Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành mây tre đan trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất, nhiều DN phải ngừng hoạt động vì không chủ động nguồn nguyên liệu.
Cạn kiệt
Theo TS. Vũ Quế Anh - Quản lý Dự án mây Việt Nam của WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên), sản phẩm từ mây là một trong những sản phẩm xuất khẩu có giá trị của Việt Nam, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho các địa phương. Cả nước ước tính hiện có khoảng 30 loài song mây thuộc 6 chi, phần lớn phân bố chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, do tình hình khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô một cách ồ ạt, thiếu bền vững, thiếu quy hoạch và quản lý nên nguồn nguyên liệu song mây tự nhiên của Việt Nam đã cạn kiệt.
Ngành mây tre đan giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn. |
Theo số liệu của Hiệp hội Mây tre Quảng Nam, hiện có khoảng 35 - 42% cơ sở đang phải sản xuất cầm chừng và có nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu. Tại nhiều vùng nguyên liệu mây truyền thống như Nam Giang, Phước Sơn, Trà My…, nhiều loài mây tự nhiên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trữ lượng khai thác mây cũng giảm đi thấy rõ, từ 1.000 tấn năm 2004 xuống còn 400 - 500 tấn năm 2013. Nghịch lý hiện nay, nhiều DN sản xuất mây tre không thể trực tiếp mua nguyên liệu tại địa phương mà phải qua tư thương. Từ trước đến nay, nguồn nguyên liệu chủ yếu khai thác từ rừng tự nhiên, người dân miền núi khai thác tự phát, rải rác, chủ yếu bán cho các đại lý của tư thương rải khắp. Dù cho các DN mây tre đến tận nơi mua giá cao vẫn không thể tiếp cận được. Muốn có nguyên liệu mây tre phải “cậy” mua các tư thương nên giá thành cao. Theo một chủ DN chuyên chế biến nguyên liệu mây ở Đại Lộc, do nhu cầu thị trường song mây tiêu thụ mạnh, những năm trước đây, các tư thương lên tận đây mua song mây, đòi hỏi song mây phải đủ chuẩn trên 3m trở lên mới mua nên bà con vùng cao mỗi khi vào các khu rừng song mây, chỉ lựa song mây lớn, đủ tuổi mới khai thác. Còn bây giờ, khai thác một cách cạn kiệt, song mây chừng 1,5 - 2m cũng được mua. Những cánh rừng song mây bạt ngàn ngày nào đã dần xác xơ.
Sản phẩm mây tre của Hợp tác xã Điện Thọ tham gia hội chợ. |
Chính những hoạt động khai thác bừa bãi, không theo quy hoạch khiến nhiều địa phương đối mặt với tình trạng suy giảm số lượng về nguồn cung ứng mây nội địa. Trước thực trạng đó, để có nguyên liệu cho sản xuất, vài năm trở lại đây, Quảng Nam tập trung đầu tư cho công tác khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới cây mây bằng nhiều hình thức thâm canh, xen canh hay mô hình nông - lâm kết hợp. Tuy nhiên, về quy hoạch trồng song mây, đến nay vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Trước khó khăn thiếu hụt nguyên liệu, thời gian qua, nhiều DN mây tre trong tỉnh như Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ, Công ty Mây tre Phú Quý... đã tính đến chuyện đầu tư xây dựng vườn ươm để trồng nguyên liệu mây. Song một thách thức mà các DN mây tre phải đối mặt là không đủ năng lực trồng rừng do thiếu vốn, kỹ thuật, đặc biệt về cơ chế nhận đất rừng từ chính quyền địa phương.
Thanh niên đồng bào thiểu số xã Phước Xuân sơ chế nguyên liệu mây tre đan. Ảnh: Đ.H |
Chủ động nguồn nguyên liệu
Theo TS. Vũ Quế Anh, những DN chuyên sản xuất ngành mây tre đã nhận thức rất rõ là nguồn mây trong nước đang suy giảm đáng kể vì nhu cầu ngày càng cao và khai thác không bền vững. Những loài mây quan trọng hiện giờ rất hiếm và thường xuyên phải nhập từ Lào và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, hầu hết DN này vẫn chưa có sự chú trọng đến vấn đề nguồn gốc nguyên liệu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững mà còn giảm khả năng cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới ngày càng chú trọng hơn đến vấn đề bảo đảm an toàn sinh thái tự nhiên như hiện nay.
Để khôi phục và phát triển bền vững vùng nguyên liệu mây tre tự nhiên trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, các tổ chức quốc tế về môi trường đã tài trợ nhiều dự án nâng cao nhận thức trong cộng đồng và các DN chuyên sản xuất ngành mây tre. Đó là dự án “Tạo việc làm cho thanh niên thông qua phát triển kinh tế địa phương tại tỉnh Quảng Nam” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tài trợ. Mục tiêu của dự án là xây dựng chuỗi giá trị mây được triển khai tại 4 huyện Duy Xuyên, Phước Sơn, Núi Thành và Thăng Bình. Sau 3 năm (2010 - 2012) triển khai dự án, ILO đã xây dựng nhiều mô hình nhóm sơ chế ươm giống và trồng rừng trong các nhóm thanh niên đồng bào thiểu số xã Phước Xuân, Phước Hòa (Phước Sơn) và mô hình trồng mây cho vùng sản xuất mây bền vững ở các xã Tam Hiệp, Tam Mỹ và Tam Trà (Núi Thành)...
Tìm giải pháp phát triển mây bền vững Vừa qua, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức hội thảo “Phát triển mây bền vững - kết quả thực hiện dự án và kế hoạch nối tiếp” nhằm tìm kiếm những giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho ngành mây tre Việt Nam. Tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm, giải pháp cụ thể được các đại biểu đưa ra để ngành mây Việt Nam phát triển hơn trong thời gian tới như: kinh nghiệm từ mô hình trồng mây nước ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế); kết quả thực hiện Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg ngày 18.2.2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre; kinh nghiệm về phát triển vùng nguyên liệu mây FSC, liên kết thị trường xuất khẩu sản phẩm mây FSC sang thị trường châu Âu... Trên cơ sở đó, đề xuất của WWF là cần hỗ trợ về kỹ thuật trong việc nhân giống, cây trồng và khai thác bền vững các loài mây; triển khai đề án xây dựng rừng giống và quy trình sản xuất giống mây phục vụ phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020 và các mô hình khoanh nuôi, gây trồng song mây trên địa bàn tỉnh. |
Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai “Phát triển bền vững mây tre vùng Mê Kông” do WWF tài trợ. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ tối thiểu cho 50% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mây ở Lào, Việt Nam, Campuchia hướng đến bền vững, cải thiện môi trường, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, sẽ hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng mây đã được thiết lập ở Lào, Việt Nam, Campuchia, đảm bảo cung ứng 3.000 tấn nguyên liệu vào năm 2014. Riêng tại Việt Nam dự án này sẽ triển khai ở huyện A Lưới, huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) và huyện Nam Giang (Quảng Nam). Theo ông Nguyễn Quang Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Mây tre Quảng Nam, thời gian qua, tại Nam Giang, hhiệp hội đã phối hợp với Văn phòng Quản lý dự án mây Việt Nam của WWF đã khảo sát quy hoạch, hình thành cách ươm mây giống và hỗ trợ, nhân rộng các mô hình trồng mây trong đồng bào vùng cao ở huyện Nam Giang.
Làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho ngành truyền thống sản xuất mây tre ở Quảng Nam? Theo ông Thuận, cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ, trước tiên là phải có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mây tre tập trung để đủ sức cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cần thiết để các DN liên kết, liên doanh xây dựng vùng nguyên liệu (giao đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài, tham gia các chương trình/dự án trồng rừng sản xuất…) và hỗ trợ các DN mây tre đan tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ngân hàng và mở rộng thị trường, liên kết liên doanh tạo sức cạnh tranh.
ĐẶNG HÙNG