải quan sát, dự tính chiều dài từng cây tre để tạo kích thước phù hợp cho toàn bộ khung giàn.
khai thác yến ở các vị trí cheo leo mạo hiểm.Ảnh: LÊ HIỀN |
Những cây tre già, nặng trĩu được những người thợ nâng bổng, đưa vào hang. Tre đưa lên tới đâu, anh em phối hợp ráp nối, cột chặt giàn tới đó. Ở nhiều vị trí, người làm giàn phải đu mình một cách khéo léo và mạo hiểm, bám vào các thân tre khác hoặc luồn lách, áp sát người vào vách đá mới có thể buộc giàn… Sau nửa ngày lao động cật lực, bộ khung giàn đặc biệt được hình thành. Những người thợ khai thác yến sẽ men theo giàn thang ấy để gỡ tổ. Vì vậy, việc làm một giàn thang đúng kỹ thuật luôn là yêu cầu cao nhất trong quy trình khai thác. Ông Nguyễn Văn Sơn, thợ khai thác yến Cù Lao Chàm, Hội An cho biết: “Chúng tôi phải làm giàn vững chãi mới lấy tổ yến được. Và vật liệu khung giàn phải là tre và mây mới làm theo ý muốn của mình được”. Còn ông Trần Thế Giới - thợ khai thác yến Cù lao Chàm, cho hay: “Chúng tôi làm phải từng li, từng chút, làm phải cẩn thận. Nói chung là làm tới đâu phải chắc tới đó. Bởi sơ suất một chút, dẫn đến tai nạn khôn lường hết được”.
Ở vị trí áp sát với mặt trong lòng hang sâu, thợ khai thác phải cẩn thận từng động tác để đảm bảo an toàn và không bị dập vỡ tổ và trứng yến, suy giảm chất lượng. Đối với những tổ yến khó gỡ, người thợ phải phun nước vào vách đá, dùng nỉa bóc gỡ. Ở các địa điểm không thể tiếp cận bằng giàn thang, người thợ phải dùng sào dài, gắn với các dụng cụ cần thiết để chọc vớt. Tại nhiều hang nhỏ hẹp, đường vào không thuận lợi, thợ khai thác phải dùng dây thừng làm ròng rọc hoặc bắc thang bên sườn núi mới có thể vào bên trong. Những hang yến này thường thiếu ánh sáng và rất trơn trượt, ẩm ướt do phân chim và rêu bám phủ, đáy hang sâu hoắm, có nhiều ghềnh đá. Chỉ cần sơ sẩy một chút, tính mạng người thợ sẽ gặp nguy hiểm. Thực tế, để lấy được tổ yến, thợ khai thác phải treo mình trên mấy chục mét cao, có khi phải thòng dây đu xuống lòng hang hoặc nằm vắt vẻo trên thân tre, lách mình qua các khe hẹp dựng đứng. Ông Nguyễn Văn Liêm, thợ khai thác yến nói: “Trong khai thác yến phải làm sao để lấy tổ yến được nguyên vẹn, như thế giá trị mới cao. Nhưng dù thế nào cũng phải đảm bảo tính mạng người khai thác tổ yến. Thời gian khai thác rất là lâu, rất là kỳ công. Để đảm bảo chất lượng chúng tôi phải làm từ từ và đồng thời làm cái gì chắc cái nấy”.
Cắm chốt canh giữ
Tối, hẹp, ẩm ướt, trơn trượt, ngột ngạt, nồng nặc bởi lượng phân chim đọng lại lâu ngày - Đó là hình ảnh thường thấy ở tất cả hang yến Cù Lao Chàm. Nhiều khe, người thợ phải sử dụng đèn chiếu sáng mới có thể thấy đường vào khai thác. Bởi vì chim yến làm tổ ở những hang có địa hình phức tạp, hết sức khó tiếp cận. Có những nơi không có đường vào, không có địa thế để lắp đặt giàn khai thác, thợ phải tìm cách len lỏi, đu dây vào, rất mạo hiểm. Thợ khai thác là những người có nhiều năm bám trụ với biển, với đảo, với hang đá, hiểu từng ngóc ngách, khi khai thác yến, anh em luôn cẩn trọng để đảm bảo an toàn lao động. Trong đội khai thác tổ yến, người lâu nhất đã có vài ba chục năm gắn bó với nghề. Sau hai mùa khai thác, các anh ở đảo canh giữ, bảo vệ hang yến, kể cả khi mưa gió, giá rét hoặc lễ, tết, đề phòng kẻ xấu xâm nhập trộm cắp, dẫn dụ hoặc phá hoại đàn yến. Ở đây, anh em luôn phải tiết kiệm nhu yếu phẩm, nước ngọt, xăng dầu, tự bảo trì các thiết bị máy móc. Cách trở biển cả, những khi bão to sóng lớn liên hồi, họ có thể bị cô lập hoàn toàn, hàng tháng không vào được đất liền.
Là chủ nhân của nguồn thực phẩm giá trị này, nhiều năm qua, Hội An luôn chú trọng các biện pháp quản lý, bảo vệ, tích lũy kinh nghiệm chăm sóc chim, cách khai thác tổ yến của tiền nhân để lại. Các hang đều được bảo vệ quanh năm, kể cả khi lễ tết hay trời mưa gió, giá rét. Các khe nứt trên vách đá được bịt kín, tránh dột nước ướt tổ yến, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng. Khéo khen cho ai đã gọi cái tên “Vàng trắng” để nói về giá trị của tổ yến sào Cù Lao Chàm - Hội An. Mỗi ngày loài chim nhỏ bé ấy cần mẫn kết tinh một phần máu thịt của mình để đem đến những sản phẩm quý giá, nguồn bổ dưỡng cho con người. Và trong hành trình chăm sóc, bảo vệ và khai thác yến sào, những người thợ say mê loài chim này đã không ngại gian khó, hiểm nguy, lặng thầm góp sức làm đẹp giàu cho vùng đất Hội An nói riêng và xứ Quảng nói chung.
LÊ HIỀN