Nghệ thuật bài chòi: Gian nan tìm người kế cận

LÊ QUÂN 04/05/2018 09:08

Ngày 7.5, UBND tỉnh tổ chức lễ đón bằng UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quảng Nam hiện có khoảng 90 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm hô hát bài chòi ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, khó khăn chung của các CLB là việc tìm kiếm đội ngũ kế thừa bộ môn này.

Bộ môn nghệ thuật bài chòi thu hút người dân và du khách.
Bộ môn nghệ thuật bài chòi thu hút người dân và du khách.

Khó tuyển người

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Hội An chia sẻ câu chuyện về việc tuyển lớp diễn viên mới cho Đội tuyên truyền lưu động của trung tâm hồi đầu năm 2018, rằng sau mấy kỳ đăng tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng cả trong lẫn ngoài tỉnh, đều không có ai đăng ký tham gia. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận anh chị em nhạc công đàn dân tộc, diễn viên giỏi ngoài địa bàn Hội An có nhu cầu đầu quân cho thành phố, cũng như luôn đầu tư bằng cách tìm kiếm các em có năng khiếu trong phong trào để đưa đi đào tạo và trở lại công tác. Trung tâm đảm bảo đời sống cho diễn viên, nghệ nhân ổn định để anh chị em yên tâm và hết lòng với nghề” - ông Phùng nói thêm.

Đã có nhiều lớp diễn viên được phát hiện thông qua các phong trào văn nghệ của Hội An và được đưa đi đào tạo để phát triển thêm. Tuy nhiên, qua thời gian, lớp diễn viên này đã có tuổi đời lớn trong nghệ thuật, cần tìm một lớp diễn viên trẻ, có thanh sắc mới để đào tạo và thay thế. Nhưng xem ra câu chuyện tìm kiếm lớp diễn viên bài chòi trẻ tại Hội An vẫn khá nan giải.

Tương tự, việc hình thành các CLB đàn hát dân ca ở cấp xã hay với đơn vị chuyên nghiệp như Đoàn Ca kịch tỉnh cũng gặp khó khăn về đội ngũ kế cận. NSND Từ Minh Hiệp - Phó Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam nói, để tìm kiếm các tài năng trẻ cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống phải vất vả đi về các địa phương và thuyết phục họ học, theo nghề, rồi sau đó nếu có sẽ gửi gắm họ tại các cơ sở đào tạo. “Có khi đã phát hiện, thuyết phục được các em về với đoàn, nhưng sau 1 - 2 buổi tập luyện, các em lại bỏ” - NSND Từ Minh Hiệp nói. Đoàn Ca kịch Quảng Nam là đoàn dân ca, ca kịch bài chòi chuyên nghiệp duy nhất của khu vực miền Trung, nhưng vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ diễn viên trẻ.

Không chỉ có đội ngũ diễn viên mà nhạc công cho bộ môn nghệ thuật bài chòi cũng là vấn đề nan giải với các địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Duy (cán bộ Phòng VH-TT TP.Tam Kỳ) cho biết, việc tìm kiếm nhạc công cho một đội bài chòi chuyên nghiệp rất khó. Mỗi lần tổ chức liên hoan hô hát bài chòi ở TP.Tam Kỳ là địa phương phải tìm kiếm nhạc công đàn cò, đàn guitar phím lõm… ở những đội nhạc phục vụ đám tang để tập họp họ lại, trở thành đội nhạc cho liên hoan.

Khuyến khích thế hệ trẻ

Nhạc sĩ Trần Hồng (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) chia sẻ: “Là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng chúng ta chưa có biện pháp dài hơi, hiệu quả trong việc kế thừa, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này, đặc biệt là đào tạo lực lượng kế cận, thì sớm muộn nó cũng sẽ bị mai một”. Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã, trong đó người trình diễn lâu nay thường được truyền nghề bằng hình thức cha truyền con nối. Thế hệ trước đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lối trình diễn, các câu hô thai, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Nghệ nhân Nguyễn Lương Đáng (CLB Bài chòi Hội An) nói, hầu hết nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát bài chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Trong vài năm gần đây, một số nghệ nhân bài chòi tham gia truyền dạy kiến thức và kỹ năng trong các hội, CLB và trường học.

Được xem là một CLB bài chòi “hạt nhân” của cánh phía nam Quảng Nam, CLB Bài chòi xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) được thành phố quan tâm đầu tư khá nhiều. Tam Thanh là địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động liên quan đến bài chòi, một phần vì truyền thống của vùng đất, một phần vì đòi hỏi phát triển du lịch, cần những sản phẩm văn hóa thu hút du khách. Ông Nguyễn Ngọc Duy cho biết, TP.Tam Kỳ đã từng mang liên hoan hô hát bài chòi đến không gian của Trung tâm VH-TT tỉnh, ngay trung tâm đô thị, nhưng lượng khán giả rất ít. Trong khi cũng 13 CLB đàn hát dân ca đó, về Tam Thanh thì năm nào tổ chức liên hoan cũng thu hút nhiều người đến tham gia. Ông Trương Thành Nhân - Chủ nhiệm CLB Bài chòi Tam Thanh cho biết, hiện CLB có 22 thành viên, nhưng trẻ nhất trong đó cũng ở độ tuổi trên 30.

TP.Tam Kỳ đang xây dựng cơ chế để khuyến khích thế hệ trẻ có năng khiếu ở địa phương tham gia các đội bài chòi. Riêng tại Tam Thanh, ông Duy cho biết, trong tương lai, khi địa phương phát triển du lịch mạnh mẽ hơn thì CLB bài chòi sẽ là một đơn vị sự nghiệp của địa phương, lúc đó sẽ khuyến khích nghệ nhân, thành viên của CLB bằng cách hỗ trợ thu nhập hằng tháng. Trong năm học 2016 - 2017, TP.Tam Kỳ đã đưa bộ môn nghệ thuật bài chòi vào truyền dạy ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã Tam Thanh nhằm đưa bài chòi đến gần hơn với thế hệ trẻ. Tại Hội An, từ năm 2004, thành phố đã đưa dân ca - bài chòi vào trường học với giáo viên là các diễn viên của Trung tâm Văn hóa thành phố. Và từ năm 2011, Hội An đã mở thêm lớp học hát dân ca - bài chòi hàng đêm trong chương trình “Đêm phố cổ”. Hoạt động này ngoài mục đích bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi còn tạo sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn. Ông Phùng cho biết, đến nay hai hoạt động trên đã có gần 1 nghìn lượt học sinh được học hát để tiếp cận và dần yêu thích bộ môn bài chòi.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ thuật bài chòi: Gian nan tìm người kế cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO