Nghe nhịp thở... doanh nghiệp

ĐĂNG QUANG 17/07/2017 08:35

Chuyện tăng giảm của số lượng doanh nghiệp (DN) là nhịp thở rất quan trọng của nền kinh tế. Đo và phân tích biểu đồ nhịp thở ấy có thể nhận diện bức tranh nền kinh tế quốc gia, hay một tỉnh.

Trong báo cáo của Chính phủ, tính chung 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 61.276 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 596 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số DN và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%. Nếu tính cả 859,2 nghìn tỷ đồng của hơn 18 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay là 1.455,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, có 15.379 DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên gần 76,7 nghìn DN.

Phấn khởi với số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng lên.  Tuy nhiên, cũng chưa thể lạc quan nhiều với nét sáng của bức tranh kinh tế, bởi số DN ngừng hoạt động cũng tăng lên. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm có 37.907 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 14.377 DN  đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,8% và 23.530 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 24,4%.  

Ở phạm vi của tỉnh, từ đầu năm đến 31.5.2017, trên địa bàn Quảng Nam có 473 DN đăng ký thành lập mới; so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,8% (+30 DN). Tuy vậy, số DN bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh cũng tăng 36,3% (+33 DN) với tổng số 124 DN, trong đó có 44 DN giải thể (tăng 13 DN so với cùng kỳ năm trước).

Vì sao có sự tăng số lượng DN thành lập mới và đồng thời cũng tăng số lượng DN tạm ngừng hoạt động?

Tăng số lượng DN thành lập mới, có thể là do hiệu ứng của việc Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho DN (nhất là việc cắt bớt các thủ tục, các loại giấy phép con), thúc đẩy nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư ở cấp quốc gia, khu vực, cấp tỉnh. Đó cũng có thể là nhờ trào lưu khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp được dấy lên khắp nơi...

Tăng số DN ngừng hoạt động thì hẳn do niềm tin vào môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng và còn nhiều rào cản. Như phân tích của các chuyên gia thì nhiều loại thuế phí chưa hợp lý (nhất là phí vận chuyển đắt đỏ) khiến DN khó giải quyết khâu nhập xuất hàng hóa. Đặc biệt “phí bôi trơn” vẫn là một vấn nạn, nhiều DN cho biết chi phí không chính thức tiếp tục tăng, làm giảm lợi nhuận của họ nên không mặn mà khởi sự công chuyện làm ăn mới. (Ở Quảng Nam, theo khảo sát năm 2016 của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam thì có 44% số DN cho rằng họ phải tặng quà cho cán bộ thanh tra, kiểm tra; 50% số DN không biết đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nhiều DN cho biết bị tốn chi phí thời gian nhiều nhất nằm ở lĩnh vực giải phóng mặt bằng đất đai,... là những con số, vấn đề cần suy nghĩ).

Đáng chú ý là theo phân tích của Tổng cục Thống kê thì trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN trong quý II năm 2017, có 58,3% DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 45,6% DN thì nói do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,5% DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 31,3% DN cho biết không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,5% DN cho rằng lãi suất cao và 21,6% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.

Thực ra, việc tăng giảm số lượng DN thành lập hoặc bị giải thể/ ngưng hoạt động chưa thể phản ánh hết mọi khía cạnh tăng trưởng hay suy giảm kinh tế. Tăng giảm là chuyện bình thường của hoạt động DN trên thị trường; nếu cạnh tranh không nổi, thua lỗ, thì phải phá sản hoặc ngừng hoạt động (có một số DN phá sản để cắt lỗ cũng là điều tốt). Điều quan trọng hơn là cần nhìn vào thực chất hoạt động của DN, quy mô vốn đầu tư và hiệu suất sinh lời trên đồng vốn. Số lượng cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chất lượng. Nếu DN tăng vốn đầu tư và hiệu suất sinh lời cao thì đó là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Cơ quan chức năng phải giúp cho lãnh đạo chính quyền thu thập và phân tích vấn đề này để lắng nghe đúng nhịp thở của DN; từ đó có những quyết sách hỗ trợ kịp thời, đúng đắn, tạo cơ hội cho DN hoạt động tốt hơn nữa, khởi nghiệp nhiều hơn, nhờ đó mới thúc đẩy tăng trưởng.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghe nhịp thở... doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO