Là người trẻ nhất của Đoàn Ca kịch Quảng Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Huỳnh Quang Việt quan niệm, sự thành công ấy không chỉ đến từ sự nỗ lực của bản thân, mà có cả sự dìu đắt của thế hệ đàn anh trong từng lời ca, điệu múa…
Năm 2023 này, Huỳnh Quang Việt (SN 1982, quê Duy Thành, Duy Xuyên) vào Đoàn Ca kịch Quảng Nam đúng 18 năm. Ngần ấy thời gian, từ một diễn viên nghiệp dư chưa hề qua trường lớp, bằng niềm đam mê dân ca kịch bài chòi, anh đã từng bước vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để tìm cho mình chỗ đứng vững vàng trên sân khấu và trở thành Nghệ sĩ ưu tú trẻ nhất trong lịch sử phát triển của Đoàn Ca kịch Quảng Nam…
Lần theo câu hát
Huỳnh Quang Việt sinh ra trong một gia đình nhà nông yêu thích văn nghệ, đặc biệt là ca kịch bài chòi. Anh trai của Việt là Huỳnh Quang Sơn, có năng khiếu hát dân ca và là cộng tác viên Trung tâm Văn hóa Duy Xuyên. Ngay từ nhỏ, Việt đã thường xuyên được tiếp cận những buổi tập luyện của anh với các chú, các bác mỗi dịp hội hè hay lễ tết.
Những câu hát ngợi ca về quê hương Duy Thành như: “Đây quê tôi nơi ba dòng sông họp mặt/ Duy Thành ơi tiếng gọi thiết tha/ Đôi bờ ôm chặt dòng sông/ Đò ngang như nối tấm lòng quê hương/ Bạn về An Lạc thân thương/ Nhơn Bồ tôi nhớ chiều vương sắc trời...”, hát theo điệu Xuân nữ, đã dần thổi vào tâm hồn Việt tình yêu tha thiết với dân ca quê mình.
Chính những câu hát ấy làm thành thứ men say đầy dẫn dụ, góp phần đưa Việt bước chân vào Đoàn Ca kịch Quảng Nam trong đợt thi tuyển diễn viên vào tháng 4/2005.
Đạo diễn Trần Thanh Việt - nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, nhớ lại: “Lúc vào đoàn, Việt vừa tròn 20 tuổi, có thể cậu ấy chưa hát tốt, nhưng có đam mê, ngoại hình và tha thiết đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp… Đó là những thứ tôi đọc được trong ánh mắt Việt khi thi tuyển vào đoàn”.
Vào Đoàn Ca kịch Quảng Nam đúng vào dịp hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Nghệ An, Quang Việt được giao đóng vai lính, chỉ cầm giáo đứng im như pho tượng trong một vở diễn dân ca cổ.
Tuy không diễn, không hát câu nào, nhưng đó lại là cơ hội hết sức quý để Việt có cái nhìn mới về nghệ thuật sân khấu và được tiếp thêm “lửa” cho niềm đam mê dân ca của mình.
Sau lần đó là những tháng ngày lặng lẽ theo bước chân anh chị em nghệ sĩ đi khắp các làng quê xứ Quảng biểu diễn để học nghề. Suốt hai năm trời ròng rã làm người học việc như thế cho đến cuối năm 2007, lần đầu tiên Việt được đạo diễn Trần Thanh Việt giao thể hiện vai Quân trong vở ca kịch “Nhà có ba chị em”.
Sau bao nhiêu ngày tháng học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị nghệ sĩ, tích lũy kiến thức cho bản thân, Việt đã có cơ hội thể hiện mình bằng một vai diễn thực thụ trên sân khấu.
Mặc dù có sự bỡ ngỡ nhất định nhưng rồi Quang Việt cũng vượt qua lần “thử lửa” đầu tiên với những lời động viên, đánh giá hết sức chân thành của lãnh đạo và anh em nghệ sĩ trong đoàn.
Tiếp đó, Việt lại được giao vai Đức trong vở “Xuân tím” và bắt đầu hội nhập dần với sân khấu chuyên nghiệp. Cũng từ vai diễn này, Quang Việt đã có ý thức hơn trong việc tự điều chỉnh mình trên mọi phương diện khi bước ra sân khấu…
Tuy nhiên, phải đến vai Nhân trong vở “Những đứa con oan nghiệt” - đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Xuân Huyền dàn dựng, người xem cũng như đồng nghiệp mới có cái nhìn đầy đủ hơn về khả năng diễn xuất của Việt.
Gương mặt hiền, toát lên vẻ thông minh, phong cách chững chạc đúng với ý đồ nhân vật Nhân mà đạo diễn cần... Quang Việt đã thể hiện rất tròn trịa vai diễn và cùng với một số diễn viên trẻ khác vào đoàn sau anh, đã góp phần mang đến nét trẻ trung, mới mẻ và sự đột phá đáng ghi nhận của sân khấu ca kịch xứ Quảng về trẻ hóa đội ngũ thời điểm đó.
Đạo diễn Xuân Huyền chia sẻ: “Tôi cho rằng lựa chọn một thế hệ diễn viên trẻ như Huỳnh Quang Việt vào đoàn trong giai đoạn mà dân ca kịch đang đứng trước thách thức lớn bởi những loại hình giải trí hiện đại là hết sức đúng đắn của lãnh đạo Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Nhìn các em diễn những vai đầu đời, tôi hy vọng lớp trẻ như Việt sẽ từng bước hội nhập và sau này kế tục sự nghiệp gìn giữ nghệ thuật truyền thống khi các nghệ sĩ đàn anh rời sân khấu...”.
Những vai diễn ấn tượng
Quả đúng như lời đạo diễn Xuân Huyền, thành công bước đầu với vai Nhân, đầu năm 2010, Quang Việt được tin tưởng giao vai Hòa trong vở ca kịch “Đắng trong hạnh phúc”, do đạo diễn, NSND Hoàng Dũng dàn dựng, tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Vai Hòa rất khó thể hiện bởi tính cách nhân vật luôn thay đổi, khi xấc xược, ngỗ ngáo, lọc lõi, khi đau buồn, thất vọng não nề lại có khi ngây thơ trong sáng.
Với vai diễn này, Quang Việt đã phải tập luyện rất nhiều vì đạo diễn Hoàng Dũng vốn kỹ tính, ông muốn Việt bộc lộ hết khả năng của mình vào vai diễn để đem lại hiệu quả tốt nhất. Và anh đã không phụ sự kỳ vọng ấy bằng tấm huy chương vàng cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp, tại Hội diễn Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc.
Nhớ lại khoảnh khắc mang tính bước ngoặt ấy, Quang Việt vẫn chưa hết bồi hồi: “Bao nhiêu năm nay, tôi từng bước trưởng thành phần lớn là nhờ những nghệ sĩ đi trước. Các anh, các chị đã tận tâm chỉ dẫn từng ly, từng tí về nghề để tôi có được những thành công ban đầu... ”.
Tiếp theo thành công với vai Hòa, Huỳnh Quang Việt đã được lãnh đạo Đoàn Ca kịch Quảng Nam đặt trọn niềm tin khi giao đóng nhiều vai chính khác, như Luân trong “Trái tim trong trắng” - huy chương vàng cá nhân Hội diễn Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2011; vai Thái trong “Biển và bờ” - huy chương bạc cá nhân (2013); vai Trần Quý Cáp trong vở “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” - huy chương bạc (2016); vai họa sĩ Hùng trong vở “Ký ức lửa” - huy chương vàng cá nhân (2018); vai Hùng trong “Trái tim đàn bà” - huy chương bạc (2019); vai Hoàng Lê trong “Vòng Xoáy” - huy chương bạc cá nhân năm 2020 và gần đây nhất là huy chương vàng Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2022, với vai diễn Thượng hoàng Trần Nhân Tông trong vở ca kịch “Ni cô Hương Tràng”.
Có thể nói ấn tượng mà Huỳnh Quang Việt để lại trong lòng người xem mấy năm qua ngoài giọng hát khá ngọt và phong cách biểu diễn tự tin... còn ở ngoại hình thu hút.
Phát huy lợi thế này, mỗi lần bước lên sân khấu, Quang Việt luôn có ý thức làm mới mình trong mắt người xem bởi anh quan niệm: “Hình thức không phải là yếu tố quyết định, nhưng nếu quá sơ sài thì khán giả sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Là một diễn viên sân khấu chuyên nghiệp phải tự đặt cho mình những nguyên tắc khắt khe với mục đích duy nhất là được công chúng công nhận và yêu mến”.
Qua mỗi vai diễn, Quang Việt từng bước chững chạc hơn, chiếm được niềm tin nhiều hơn đối với lãnh đạo Đoàn Ca kịch Quảng Nam và anh em nghệ sĩ cũng như người yêu dân ca kịch ở những miền quê xứ Quảng.
Đó là những bước đi chắc và đầy tự tin đối với một người có niềm đam mê dân ca kịch cháy bỏng như Việt cho câu chuyện gìn giữ vốn quý truyền thống của quê hương trong tương lai ở một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.