Hiếm có người nào say nghề đến độ hồn nhiên như Dương Ngọc Tiển và cả sự tinh nhạy khi nhận thấy được cơ hội bảo tồn, phát huy danh tiếng của làng nghề.
Nghệ nhân Dương Ngọc Tiển.Ảnh: SONG ANH |
Làm thợ cũng phải máu nghề
Trong suốt cuộc trò chuyện với nghệ nhân Dương Ngọc Tiển, khoảnh khắc anh khựng lại khi được hỏi về chuyện truyền nghề, nối nghiệp cha ông cứ mãi ánh ảnh tôi. Khoảng lặng ấy đủ để người đối diện thấu cảm ưu tư của anh về lớp kế cận nay mai, làm sao để ngọn lửa của làng đúc Phước Kiều không tắt. Anh bảo, đã có thời gian dài làng đúc đồng Phước Kiều rơi vào mai một, nếu không sống bằng đam mê, máu thịt thì có lẽ Phước Kiều chỉ còn lại hư danh.
- Trong đám thợ hiện nay không có ai là con cháu trong gia đình, cũng không có người trẻ. Buồn lắm. Thợ của tôi thấp tuổi nhất cũng ngót bốn mươi. Mấy năm qua, tôi cũng lân la tới nhà hàng xóm có con trai, nhỏ to với họ hướng con theo nghề truyền thống của làng đúc Phước Kiều. Họ ừ đó, nhưng nếu đứa nào học được thì cho theo nghề kỹ sư, kinh tế..., còn không thì ly hương làm thợ. Họ chê cái nghề suốt ngày phải vùi mặt với bùn đất, khói bụi mà không thấy được vinh quang của nghề cha ông truyền lại. Phải nói thật rằng, các cơ sở đúc Phước Kiều đang vét sức lao động của thợ đúc lành nghề bởi lỗ hổng đào tạo, cả từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Liệu mười năm nữa có còn ai đỏ lửa với nghề…
Còn nhớ, nhân kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tỉnh Quảng Nam đã tặng TP.Hà Nội chuông đồng do nhà điêu khắc trẻ Trần Đức phác thảo, nghệ nhân Dương Ngọc Tiển chế tác. Chuông được đúc bằng chất liệu đồng hợp kim, cao 2,1m, đường kính 1m, nặng 1.000kg. Thân chuông được chia thành 5 phần, trang trí các hoa văn họa tiết tiêu biểu mô phỏng hình ảnh Thăng Long xưa với Bắc môn, Khuê Văn các, Tháp rùa Hồ Gươm, Tháp Bút, chùa Một Cột được kết nối theo con rồng thời Lý. Hình ảnh núi Ngọc Linh, gươl của dân tộc Cơ Tu, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm và các sản vật của tỉnh như sâm Ngọc Linh, tiêu, quế... cũng được thể hiện. Tháng 8.2016, anh được nhà nước công nhận là nghệ nhân ưu tú. |
Trong thời buổi kinh tế thị trường, cái gì cũng phải nhanh, mà để theo nghề như anh phải sống chậm. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, làng nghề chìm sâu vào mai một. Thế nhưng, cái ngưỡng giao thời, dùng dằng ấy lại bật lên tuổi trẻ sôi nổi của Dương Ngọc Tiển. Đó là quyết định phải ra khỏi làng để tìm một con đường sáng, theo kiểu “mình có nghề, có tuổi trẻ và kiến thức, sợ chi”. Rồi anh len lỏi vào buôn làng Tây Nguyên tìm các già làng đặt vấn đề trao đổi cồng chiêng. Chưa lúc nào cồng chiêng Tây Nguyên bị “chảy máu” như vậy. Đám trẻ đua nhau bán cồng chiêng. Chỉ còn lớp người già vẫn trăn trở với văn hóa truyền thống. Họ đồng ý đặt hàng bằng cách thức trao đổi sản vật. Ví như một bộ chiêng tốt đổi một con bò, hai bộ chiêng nhỏ đổi con heo.
Chính việc xác định đi như một cuộc chơi, đi để trải nghiệm lại mang về cho Dương Ngọc Tiển khoản lãi “phi lợi nhuận”. Đó là việc khôi phục thị trường, là kinh nghiệm nghề nghiệp và xa hơn là nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê trong anh với nghề. Máu nghề, tự ái nghề nghiệp dọc đường gió bụi cũng đẩy anh vào nhiều tình thế “tự mình buộc mình”. Trước đây, Phước Kiều cũng đúc chuông nhưng quy mô nhỏ, chuông đại cỡ vài trăm ký trở lên là lắc đầu. Nhiều lúc có người đến đúc chuông nhưng không dám nhận. Rồi anh liều mình kiểu phường đúc khác làm được thì Phước Kiều cũng làm được. Cái đầu tiên: hỏng. Do không có kinh nghiệm, không tính toán được thể tích chuông, độ dày mỏng ra sao. Đơn đặt hàng sắp đến ngày giao, mọi người đốt cháy tiến độ làm ngày làm đêm. Với tâm niệm phải giành lại cho bằng được thương hiệu Phước Kiều, cuối cùng anh cùng nhóm thợ tìm được phương thức đúc chuông đại thành công.
Tinh nhạy chuyện bảo tồn
Bây giờ đến Phước Kiều, dễ dàng nhận thấy nhiều lối rẽ cho làng nghề. Và dù con đường nào chăng nữa, cũng rất đáng quý. Có người nương theo xu thế thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Có người lội ngược vào thời vang bóng và Dương Ngọc Tiển đã chọn cho mình lối đi khó ấy. Bởi với anh, đó là cái nghiệp. Xưa thế hệ ông bà sống với chuông, chiêng Phước Kiều. Thuở bé anh cũng theo cha ra lò tập nặn đất, làm chuông. Tuổi trẻ cũng chỉ lưng túi một cái nghiệp ấy mà sống. Để rồi mới có một Tiển đúc được chuông lớn nhất ở cái tuổi trẻ nhất.
Còn nhớ tháng 11.2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”. Để có kết quả này, trước đó nhiều cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia thế giới sang Việt Nam, đến Tây Nguyên khảo sát, làm việc. Trong những lần gió bụi Tây Nguyên tìm đầu ra cho cồng chiêng của làng Phước Kiều, anh nhận thấy rằng phần lớn cồng chiêng tại đây đều có xuất xứ từ làng nghề của mình. Anh đau đáu phải làm điều gì đó để “vẽ” lại con đường chiêng Phước Kiều mà cha ông đã đi. Sáu tháng liên tục, anh gần như trắng đêm với mớ tài liệu, sách vở, gia phả, kể cả khăn gói vào thư viện Quảng Nam rồi lội ngược ra thư viện Huế tìm kiếm thông tin xác tín nguồn gốc sản phẩm cồng chiêng tại Tây Nguyên là của Phước Kiều. Tập tài liệu dày 45 trang A4 được in cẩn trọng theo anh đến với buổi lễ trao bằng công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Anh chọn các nhà nghiên cứu, người có chức trách liên quan để tặng tài liệu. Hơn một tháng sau, GS. Trần Văn Khê là người đầu tiên liên hệ mời anh tham gia buổi diễn thuyết của ông về cồng chiêng Tây Nguyên với sinh viên tại TP.Hồ Chí Minh. Từ cái duyên ấy, nhiều sở, ngành văn hóa sau này tìm về Phước Kiều đặt làm cồng chiêng phục vụ đề án bảo tồn và phát triển giá trị cồng chiêng Tây Nguyên.
Ở ngưỡng tuổi 60, đôi mắt anh như có lửa khi nói về nghề. Và đặc biệt, chất sôi nổi của tuổi trẻ chừng như không hề già theo năm tháng. Rồi anh mở cho chúng tôi xem các tượng được đúc kỳ công, từ phác thảo điêu khắc của Nguyễn Văn Huy. Có chút vui trong lời kể, về chuyện Dương Ngọc Tiễn gặp được người trẻ như Huy, dù hai lĩnh vực không đồng nhau. Huy nổi lên ở lĩnh vực điêu khắc, sau nhiều “mai mối” lại tâm giao với anh để bắt đầu cho ra sản phẩm tượng danh nhân. Anh bảo đó là ngả rẽ liều lĩnh. Và chúng tôi kịp nhận ra một Dương Ngọc Tiển khác, trong mảng miếng cần đến sự tinh tế, óc sáng tạo hơn là sự quen tay. Từng đường nét nhỏ, thanh đậm hay sắc sảo, tỉ mẫn và cả bay bổng, hiện lên trên những khuôn hình từ phác thảo của Huy. Huy giỏi tạc hình tượng, thì Dương Ngọc Tiển lại giỏi chuyển, đúc cái thần thái của mỗi nhân hình sang với chất liệu đồng. Một cuộc gặp từ những con người nghệ sĩ để làm nên nghệ thuật.
Vừa qua, anh được công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Khi chúng tôi hỏi, có sự khác nhau giữa Dương Ngọc Tiển với danh xưng mới này không, anh cười:
- Sau mỗi danh xưng hay đạt được kỷ lục nào đó, mình vẫn phải là mình. Đó còn là trách nhiệm với cộng đồng nghề, với lớp trẻ, mà điều này cần thời gian. Tôi cũng từng khăn gói đi tìm nguồn kinh phí để mở lớp đào tạo nghề cho những người trẻ. Đề án đã được duyệt, nhưng chỉ có 7 người đăng ký, trong khi quy định là phải đạt 30 người trở lên. Mình tâm huyết mà cũng dành dở dang. Để các em nhìn thấy được tương lai của nghề, cần lắm sự đầu tư trong ý thức ngay từ nhỏ, sống với không gian của nghề. Và sâu hơn nữa, đó là tình yêu - yêu nghề, ham nghề, như những người thợ đứng tuổi của tôi, để trụ lại và chờ đợi lớp kế cận…
Anh kéo chúng tôi ra góc sân chỉ những khuôn đúc, vựa đất sét, lò nung… Một người thợ đang đốt than nhóm lò. Khói bay lơ lửng giữa cái nắng trưa hanh gắt. Nhìn quanh, người nào cũng đứng tuổi. Thế nhưng, chính sự hồn nhiên đến sâu thẳm với nghiệp cha ông nơi Dương Ngọc Tiển khiến chúng tôi hy vọng vào con đường tiếp nối sau này ở Phước Kiều, dẫu còn lắm ưu tư.
TÂY BÌNH