Nghề làm thuyền thúng

CHÂU NỮ 23/05/2018 14:23

Nghề đan thuyền thúng ở các xã ven biển Núi Thành gắn liền với nghề khai thác hải sản truyền thống nhưng dần mai một bởi người trẻ không mặn mà với nghề, nguyên liệu ngày một khan hiếm.

 Một cơ sở làm thuyền thúng ở Tam Giang (Núi Thành). Ảnh: C.N
Một cơ sở làm thuyền thúng ở Tam Giang (Núi Thành). Ảnh: C.N

Nghề làm thuyền thúng phục vụ các tàu câu mực, khai thác, đánh bắt hải sản ở các xã Tam Quang, Tam Giang… (Núi Thành) có từ lâu đời. Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ làm thuyền thúng nhưng hiện nay số người làm nghề này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Anh Lương Thế Vĩnh (SN 1986, ở thôn  An Tây, xã Tam Quang), là một trong những thợ trẻ hiếm hoi của nghề đan thuyền thúng. Trước đây, gia đình anh chủ yếu đan rổ hấp cá. Sau đó, nhận thấy nhu cầu mua thuyền thúng của ngư dân khá cao nhưng các cơ sở sản xuất loại ngư cụ này mỗi lúc một hiếm nên anh Vĩnh quyết định chuyển hướng làm ăn. Anh học nghề từ cha mình và đến nay đã theo nghề được 5 năm.

Hiện cơ sở của anh Vĩnh có 5 người làm, tiền công tính theo sản phẩm: 2,5 nghìn đồng/sợi nan; 6,5 nghìn đồng/chiếc vành; 600 nghìn đồng/tấm mê… Ông Phạm Thiên (56 tuổi) - người làm công, chuyên vót vành cho cơ sở anh Vĩnh, có thâm niên hơn 40 năm làm nghề, cho biết các công đoạn vót nan, đan, lận vành, quét dầu… tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lắm công phu, đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, có kỹ thuật để đảm bảo an toàn và tăng độ bền cho sản phẩm và uy tín cho cơ sở. Ngay cả loại cước nứt vành cũng chọn loại tốt. Là thợ lành nghề nhưng mỗi ngày ông Thiên cũng chỉ vót được khoảng 20 - 25 chiếc vành.

Ở Tam Quang hiện chỉ còn vài ba hộ chuyên sản xuất thuyền thúng. Ngoài cơ sở của anh Vĩnh còn có cơ sở anh Lương Quốc Bảo cũng ở thôn An Tây hay cơ sở của ông Anh ở thôn Xuân Trung. Số sản phẩm sản xuất hàng năm ở các cơ sở này cũng không nhiều... Riêng ở xã Tam Giang, số cơ sở làm thuyền thúng nhiều hơn nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Bình quân mỗi chiếc tàu câu mực cần đến 40 - 50 chiếc; các tàu khác cần vài ba chiếc. Ông Phạm Vũ Tuấn (SN 1955) ở thôn Hòa An, xã Tam Giang cho biết, mỗi năm mỗi cơ sở sản xuất được chừng 30 chiếc, chủ yếu làm vào mùa nắng; mỗi chiếc đường kính cỡ 3 - 3,4m, giá bán 10,5 - 12 triệu đồng, tùy kích cỡ.

Ông Lương Ngọc Nam, làm công cho cơ sở của ông Tuấn nói, trừ tiền cơm nước, mỗi ngày công ông kiếm được khoảng 200 nghìn đồng. Nghề này được ngồi trong mát, tuổi già mà có thêm thu nhập như vậy là xem như ổn định. Nhưng thanh niên trai tráng ở địa phương hầu như không mấy người theo nghề này. Họ theo các tàu câu mực, hoặc khai thác hải sản xa bờ, thu nhập cao hơn nhiều, nên phần lớn người làm nghề này là phụ nữ và người có tuổi. Phụ nữ làm công đoạn vót nan, đan mê, quét dầu; đàn ông chẻ nan, lận vành, nứt.   Người làm công có thể nhận hàng về làm một số công đoạn, nhưng tất cả phải tập trung ở cơ sở sản xuất để lận vành, vì công đoạn này đòi hỏi phải có nhiều người. Hơn nữa, thuyền thúng rất “kén” nguyên liệu. Tre nguyên liệu phải chọn cây to, già vừa phải, và chỉ lấy phần tre cật. Trong khi đó, ở vùng biển không có loại tre này, nên các cơ sở sản xuất phải mua tre ở các huyện Thăng Bình, Phú Ninh…

Vì nguyên liệu ngày một hiếm, số người làm nghề cũng ngày một ít đi nên các cơ sở làm thuyền thúng ở Núi Thành chủ yếu làm theo đơn đặt hàng và phần lớn làm tất cả công đoạn bằng thủ công. Và họ có chung mong ước, giá như có thêm vốn để đầu tư mua sắm máy chẻ nan, nghe đâu có giá 25 - 70 triệu đồng, để tăng năng suất.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề làm thuyền thúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO