Nghe lại câu hát giỡn ở Hà Đông xưa

PHÚ BÌNH 04/04/2020 20:00

Nhiều vị cao niên ở ven sông Tam Kỳ và Bầu Bầu đọc cho người viết bài nghe một số câu ca, vè trào lộng khá thú vị được cho là có xuất xứ tại các xóm ấp ở ven bờ hai con sông này.

Sông Tam Kỳ - hai bên bờ là ấp Phú Bình và ấp Hương Trà. Ảnh: PHÚ BÌNH
Sông Tam Kỳ - hai bên bờ là ấp Phú Bình và ấp Hương Trà. Ảnh: PHÚ BÌNH

Câu hát giỡn ở thôn Vĩnh An

Ông Lê Văn Phu, cựu giáo viên (thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân 2, Núi Thành) sưu tầm khá nhiều câu ca dân gian ở vùng ven sông Bầu Bầu, trong đó có một bài “hát giỡn” có nội dung “than nghèo” như sau: “Nghèo như chị em nghèo than nghèo thể/ Còn nghèo như tui chừ bế tệ bề tê/ Chồ củi hư, nuột lạt đứt, tấm phên xê một đỗi dài/ Nghèo chi chớ nghèo chén nghèo chai/ Nghèo ve uống rượu nghèo đài trên trang/ Nghèo đôi đũa ngự bịt vàng/ Mâm thau không có, lồng bàn cũng không/ Ba bốn năm ni nghèo khuyết bạc đồng/ Một chút vàng vụn không có, từ nghèo rông đến chuyên nghèo/ Nghèo chừ không tiền mua một con heo/ Về quay uống rượu làm theo cho kịp giàu/ Nghèo chứ không tiền mua một chiếc tàu/ Chế dầu vặn máy trước sau nó kêu ù ì/ Ba bốn năm nay lại nghèo khuyết thứ ni/ Thiếu cái khuôn đúc con nít/ Chẳng biết mấy dì có cho mượn không?”. Kiểu hát giỡn mang nội dung thanh tục lẫn lộn đầy tính trào phúng thường gặp khá nhiều ở vùng này.

Cụ bà P.T.C. còn gọi là “thím Ngươn” quê thôn Tịch Đông, xã Phú Hưng (nay là xã Tam Xuân I, Núi Thành) nhớ rất nhiều câu ca xen lẫn thanh - tục ở địa phương này. Cụ cho biết: “Nhiều khi nói tục mà không có ý tục. Đó như là một cách tạo ra tiếng cười sảng khoái nhằm bớt nhọc nhằn trong cảnh sống lao động vất vả thời xưa”. Cụ đọc cho chúng tôi nghe mấy câu hát giỡn (không tiện ghi ra đây) nói về “cái đó” - đúng “tên cái đó” một cách trực tiếp, không kiêng kỵ.

Bài ca “chúc ngôn” ở làng Đức Phú

Cụ bà K.D., 92 tuổi, quê ngoại ở xã Đức Phú, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông (này là Tam Trà, Núi Thành) từng nghe bà ngoại đọc một bài ca. Về sau, bà còn nghe người dân quê nội ở ấp Hương Trà, xã Tam Kỳ hát đi hát lại bài ca này trong những buổi làm đồng. Nguyên văn bài ca ấy như sau: “Ruộng em ở tận bìa rừng/ Ông Tây đo, ông Sứ đạc có chừng không sai/ Ruộng em một đám thành hai/ Có khe nước chảy hoài hoài thiên (liên) miên/ Ruộng em nhỏ đám lớn tiền/ Ở giữa đá mọc, bốn biên khỏa bờ/ Một phần em chấp văn thơ/ Một phần em để làm tờ chúc ngôn/ Phần chàng là cháu đích tôn/ Sao để kẻ lấn lên, người lấn xuống…/ Chàng ơm (ôm) cái chúc ngôn làm gì?”.

Căn cứ nội dung, có thể biết bài ca này được sáng tác lúc thực dân Pháp tiến hành việc chiếm hữu ruộng đất đã canh tác trên hàng chục quả đồi của nông dân ở địa phương này để làm đồn điền trà Đức Phú. Nội dung thanh mà tục; mượn chuyện tục để nói chuyện thực tế: biết bao nông dân ôm giấy tờ sở hữu ruộng đất (văn thơ), ôm giấy cho ruộng cho đất của cha mẹ, ông bà để lại (chúc ngôn) mà đành phải để cho bọn thực dân Tây, công sứ Pháp tước đoạt, xâm lấn.

Bài ca “cưng vợ” ở thôn Phú Bình

Ở thôn Phú Bình (Tam Xuân 1, Núi Thành) lưu hành bài ca - dùng thủ pháp thậm xưng thú vị - kể chuyện một anh chồng hết sức cưng chìu vợ: “Lời nguyền dưới nước trên trăng/ Nào ai thương vợ cho bằng tui đây/ Trong nhà không tiếng la rầy/ Nhà cửa tui quét sạch, nước tui gánh đầy vài đôi/ Rau heo cám chó tui nấu sẵn vài nồi/ Quơ thêm nhắm củi lần hồi bữa trưa/ Nó ăn rồi nó vô võng nó đưa/ Chén bát tui rửa, nắng mưa tui dầm/ Dọn chén: tui không dám khua mâm/ Việc chi tui nói lầm thầm rồi thôi/ Hai tay bưng nước rửa mặt, têm trầu/ Một khăn ú nưỡng “Cho mau bớ chồng!”.

Cưng đến nỗi anh chồng chịu làm những chuyện khó ai làm trong ngày đông tháng giá: “Tiết tháng mười (trời) nó lạnh như đồng/ (Nó) làm biếng đi đái bắt tui bồng cho mà đi”. Hoặc ngày hè khô hạn: “Tiết tháng năm nóng nực một khi/ Tui chằm “bù đài” (dụng cụ đựng chất lỏng; làm bằng mo cau - NV) cho nó đái chớ nó nhác đi ra hè…”. Tưởng đến nước đó thì anh chồng còn “cưng” nhiều điều trái gió trở trời khác. Nhưng không, bài ca kết thúc thật bất ngờ! Ngoài những điều làm cho “cục cưng” kể trên, anh chồng không cho “cô nàng” lấn thêm chút nào nữa. Anh tuyên bố một câu xanh dờn: “Đạo vợ chồng thì (tui) nói (nó) phải nghe/ Nhược bằng (nó) cãi lý, roi tre tui quất nhàu!”.

Câu hát vui ở ấp  Hương Trà

Ấp Hương Trà xã Tam Kỳ xưa thường tổ chức hội bài chòi suốt tháng Giêng. Trong các câu rao thai rất hay, có câu ứng tác về quân bài “Bạch huê” như sau: “Em có chồng rồi em biểu qua ve (tán tỉnh - NV)/ Khác nào em biểu qua vác cái gốc tre cho làng/ Chồng em bắt đặng quả tang/ Đâm em lủng ruột (thì) cổ anh cũng mang cái gông thường thường/ Trên thời hai cái điểm thương/ Dưới thời nhật nguyệt vấn vương anh hùng/ Chỗ này là chỗ chơi chung/ Điện tín không ai biết, giở bùng con bạch huê”.

Vùng này còn lưu hành một câu “hát quờ ve gái ” được cho do một người có tên là Út Đóng kiến tại: “Em không thương anh thì anh bắt anh bỏ bụi xương rồng/ Kẻ đi qua, người đi lại nói: Gái có chồng trật sên/ Ớ trật sên!”. Cũng đề tài này, có một bài ca về “người thực, việc thực” do một người ở ấp Hương Trà kiến tại để nói giỡn về tình cảnh dang dở của một đôi nam nữ không lấy được nhau: “Hai đứa ta thế tất không yên/ Thiếp có uống thuốc mọi cũng còn thảm; chàng có uống thuốc tiên cũng còn sầu/ Rể chẳng đặng rể, dâu chẳng đặng dâu!/ Hai đứa ta chừ thương nhớ sơ sơ/ Nhớ khi mô qua xoa xoa cái yếm bậu, bậu rờ rờ cái lưng qua”

Bài “láo thiên láo địa” ở thôn Tịch Đông

Nguyên văn như sau: “Ngồi buồn đặt chuyện láo thiên/ Hồi xưa kia ông già tui còn mạnh giỏi/ Ổng lên khiêng ông trời/ Ra đồng thấy muỗi bắt dơi/ Bù hung đám giỗ đi mời ông voi/ Nhà ông già tui có một hàng khoai/ Bới lên một khúc ước vài trăm ang/ Nhà ông già tui ổng có một cái thang/ Trăm hai chục nấc cọng một ngàn có dư/ Nhà ông già tui có một bụi khoai từ/ Bới lên một củ lăn hư nửa vườn/ Ra đồng bắt một con lươn/ Cái thịt bán chín đồng rưỡi, còn cái xương đẽo cày/ Ngoài đồng (quê) tui cá nhét biết bay/ Bù niễng lội dưới đường cày mà lại hóa long/ Xuống sông bắt một con còng/ Cái thịt bán chín đồng rưỡi bộ lòng đựng một giỏ (hái) dâu/ Ông già tui nhổ một cái râu/ Chẻ làm tư, xé làm tám đem (làm dây) câu cá chình/ Đừng chê tui nói linh tinh/ Láo thiên láo địa có một mình tui đây”. Bài này có nhiều dị bản lưu hành nhiều nơi.

Hát giỡn nhà giàu thôn Bích Ngô

Bài ca châm biếm này thể hiện nhiều chi tiết lý thú về cuộc sống của lớp nhà giàu ở nông thôn thời Pháp thuộc: “Xưa rày tui không tới nhà ông/ Bữa ni tui mới tới xin ông đừng rầy /Nhà ông chừ trai bạn đông dày dày/ Nhà ngói năm bảy cái; lầu ông xây chín mười tầng/ Lúa, đậu, mè ông đổ đầy sân/ Gạch Bát Tràng ông lót bếp/ Đá Lê Vân ông xây thành/ Nhà ông chừ có hai cậu thiệt lanh/ Một cậu đỗ Ri-me lớp Nhất; một cậu đỗ Tuyển sanh lớp Nhì/ Nhà ông chừ vàng bạc thậm hút(?) thiếu chi/ Tiền Gia Long năm bảy triệu; vàng Trà My chín mười ghè/ Ngoài sân võng giá ngựa xe/ Trong nhà khách khứa bạn bè nghênh ngang/…/Nhà trên nhà dưới nhà ngang nhà ngoài/ Bốn phía buồng cẩn úp gương soi/ Con muỗi chen không lọt, ngọn gió ngoài tự nhiên/ Chúc cho ông với bà trường thọ bá niên/ Bình an phấn chấn, bạc với tiền đong ang/ Chúc cho ông bà ăn bận thậm sang/ Áo sơ mi năm bảy cặp, (thắt) lưng hổ hoàng chín mười dây/ Ăn rồi uống những rượu Tây/ Sâm Cao Ly đỏ, quít cam hường nhiều bằng chanh ổi sẻ/ Không thua chi vườn nhà quê/ Chúc cho ông bà trâu bò ruộng đất chán hê/ Mùa mất thì mất nhớ giữ cái nghề cho vay” (Ở vùng Tam Kỳ xưa, nông dân vay 10 ang đến mùa phải trả 13 ang, ở đây ngụ ý châm chích nghề cho vay nặng lãi - NV).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghe lại câu hát giỡn ở Hà Đông xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO