"Nghệ thuật" cân đối ngân sách

TRỊNH DŨNG 12/09/2021 07:10

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, Quảng Nam sẽ đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch; sẽ tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên hợp lý. Thu ngân sách nhiều hay ít không quan trọng bằng việc cân đối được ngân sách. Đó cũng là một “nghệ thuật” trong quản lý, điều hành tài chính.

Ngân sách vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Trường Hải.
Ngân sách vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Trường Hải.

Trường Hải và  “phần còn lại”

* Ngân sách Quảng Nam luôn bấp bênh, không bền vững, tại sao, thưa ông?

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính.

Ông Đặng Phong: Sự thật luôn tồn tại câu chuyện là Trường Hải và “phần còn lại”. Doanh nghiệp này luôn chiếm hơn 50% số nộp ngân sách. Ngân sách của một tỉnh mà chỉ dựa vào sự đóng góp trên 50% của một doanh nghiệp thì sẽ khá rủi ro, làm sao bền vững được.

Ngành ô tô luôn đứng trước áp lực từ thị trường nhập khẩu lẫn sự cạnh tranh khốc liệt từ thị phần trong nước. Vài ba năm gần đây đã thấy khó khi tỷ trọng đóng ngân sách của Trường Hải đã giảm dần từ sản xuất ô tô.

Với Quảng Nam đây là một vấn đề mang tính chiến lược, không chỉ trên phương diện tính bền vững của ngân sách mà còn đối với vấn đề tăng trưởng bền vững, việc làm và chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành công trong những thập niên tới.

* Làm thế nào để hóa giải sự phụ thuộc này, thưa ông?

Ông Đặng Phong: Đương nhiên sẽ phải buộc đưa ra nhiều giải pháp. Giải pháp quan trọng nhất là luôn nuôi dưỡng nguồn thu. Tạo ra sự bền vững nguồn thu thì phải có những nguồn lực khác ngoài Trường Hải. Nếu như Nam Hội An đi vào hoạt động sẽ nâng được lên tỷ trọng của phần còn lại. Năm 2020 họ đã đăng ký số nộp hơn 2.000 tỷ đồng. Nhưng rất tiếc, dịch bệnh nên kế hoạch không thực hiện được.

Muốn tăng thu thì phải tăng thêm năng lực mới mạnh mẽ hơn. Có thể khi dịch bệnh hạ nhiệt, hàng loạt năng lực mới sẽ hoạt động. Nhất là công nghiệp trong các khu kinh tế (ít nhất 17 dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm nay). Có thể thấy, ngay năm 2020 tăng trưởng âm nhưng 6 tháng đầu năm nay lại tăng trưởng đến 11,7% là nhờ vào những năng lực mới này. Và nguồn thu cũng từ đây mà gia tăng.

Ngoài các cơ sở thu bền vững, ổn định thì một trong giải pháp là tập trung thu vào những lĩnh vực dễ thất thoát như khoáng sản, bất động sản và xây dựng cơ bản vãng lai. UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị chống thất thu từ các lĩnh vực này.

* Câu chuyện chống thất thu từ địa phương được đề cập rất lâu rồi, nhưng sao chưa thể thực hiện được, thưa ông?

Ông Đặng Phong: Hệ thống tài chính địa phương vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra giải pháp đốc thu từ các lĩnh vực này. Cơ chế nhà nước tạo ra rất khó để kiểm tra, kiểm soát chuyện này. Giá mua bán, chuyển nhượng trên thị trường đều ở dưới mức giá.

Ví như mua một miếng đất 10 tỷ đồng, nhưng hai bên bán, mua thống nhất ở mức thấp thì đâu có thu được thuế. Ai cũng biết, nhưng không làm gì được. Vấn đề là Chính phủ, Quốc hội ban hành cơ chế mọi giao dịch bất động sản phải lên sàn giao dịch chứng khoán, công khai, minh bạch thì mới thu được thuế (hiện không bắt buộc, chỉ bán trao tay nên thất thu thuế).

* Thuế thu từ đất cũng là tiền tươi thóc thật, nhưng hình như lĩnh vực này vẫn ít được chú ý, thưa ông?

Ông Đặng Phong: Thu tiền sử dụng đất năm 2021 có khả năng tăng hơn 500 tỷ đồng so với dự toán được giao. Quảng Nam cơ bản chủ yếu từ các dự án thương mại đô thị hóa trên cơ sở đổi đất lấy hạ tầng và gần như huề vốn; một chút ít chênh lệch nộp vào ngân sách, nhưng không lớn. Tuy nhiên, tương lai, quan điểm của riêng tôi, trong cơ cấu thu ngân sách Quảng Nam không bao giờ chú trọng, chú ý nhiều đến nguồn thu từ sử dụng đất.

Nếu địa phương lấy nguồn thu từ tiền sử dụng đất là cơ cấu chính trong ngân sách là thất bại trong tương lai. Quảng Nam sẽ không giống như Đà Nẵng. Sẽ không đặt nặng vấn đề thu ngân sách từ đất. Khẳng định Quảng Nam không xác định nguồn thu động lực từ đất cho dù nó cũng là một trong những nguồn thu nhưng không đặt nặng vấn đề này.

Có thể giao cho các địa phương, các cơ quan đưa ra nhiều giải pháp tạo mặt bằng sạch để đấu giá thu tiền thì sẽ thu được rất nhiều tiền. Nhưng Quảng Nam không làm. Sẽ giữ lại quỹ đất để phát triển các dự án sản xuất, thương mại, công nghiệp, tạo sự phát triển cho tương lai. Sẽ gỡ khó cho ngân sách bằng việc tháo nút từ khu vực sản xuất, kinh doanh chứ dứt khoát không bắt đầu từ đất.

Ngân sách vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Trường Hải.
Ngân sách vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Trường Hải.

Quản lý, sử dụng ngân sách hợp lý

* Chính sách miễn, giảm thuế có tác động gì đến ngân sách Quảng Nam?

Ông Đặng Phong: Doanh nghiệp khó thì miễn, giảm thuế là điều đúng. Nhưng hiện Bộ Tài chính mới đề xuất. Chính sách chưa ra nên chưa thể tính toán được số liệu gì. Chỉ có giãn thuế. Ít nhất 600 tỷ đồng thuế đã được giãn. Số này sẽ tăng thêm nhiều trong vài tháng tới, nhưng cuối tháng 12 sẽ vẫn phải nộp hết số thuế này. Có thể thấy 7 tháng đầu năm 2020 gần như hụt thu trầm trọng khi số thu rất ít nhưng cuối năm thu nhiều vượt luôn dự toán là nhờ vào số thuế đã giãn này kịp nộp vào ngân sách nhà nước.

* Thị trường ngày càng bất ổn, doanh nghiệp sa sút, liệu có thể đảm bảo thu ngân sách hay không?

Ông Đặng Phong: Theo dự kiến, nếu như không dịch bệnh thì thu ngân sách sẽ tăng ít nhất 15% trở lên. Nhưng trước biến động này, khó có thể đoán định được và không ai nói trước được điều gì. Tuy nhiên, có thể khẳng định, cho dù có dịch bệnh thì thu ngân sách chắc chắn sẽ vượt. Hiện nay đã thu khoảng 75%, còn 25% nữa cho 4 tháng còn lại sẽ không quá khó khăn.

* Công sản cũng là tài sản có giá trị để có thể thu được thuế. Tại sao không động viên nguồn này vào ngân sách?

Ông Đặng Phong: Tất cả công sản Quảng Nam đều không liên quan đến thương mại. Chủ yếu phục vụ cho các cơ quan sự nghiệp. Chỉ một số ít địa phương cho thuê nhưng không nhiều.

* Thường niên vẫn báo cáo về số tiền nợ khối lượng nhà thầu, nhưng hình như chưa có báo cáo nào về chuyện có doanh nghiệp “chết” vì nhà nước không thể trả được nợ?

Ông Đặng Phong: Nợ khối lượng của doanh nghiệp đến hơn 3.000 tỷ đồng vào những năm trước. Tài chính thiếu lành mạnh, doanh nghiệp chết lên chết xuống cũng vì nợ. Nhưng gần đây nợ đã được trả gần hết. Khối tỉnh chỉ còn nợ khoảng 500 tỷ đồng. Khối huyện cũng vậy. Không lớn. Có thể cuối năm nay sẽ trả hết các món nợ này. Còn những dự án mới, chưa quyết toán thì chưa thể gọi là nợ được.

* Ngân sách eo hẹp lấy gì để chi tiêu?

Ông Đặng Phong: Có thể hiểu rằng ngân sách luôn động. Luôn có một khoản dự phòng, dự trữ tài chính và dự phòng ngân sách. Ví như lường định được dịch bệnh hay thiên tai sẽ xảy ra thì bao giờ dự nguồn cho các “chương trình này” sẽ tăng nhiều để có thể đủ lực ứng phó.

Nguồn lực khó khăn nhưng tài chính cũng đã tham mưu mua sắm, hỗ trợ đầy đủ và nhanh nhất có thể trong chi tiêu và phòng chống dịch bệnh. Cân đối ngân sách chung đã khó. Dịch Covid-19 lại càng khó hơn nhưng vẫn phải hoàn thành một cách an toàn. Các cấp ngân sách cần bám sát dự toán và tiến độ thu.

Định kỳ hàng quý đánh giá lại khả năng thu ngân sách để chủ động chi tiêu. Sẽ điều tiết ngân sách địa phương đảm bảo dự toán đầu năm. Chi ngân sách cần xem xét trong điều kiện thực tế của địa phương. Điều hành thu chi ngân sách địa phương linh hoạt theo phát triển kinh tế với tác động của dịch bệnh. Phải bố trí cân đối theo số liệu trong khả năng dự kiến chủ động phương án trong từng giai đoạn.

Nhiệm vụ không kém phần quan trọng của các địa phương là xây dựng, phân bổ nguồn chi phân cấp. Sẽ phải kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách, an sinh xã hội, bảo đảm kinh phí phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bố trí đủ nguồn để thực hiện phòng chống dịch và phục vụ chiến lược tiêm vắc xin cho người dân. Nếu nguồn thu không đạt dự toán thì các cơ quan, đơn vị, địa phương buộc phải cắt giảm, giãn nhiệm vụ chi. Chỉ ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội, giảm nghèo… Thực hiện điều chỉnh giảm chi tương ứng, cắt giảm, giãn những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.

Có thể nói phân bổ, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách cũng là một “nghệ thuật”. Thu ngân sách nhiều hay ít không quan trọng bằng việc cân đối được ngân sách. Kiểu gì ngân sách cũng sẽ được cân đối một cách ổn, an toàn để không hụt đi các khoản phải chi tiêu. Và điều này chưa bao giờ xảy ra tại Quảng Nam. 

* Xin cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Nghệ thuật" cân đối ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO