Nghề lưới cá chuồn trúng lớn

VIỆT NGUYỄN 31/05/2023 07:46

Ngư dân trên địa bàn tỉnh phấn khởi bởi nghề lưới cá chuồn năm nay được mùa được giá. Ngành chức năng và các địa phương ven biển khuyến khích, hỗ trợ ngư dân phát triển nghề này.

Ngư dân sửa soạn lại lưới để ra khơi đánh bắt cá chuồn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân sửa soạn lại lưới để ra khơi đánh bắt cá chuồn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thu nhập khá

Nghề khai thác cá chuồn lớn mạnh ở các địa phương phía bắc của tỉnh như Duy Xuyên, Hội An. Theo các ngư dân, mùa cá chuồn rộ nhất là quãng tháng 5, tháng 6.

Ngư dân Trần Đậu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) làm tài công cho nhiều tàu cá theo nghề lưới cá chuồn cho biết, mỗi chuyến đánh bắt cá chuồn ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa diễn ra khoảng 15 ngày với hơn 10 lao động. Cá chuồn hoạt động ở tầng mặt nên các công đoạn bắt cá diễn ra không quá phức tạp.

Theo ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, ở một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Ngãi, ngành khuyến nông hỗ trợ 50% kinh phí giúp ngư dân đầu tư vàn lưới rê đánh bắt cá chuồn xa bờ gồm hệ thống dây giềng, thân lưới, cánh lưới, chì, phao, các cheo trong vàn lưới...

Ngành khuyến nông Quảng Nam cần nghiên cứu, tiếp cận vốn khuyến nông của Trung ương để triển khai mô hình trên địa bàn tỉnh đem lại lợi ích lớn cho ngư dân. TS. Lê Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đồng tình với ý kiến trên và cho biết sẽ khẩn trương nghiên cứu để có thể tiếp cận vốn triển khai mô hình điểm trên địa bàn tỉnh, qua đó có thể nhân rộng.

“Các chuyến biển vừa qua thu được chừng 10 tấn cá chuồn/chuyến. Với giá cá chuồn 50 nghìn đồng/kg, chủ tàu thu được 500 triệu đồng, lãi hơn 350 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 15 triệu đồng/chuyến. Cá chuồn những năm trước có giá chỉ 20 nghìn đồng/kg.

Năm nay giá tăng mạnh mà sản lượng đạt cao nên chúng tôi rất vui nhờ thu nhập khá. Anh em tranh thủ nghỉ ngơi sau mỗi chuyến biển lại tiếp nối hành trình khai thác cá chuồn đến tháng 6 rồi chuyển sang nghề khác” - ông Đậu nói.

Ông Nguyễn Văn Nhật - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà (Hội An) cho biết, trên địa bàn hiện có 19 tàu hành nghề khai thác cá chuồn theo hình thức tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Trước đây ngư dân đánh bắt cá chuồn ở tuyến lộng. Qua tích lũy và góp vốn, các ngư dân cải hoán tàu nhỏ thành tàu lớn hoặc bán tàu nhỏ đóng mới tàu lớn để khai thác cá chuồn ở tuyến xa bờ.

“Ngư dân khai thác cá chuồn ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và hầu hết về bán tại cảng cá Thanh Hà. Nghề biển không còn giữ thế mạnh như trước nhưng ngư dân theo nghề cá chuồn ăn nên làm ra chúng tôi cũng vui mừng” - ông Nhật nói.

Ngư dân Nguyễn Anh (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà) cho biết, nhờ máy định vị, định dạng và máy dò cá, ngư dân không tốn nhiều thời gian và chi phí để tìm được tọa độ có nhiều luồng cá chuồn hoạt động.

Trên biển mỗi tàu đánh bắt riêng lẻ nhưng gặp đàn cá chuồn hàng chục tấn thì cùng nhau phối hợp để vây bắt hiệu quả.  Ông Anh nói: “Năm nay cá chuồn hoạt động mạnh so với mọi năm. Giá cá cũng tăng cao nên chúng tôi có nguồn thu nhập khấm khá dù cho chi phí đầu vào chuyến biển tăng mạnh. Giữ gìn nghề lưới cá chuồn là hướng đi đúng đắn của chúng tôi”.

Ở các vùng biển chủ yếu có 2 loại cá chuồn cồ (loại lớn 2-3 con/kg) và cá chuồn rắc (cỡ 5-6 con/kg). Loại cá này có đặc điểm nổi bật là bay, chao lượn trên sóng. Để đánh bắt cá chuồn, ngư dân chong nhiều bóng đèn điện cao áp có độ sáng cao và rộng để thu hút cá. Lưới có độ rộng và sâu càng lớn thì càng đánh bắt được nhiều cá chuồn trong mỗi mẻ.

Khuyến khích, hỗ trợ

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có hơn 100 tàu chuyên khai thác cá chuồn ở vùng biển xa bờ. Ngoài ra, ở tuyến lộng và ven bờ, nghề này cũng phát triển đem lại thu nhập khá cho ngư dân dù cho quy mô sản xuất không lớn.

Lưới cá chuồn là nghề khai thác hải sản có từ lâu đời của ngư dân. Liên tục trong các năm 2020, 2021 và 2022, đánh bắt cá chuồn của cộng đồng ngư dân không mấy khả quan.

Nhất là năm 2022, sản lượng cá sụt giảm, giá cá thấp, chỉ còn ở mức 20 nghìn đồng/kg, nhiều chủ tàu phải cho tàu cá nằm bờ vì càng đi càng thua lỗ. Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng cá chuồn tại ngư trường truyền thống là Trường Sa, Hoàng Sa và vùng ven bờ, tuyến lộng dồi dào trở lại, ngư dân làm nghề lưới cá chuồn ở Quảng Nam hối hả vươn khơi.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, dù không là nghề chủ lực như lưới vây, câu mực khơi, lưới chụp nhưng Quảng Nam khuyến khích ngư dân phát triển nghề lưới cá chuồn để đa dạng hóa hoạt động nghề cá, nhất là đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân.

Thời gian qua, ngành thủy sản nghiên cứu, triển khai đề tài khoa học ứng dụng tời thủy lực để tăng năng lực khai thác cá chuồn ở vùng biển khơi. Được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, ngư dân Phạm Hiên (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) áp dụng, sử dụng đúng quy trình, tăng sản lượng đánh bắt, giảm công lao động, giảm chi phí chuyến biển.

“Rất cần nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất lưới cá chuồn. Cùng với tời thủy lực, ngư dân cũng cần mạnh dạn tiếp cận ứng dụng các máy móc, thiết bị hàng hải tiên tiến để nâng cao hiệu quả đánh bắt lưới cá chuồn” - ông Toàn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề lưới cá chuồn trúng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO