Nghề lấy mật ong rừng

TRUNG THỰC 13/05/2020 14:17

Một số nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình tranh thủ thời gian rảnh lên rừng tìm mật ong; công việc tuy cực nhọc nhưng mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Anh Lợi dùng ống nhòm để quan sát hướng di chuyển của ong. Ảnh: T.T
Anh Lợi dùng ống nhòm để quan sát hướng di chuyển của ong. Ảnh: T.T

Sáng sớm, tôi cùng anh Nguyễn Lợi (xã Bình Phú) và anh Triệu Tấn Hậu (xã Bình Quế) - những người có nhiều kinh nghiệm đến khu vực rừng già tại Suối Tiên (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) tìm ong.

Theo lời anh Lợi, mỗi mùa, sẽ có một cách khác nhau để bắt hướng tìm ong. Thời điểm sau tết, mùa lúa trổ, ong di chuyển xuống những cánh đồng lúa để hút mật. Thời điểm này, ong tìm những cây đang trổ bông để hút mật. Anh Triệu Tấn Hậu cho biết thêm, khi vào mùa nắng nóng đi dọc theo những khe suối chảy dọc từ đỉnh núi xuống cũng dễ dàng tìm được hướng ong. Năm 2019, anh Lợi đầu tư hơn 11 triệu đồng mua ống nhòm để thuận lợi dò vị trí tổ ong.

“Chỉ cần quan sát tại những khe nước này, từ khoảng 7 đến 10 giờ sáng, ong bay đến để hút nước. Sau khi hút nước xong, ong bay thẳng về tổ nên rất dễ tìm được vị trí tổ ong” - anh Hậu nói.

Lần theo dấu đường ong bay từ cây đọt nước đang trổ, chúng tôi ngược núi, theo lối mòn để đến khu vực mà theo anh Lợi, ong đã đáp xuống. Đoạn đường không dài nhưng chằng chịt dây leo, nhiều phiến đá to, dựng đứng. Dưới đất, hoa lộc vừng rụng thành lớp dày, rất trơn và dễ ngã. Sau khoảng 15 phút băng núi, anh Hậu phát hiện một tổ ong khá lớn, vắt trên thân một cây đa.

Để lấy được tổ ong này, anh Lợi và anh Hậu lấy lá của cây đủng đỉnh quấn quanh bó hương, bạn rừng các anh gọi đây là quả khói. “Quả khói này có tác dụng tụ khói, vừa có thể xua đuổi ong, vừa tránh bị ong đốt khi lấy mật” - anh Lợi giải thích.

Sau khi châm lửa cho hương cháy, anh Lợi đội thêm một chiếc mũ trùm kín mặt và cổ, phần phía trước mắt được bảo vệ bằng một mành lưới sắt tái chế để tránh bị ong đốt. Xong, anh đeo dao nhọn bên hông và bắt đầu leo lên cây. Chỉ mất vài phút, anh Lợi đã tiến sát vị trí tổ ong. Nghe tiếng động, cả đàn ong rời tổ để tấn công người. Lúc này, anh Lợi vẫn bình tĩnh quay ngược quả khói lại, xả làn khói nghi ngút vào tổ khiến hàng ngàn con ong say khói bay loạn xạ. Anh Lợi dùng dao cắt lấy phần chóp mật, cho vào túi ny lon rồi nhanh chóng xuống đất.

Ong bay đi hết, lúc này tôi mới tận mắt được nhìn thấy tổ ong rừng. Tổ ong được làm bằng sáp, các vách ngăn liên kết lại với nhau thành hình lục giác dày khoảng 0,5cm, bên trong chứa sáp ong, phấn hoa, nhộng ong và mật ong. Phần dưới là một bầu mật có màu vàng sóng sánh, phần trên của tổ ong là những vách ngăn chứa phấn hoa màu vàng.

Sau khi lấy được tổ ong mật này, chúng tôi tiếp tục ngồi quan sát, ngược dốc, băng qua những phiến đá, dây leo chằng chịt để tìm một tổ ong khác. Đến đầu buổi chiều, vẫn không tìm thêm được, chúng tôi men theo lối cũ để xuống núi. Trên đường về, anh Lợi trải lòng, nghề tìm mật ong rất vất vả. Có khi đi một ngày được hai, ba tổ kiếm tiền triệu, nhưng nhiều lúc chui rúc trong rừng cả tuần cũng về tay trắng.

Nghề săn ong cũng rất nguy hiểm. Nếu không cẩn thận rất dễ bị ong bao vây chích khắp người, gây sốt. Nhưng theo anh Lợi, đó vẫn chưa phải là cái khó nhất của nghề lấy mật ong rừng. Cái khó nhất là làm sao vừa lấy được mật ong rừng đúng độ chín nhưng phải bảo toàn và tránh thiệt hại cho đàn ong.

“Chúng tôi chỉ chọn những tổ ong lớn, số lượng ong đông và khi lấy mật chỉ dùng khói để đuổi ong chứ không dùng lửa. Phải để con đường cho đàn ong sống để tiếp tục sinh sôi, phát triển, đó là lương tâm của những người làm nghề này” - anh Lợi tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề lấy mật ong rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO