Nghệ nhân mở quán làm vui

HOÀI GIANG 04/06/2016 09:49

Dọc theo đường từ Thanh Chiêm (Điện Phương) xuống Hội An có một quán mỳ của nghệ nhân mỳ Quảng, chừng đã mấy năm, không nhạt mùi hương cũ.

Nắng sớm xuyên qua mái lá. Những vệt sáng loang loáng trên khuôn mặt bà lão. Hai chiếc ghế băng cạnh bàn gỗ dài thấp trải khăn hoa, đã có khách ngồi dùng bữa sáng. Vài người vừa đến chống cuốc chờ… Thực khách là người trong làng đi làm đồng, ghé “ăn mai” trước khi ra ruộng. Nói là quán cho sang, chứ nó chỉ là một mái lá đơn sơ, nép mình cạnh ngôi nhà ngói mới, bên vệ đường bê tông nối từ quốc lộ I, theo đường Thanh Chiêm (Điện Phương) xuống Hội An, chui khỏi gầm cầu đoạn đường tránh qua Vĩnh Điện là tới.

Năm giờ sáng, bà năm Tài đã bày xong quán hàng. Người làng ăn mỳ mỗi sáng. Không sót ngày nào. Không cảm giác ớn ngấy bởi vị quê ngay trong tô mỳ của bà Tài. Tiếng nói cười rôm rả. Người trong thôn nói chuyện đồng áng, chuyện con cháu. Khách vãng lai hỏi đủ chuyện về bà và nghề mỳ quảng… Ít ai biết cụ bà ngồi kiểu bó gối giữa hàng quán đơn giản những vật dụng, nguyên liệu cho một gánh mỳ: rổ rau sống, mỳ, nồi nước đang sôi (để trụng mỳ), nồi nước nhưn, bao bánh tráng, thẩu đậu phụng, xô nước chè bên cạnh mấy cái ly cũ… là một nghệ nhân nấu mỳ Quảng đã được phong tặng. “Sáu mươi năm qua, không còn đủ sức bán mỳ “chạy” qua các làng xã quanh vùng nữa, nên ghé chỗ dựng tre, che mái bán cho đỡ nhớ nghề… và vui” - bà Tài nói.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tài là người tráng và bán mỳ cuối cùng của thế hệ trước còn sống tại làng mỳ Phú Chiêm. Bà Bảy - người bạn già trong làng ngày nào cũng ăn mỳ, phụ dọn tô, rót nước, chuyện trò lúc thưa khách góp lời nói vui bà Tài đã được quay phim, lên ti vi. Những gánh mỳ “du ngoạn” khắp các ngả đường Đà Nẵng hay những hàng quán mang tên Phú Chiêm đều là những “học trò” từ hương vị mỳ ngày cũ của bà Tài. Tô mỳ của bà Tài không khác mấy mỳ Quảng các nơi. Cũng có 5 màu. Nhưn mỳ cũng giống (trứng cút, tôm, thịt ba chỉ), nhưng không biết cách nêm nếm hay bí quyết gì mà đã tạo ra tô mỳ khác biệt.

Không có kiểu ngồi nào đặc biệt hơn cách bà Tài chọn suốt những tháng năm qua. Hình ảnh một cụ già ngồi xổm trên chiếc đòn gỗ, hai đầu gối chạm tới cằm, thành thạo, chậm rãi cho rau sống vào tô, trụng mỳ, chan nước nhưn, rắc đậu phụng… đã ngày càng hấp dẫn khách thập phương nhiều hơn. Không đông đúc, nườm nượp như những hàng quán danh tiếng, nhưng lai rai không lúc nào vắng khách. Mở “cửa” 5 giờ, kết thúc lúc 9 giờ sáng. Người tìm đến vì không thể quên hương vị hay là cách để nhớ về những mùi hương ngày cũ. Kẻ tìm gặp để nghe chuyện đời, chuyện người, nghe thanh âm xưa cũ của làng mỳ Phú Chiêm. Mỗi tô mỳ chỉ 10.000 đồng, nhưng bà Tài nói mỗi ngày bán 10kg mỳ. Nắng bán, mưa nghỉ. Không thêm, không bớt. Bán xong, đi bộ lên đường cái đổ nửa chỉ vàng cất chơi. Làm chi cho hết tiền. Buôn rứa mới buôn chớ!!! Tiếng cười của bà lão ngoài 80 sang sảng vang trong gió. Xếp quang gánh, dáng bà Tài liêu xiêu trong nắng sớm. Không ai biết sẽ còn bao nhiêu thời gian nữa quán mỳ bên thềm đường kia có còn bày biện hương vị cho người gần, xa.

HOÀI GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ nhân mở quán làm vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO