Cứ sau Tết Nguyên đán, người dân của thôn Phước Ấm (Bình Triều, Thăng Bình) lại trở thành những nghệ nhân nghiệp dư để trang trí bàn cộ chuẩn bị cho lễ hội rước cộ Bà Chợ Được.
Những “nghệ nhân” tay ngang tập trung dỡ cộ sau lễ hội. Ảnh:D.LỆ |
VỚI người dân thôn Phước Ấm, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được đã ăn sâu vào đời sống tâm linh và trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Những bàn cộ được chính những nông dân chân lấm tay bùn tại thôn Phước Ấm làm ra, không kém phần lộng lẫy, trang nghiêm và đầy tính thẩm mỹ, tựa như nó được làm ra bởi chính bàn tay của những nghệ nhân thực thụ. Khi được hỏi ai là người làm ra những bàn cộ này thì người dân trả lời bối rối vì không biết kể tên ai vì nó được toàn thể người dân chung sức làm nên. Ông Phạm Hồng Lâm (tổ 15, thôn Phước Ấm, Bình Triều) cho biết: “ “Máu” làm cộ đã thấm vào người dân từ bao đời nay. Ai ai cũng có thể làm cộ, người lớn thì chung sức lại để trang trí hoàn thành xe cộ, những đứa nhỏ thì hóa thân vào nhân vật lịch sử hay đứng xem để học hỏi kinh nghiệm từ những người lớn. Tuy gia đình làm nghề buôn bán nhưng tôi cũng như mọi người dân thôn Phước Ấm từ nhỏ đã tham gia làm cộ”. Năm 20 tuổi, ông Lâm đã biết cách làm bàn cộ một cách thành thạo. Đề tài năm nay của tổ ông Lâm là tái hiện thời kỳ đầu Bác Hồ trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng tại hang Pác Bó (Cao Bằng). Nhận được đề tài, mọi người trong tổ khẩn trương bắt tay vào công việc từ mùng 4 tết để lên ý tưởng sắp xếp bố cục trên bàn cộ sao cho vừa hợp lý và vừa đạt tính thẩm mỹ. Mọi công việc được phân chia cụ thể theo từng tổ: tổ mộc, tổ may, tổ cơ khí, tổ điện và có người đứng đầu mỗi tổ để thống nhất ý kiến của mọi người. Hễ ai biết gì làm nấy, ai biết ít làm ít, ai biết nhiều làm nhiều. Tất cả đều là thợ tay ngang nên trong quá trình làm bàn cộ thường xuyên xảy ra sai sót, mọi người chỉ còn cách tự mày mò làm lại từ đầu. “Nhiều khi bàn cộ trang trí gần xong nhưng có một lỗi kỹ thuật lại phải tháo ra làm lại là chuyện bình thường. Vì tự lên ý tưởng, tự thiết kế và tự sáng tạo mà không thuê người có chuyên môn chỉ dẫn nên mọi việc đều lấy kinh nghiệm làm đầu” - ông Lâm tâm sự.
Theo ông Lê Văn Vinh (thôn Phước Ấm) thì đề tài khắc họa hình ảnh chiếc xe tăng của quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh độc lập mà tổ ông nhận được năm nay yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhiều. Hơn nữa, đây là năm đầu tiên mọi người thiết kế xe tăng nên tổ ông gặp nhiều khó khăn trong việc sáng tạo hình dáng chiếc xe tăng sao cho đẹp mắt vừa đảm bảo tính kỹ thuật để nó có thể di chuyển được. Ông Vinh nói: “Lần đầu tiên thiết kế xe tăng nên không thể tránh khỏi những sai sót và tiến độ công việc cũng chậm, nhưng nếu đề tài năm sau có liên quan đến xe tăng nữa thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều do đã có kinh nghiệm”.
Mọi người trong thôn Phước Ấm đều bỏ hết công việc riêng để lo cho lễ hội. Không ai nghĩ đến công lao mình bỏ ra bao nhiêu, cũng chẳng ai phàn nàn vất vả mà xem đây như một phần công việc của mình. Người nào cũng tranh thủ sắp xếp thời gian để tham gia. Ông Lâm Xuân Đào (làm việc tại Công ty Cấp thoát nước Thăng Bình) cho biết, dù bận việc công ty nhưng ông cũng tranh thủ làm vào những buổi trưa và buổi tối. Không ai có chuyên môn nên mọi người đều phải tự nghiên cứu làm rồi tự sáng tạo. Tham gia đảm nhận phần cơ khí cùng nhiều người trong tổ, năm nay tổ ông Đào xây dựng hình tượng con ngựa chạy tiến về phía trước rồi quay đầu nhìn lại phía sau với chủ đề khắc họa chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của vua Quang Trung. Tuy yêu cầu kỹ thuật cao hơn năm ngoái nhưng mọi người cũng đã hoàn thành được con ngựa đúng như dự kiến ban đầu.
Những bàn tay tài hoa ấy sau nhiều ngày tất bật chuẩn bị cho lễ hội lại quay về lo toan cho cuộc sống như mọi ngày. Những người đi xem cộ tuy không nói ra nhưng tất cả đều xem người dân thôn Phước Ấm là như những nghệ nhân thực thụ.
D.LỆ - NG.ANH