Nghề làm đường bát truyền thống khá vất vả nhưng vẫn được người làm nghề ở Quế Sơn, Thăng Bình giữ lại.
Ông Nguyễn Văn Nhân (64 tuổi, ở xã Quế An, Quế Sơn) cho biết, ông là thế hệ thứ 3 trong gia đình giữ nghề làm đường bát thủ công. Cơ sở của ông Nhân có 4 thợ, công việc làm quanh năm. Họ làm việc theo dây chuyền như pha nguyên liệu, nấu đường thô, khuấy đường, đổ vào bát, ấn dấu bằng búa gỗ, niềng khung và khạy đường ra khỏi bát. Thu nhập mỗi người thợ hơn 500 nghìn đồng/ngày.
Để có nguyên liệu nấu đường, gia đình ông Nhân trồng khoảng 5 sào mía và mua thêm mía từ người dân các huyện lân cận. Cây mía cho vào máy ép thành nước và trữ trong các thùng phuy nhựa.
“Nghề nấu đường rất khó và kỳ công. Thợ phải am hiểu công thức pha trộn đường thô khi đun nấu. Công đoạn khuấy đường cũng phải cẩn thận vì đường rất đặc và nóng, dễ gây bỏng. Để bát đường đạt chất lượng, màu sắc đẹp, khâu chọn mía cũng rất quan trọng, cây mía đủ độ già, chưa trổ bông.
Mỗi năm, gia đình tôi cung cấp ra thị trường hàng nghìn bát đường. Cặp đường bát có giá dao động 55 - 60 nghìn đồng. Thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong nước” - ông Nhân cho hay.