Nghệ nhân điêu khắc gỗ Cơ Tu

TẤN VỊNH 13/05/2018 09:35

Bhriu Pố là một trí thức dân tộc Cơ Tu, là người đầu tiên ở vùng núi Quảng Nam có bằng đại học sư phạm về sinh vật học, Trường Việt Bắc năm 1973 - 1977. Ông am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Cơ Tu, tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, luôn đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy, truyền dạy về nghệ thuật điêu khắc gỗ và nhiều tri thức dân gian cho bà con cùng thế hệ trẻ.

Bhriu Pố chạm khắc tác phẩm Gà trống.Ảnh: TẤN VỊNH
Bhriu Pố chạm khắc tác phẩm Gà trống.Ảnh: TẤN VỊNH

1. Sau thời gian cống hiến cho ngành giáo dục huyện Hiên cũ, Bhriu Pố xin nghỉ hưu sớm và về sinh sống tại quê nhà - xã Lăng, huyện Tây Giang. Khi về với dân làng, ông là người gắn bó với nương rẫy, từng được mệnh danh là “vua ba kích” vì trồng nhiều cây dược liệu quý này để tạo nguồn thu nhập và trở thành “nông dân sản xuất giỏi”.

Bhriu Pố gắn bó từ lâu với những tác phẩm điêu khắc gỗ - một loại nghệ thuật tạo hình gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của người Cơ Tu. Những gươl ở xã Lăng hay huyện Tây Giang đều có bóng dáng, ý tưởng của ông. Ông tự tay chạm khắc hoặc thiết kế, vẽ mẫu rồi hướng dẫn cho các nghệ nhân trẻ, trai tráng trong làng thực hiện. Điều đặc biệt là tác phẩm điêu khắc của ông đã đến nhiều nơi trong nước, giới thiệu cho nhiều người biết về nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình. Bhriu Pố được tỉnh và huyện cử tham gia nhiều cuộc thi, trại điêu khắc gỗ dân gian tại các tỉnh, thành phố trong nước.

Năm 2007, nghệ nhân Bhriu Pố tham gia trại sáng tác điêu khắc tại huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), ông đã sáng tác 2 bức tượng độc đáo là: “Rắn thần” và “Già làng”. Tác phẩm của ông được trưng bày tại Vườn tượng Buôn Đôn cùng tác phẩm điêu khắc của các nghệ nhân Tây Nguyên. Người viết bài này được thưởng lãm những tác phẩm này của ông và được nghe ông giải thích về ý nghĩa của nó. Theo ông, rắn thần (bhi’dưa) là một quái vật có cái đầu và bộ chân tuyệt đẹp của con gà trống, cái mình mềm mại của con rắn và cái đuôi thướt tha uốn lượn của con cá. Truyền thuyết kể rằng con vật này có trách nhiệm gìn giữ cái hũ của thần nước. Chính vì vậy, rắn thần chỉ sống ở vùng đầm lầy, ao hồ, sông suối... Trong làng, nếu người nào có ý nghĩ, lời nói hoặc việc làm xấu xa thì qua những vùng có nước sẽ bị rắn thần trừng phạt. Người Cơ Tu rất tin ở sự hiển linh của rắn thần - hình tượng có ý nghĩa răn đe, giáo dục những người sống trong buôn làng, cộng đồng phải ăn ở hòa thuận, suy nghĩ trong sáng, không nói xằng bậy, không làm điều xấu, điều ác để cuộc sống tốt đẹp hơn. Tượng có phần dưới đế là chiếc ché, vẽ hình kỳ đà, tắc kè, thân rắn quấn trên các trụ, vươn lên đỉnh trụ là đầu gà trống. Tượng rắn thần được bố trí ở nơi tiếp giáp của cây xà ngang, vừa tạo nét thẩm mỹ vừa có chức năng liên kết, chịu lực giữ vững chắc cho ngôi nhà. Tác phẩm này cũng ông tạo tác để trang trí tại gươl thôn Pơ Ning và gươl xã Lăng quê ông.

2. Năm 2016, Bhriu Pố và một số nghệ nhân Cơ Tu được mời dự tham gia giao lưu văn hóa tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Tại đây ông đã tạc nhiều bức tượng độc đáo như rắn, chó, chim nhồng, chim gầm ghì và một số bức tượng khác. Năm 2017 là năm bận rộn nhất của nghệ nhân Bhriu Pố. Ông và những nghệ nhân khác trong làng tham gia 2 kỳ festival. Tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột vào tháng 3.2017, các nghệ nhân điêu khắc gỗ Cơ Tu ở xã Lăng gồm Bhriu Pố, Bhriu Tích, Zơrâm Dư, Pơloong Tư, Bhling Bheo đã tham gia cuộc thi tạc tượng gỗ với 5 tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm về đề tài chim muông: chim tích, chim jắt, chim nhòng, 1 tác phẩm về đề tài gà trống và 1 tác phẩm về đề tài con chó. Tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Bhriu Pố đã được trao giải khuyến khích, được lưu giữ, phục vụ cho công tác trưng bày tại Bảo tàng Đăk Lăk và tại Vườn tượng khu du lịch sinh thái buôn Kô Tam, Buôn Ma Thuột.

Ở lễ hội phục dựng cây nêu trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017, nghệ nhân Bhriu Pố đã góp công rất lớn trong việc phục dựng cây nêu của người Cơ Tu. Cây nêu của nghệ nhân Bhriu Pố chế tác được dựng ở Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu Tây Giang, và là cây nêu có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Tôi từng chụp bộ sưu tập ảnh cây nêu, cột lễ của đồng bào Cơ Tu nhưng chưa thấy tác phẩm điêu khắc nào khắc họa đầy đủ, mang ý nghĩa biểu trưng độc đáo như cây nêu này. Cây nêu của ông được tạo tác rất kỳ công với 9 mô típ trang trí khác nhau, thứ tự từ dưới lên trên, đó là: dây thừng (bhrướt pơr lanh), dây thắt lưng phụ nữ (cơtêêng pa pát), hoa cây chi rong - mô típ này lặp lại 3 lần trên thân cột, chuỗi cườm crôl, a pac, crơ lăng, pa pa và gương. Trong đó, dây thừng tượng trưng cho dây buộc gia súc với ý mong muốn cho đàn gia súc đông đúc; dây thắt lưng là hình ảnh tái hiện loại dây được dệt bằng vải bông rất dài để buộc thắt lưng và buộc tóc khi tham gia điệu múa tâng tung da dá, tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Cơ Tu; 3 mô típ hoa chi rong trên cột lễ biểu tượng cho nhiều vật dụng thiết thân đến cuộc sống hàng ngày của đồng bào như chày cối, xoong nồi, bát đĩa và cả hình ảnh mang tính công thức để người ta nhìn vào đó mà trang trí hoa văn trên các đồ đan lát, thêu dệt. Cây chi rong là loại cây phát triển nhanh, rất tươi tốt, đầy sức sống, nên người Cơ Tu thường lấy vài nhánh lá cây này buộc vào cây chọc lỗ để tỉa lúa, cầu mong cho cây lúa lên nhanh như cây chi rong. Chuỗi cườm tròn trên cây cột lễ miêu tả hạt cườm crôl, là một loại cườm to, đẹp, nhiều màu sắc và đắt giá nhất (một con trâu to trở lên), là loại trang sức mà người đàn ông Cơ Tu thích nhất, được đeo trong tất cả lễ hội truyền thống của dân tộc mình. A pác có thiết diện hình hộp chữ nhật, mặt lớn nằm phía chính diện của cột lễ, nơi tập trung nhiều hoa văn, hình vẽ như mặt trăng, mặt trời, con rồng a dóc, lá cây a tút, cây a dương (cây mây), cây tà đin - loại cây để lấy nước làm rượu... Kết thúc lễ hội, cây nêu của dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang đã được Ban tổ chức trao giải A.

3. Khi mới tách huyện Tây Giang, lãnh đạo huyện đã huy động và kêu gọi các nghệ nhân giỏi tham gia phục dựng Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu. Bhriu Pố là nghệ nhân hăng say nhất trong việc tập hợp các già làng, cùng nhau xây dựng, kiến thiết nên ngôi làng truyền thống độc nhất vô nhị ở miền tây xứ Quảng. Tại đây có nhiều ngôi nhà mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người như nhà dài, nhà moong, gươl, nhà mồ. Huyện Tây Giang đã giao cho ông chủ trì, phục dựng ngôi nhà mồ độc đáo, mang phong cách nghệ thuật của đồng bào Cơ Tu vùng cao. Trong nhà mồ có chiếc quan tài 2 lớp chạm khắc đầu trâu, màu sắc đỏ, đen, trắng rất đặc trưng. Hình chim tring, gà trống, kỳ đà, rồng, rắn... trang trí trên cột, nóc, kèo nhà mồ. Nhiều người am hiểu văn hóa Cơ Tu cho rằng đây là loại hình quan tài cổ nhất, đẹp nhất. Với trào lưu làm nhà mồ bằng bê tông thì việc tái hiện một ngôi nhà mồ bằng gỗ mang lối kiến trúc và điêu khắc cổ xưa như thế cũng là cách làm bảo tàng sống động.

Nghệ nhân Bhriu Pố đã cống hiến tận tâm tận lực cho văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những tác phẩm điêu khắc của ông không đơn thuần chỉ làm đẹp, trang trí mà còn mang ý nghĩa nhân sinh quan, triết lý, đạo lý và thấm đẫm tình yêu quê hương, bản làng và núi rừng. Người viết bài này, với sự trân trọng tài năng của ông, may mắn được chiêm ngưỡng và sưu tầm, lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Bhriu Pố và đã đưa vào tập sách ảnh: “Điêu khắc gỗ Cơ Tu” (Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2017). Năm nay đã 78 tuổi nhưng nghệ nhân Bhriu Pố vẫn ấp ủ và sáng tác những đề tài mới để tiếp tục trình làng, góp phần làm giàu có tinh hoa di sản văn hóa Cơ Tu.

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ nhân điêu khắc gỗ Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO