Những cơn mưa lớn nhắc nhớ vừa có một mùa dầu xoay vòng tít từ trên cao ở đường phố Sài Gòn. Thảm lá dầu trái dầu trải khắp đường phố sau một vũ điệu la đà. Đây đó có người vừa reo lên: “Ôi quá lãng mạn mùa trái dầu bay…”.
Tôi không có nhiều ký ức về dầu rơi Sài Gòn. Nhớ lần đầu vào miền Nam, hơi ngạc nhiên khi ngước nhìn những cây dầu cổ thụ cao vút và lẩn thẩn tự hỏi: Tại sao chúng nó tồn tại “ngạo nghễ” như vậy, trong khi biết bao cây cối ở xứ Quảng quê mình cứ dăm bảy năm lại bị bão dữ quật cho tơi tả. Vùng đất thanh bình ít vướng bão đã nối dài thân dầu thẳng tắp hướng mãi về phía trời cao...
Những lần đến sau, các công viên xanh bóng dầu, bóng chò nâu cũng dần quen mắt. Riết rồi nhận ra chúng đã là những chứng nhân của Sài Gòn. Chúng bén rễ và đứng đó lâu rồi, từ trên cao phóng tia nhìn xuống dòng người đông đúc qua lại, ở công viên Tao Đàn hay tỏa bóng mát bên hông Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn…
Nhưng mùa dầu rơi năm nay có vẻ khác lạ.
Đường phố vắng hơn thường lệ kể từ khi TP.Hồ Chí Minh vào cuộc ứng phó các ca lây nhiễm Covid-19. Ở vùng đô thị sôi động quanh năm suốt tháng ngựa xe như nước áo quần như nêm ấy, mỗi khi phố xá chùng xuống cũng đủ để gây bất ngờ.
Thường thì đường phố Sài Gòn chỉ chịu ngơi nghỉ vào dịp tết, lúc người xa quê đến đây mưu sinh đã kịp quay về đoàn viên bên gia đình. Còn nỗi tịch lặng của mùa dầu rơi năm nay lại đến ngay từ giữa năm…
Dầu Sài Gòn cũng nhận lãnh vai trò nhận diện của một vùng đất, giống như hoa sữa Hà Nội, anh đào Đà Lạt, bàng Vũng Tàu, phượng Hải Phòng… Nhưng khác với vẻ kiều diễm mềm mại của anh đào hay phượng vĩ, dầu Sài Gòn thô mộc hơn và thua sút về cả màu sắc.
Vẻ đẹp của dầu Sài Gòn chỉ đến từ ký ức, xoay tít chong chóng hoa dầu tuổi thơ. Và dường như có cả sự hối lỗi. Bởi ai đó hằng ngày ngang qua bên dưới bóng dầu nhưng đã vô tâm để quên buông một lời chào với thảo mộc…
Ấy vậy nên từng có nhà văn đứng về phía dầu. Cơn mưa ngắn ngủi của Sài Gòn càng thêm phũ phàng, khi cuốn lềnh bềnh và xô gấp hàng vạn trái dầu khô xuống các lỗ cống.
Nhưng nhiều khi, nhà văn ấy cũng lắng tai nghe có tiếng trái dầu khô chạm nhẹ, gõ loong coong trên mui sắt một chiếc ô tô đang lướt qua đường buổi sáng. “Tiếng khua sao mà khiêm tốn, mà nhã nhặn, khiến cho cơ khí ngỡ ngàng”, tôi đọc được câu này trong tùy bút của Tràng Thiên mà thừ người ra tưởng tượng.
Dầu từng rụng xuống nhiều trang văn và gây nhớ như thế đó.
Còn lần này, trái dầu rơi trong tịch lặng quá, nên xốn xang. Xốn xang cho cây và cả mối tương liên trỗi dậy với người. Mà người Sài Gòn là dòng người đến từ muôn hướng. Quê hương nào ở miền Bắc, miền Trung, miền Tây dường như cũng gửi người quen của mình đến đó. Tôi ở miền Trung, không nhiều duyên và chẳng vướng nợ với dầu bay.
Nhưng một buổi mai, nghe cánh hoa bay trong nhạc của Giáp Văn Thạch với thể điệu boléro, chợt thấy tha thiết quá: “Cánh hoa dầu xoay tít bay bay/ Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày/ Có những chiều gọi gió bay lên/ Tay cầm tay đón những cánh hoa dầu…”.
Có một trái dầu vừa rơi trong tâm tưởng tôi. Nhưng không còn khô khốc, đơn độc nữa. Mà vang động với rất nhiều âm hưởng…