Nghệ thuật chưng cộ Chợ Được

XA VĂN HÙNG 21/12/2013 09:19

Lễ hội Bà Chợ Được, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình - một lễ hội chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn người Việt, thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu do bà con nhân dân làng Chợ Được, xã Bình Triều tổ chức hàng năm vào những ngày đầu xuân (mùng 10 và 11 tháng giêng - âm lịch). Trong lễ hội này, rước cộ là phần hội để lại nhiều ấn tượng trong lòng khách đến.

Rước cộ trong lễ hội Bà Chợ Được là một hình thức nghệ thuật thông qua các trò diễn xướng dân gian chứa nhiều giá trị mà nổi bật là các giá trị về tâm linh, văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc, tạo hình, sân khấu, luật tục, lễ nghi,... Từ đó tạo sự cố kết cộng đồng, là cầu nối tâm thức giữa con người với đấng thần thánh siêu nhiên, kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa làng xã.

Một cộ trong lễ hội rước cộ Bà Chợ Được - Bình Triều.
Một cộ trong lễ hội rước cộ Bà Chợ Được - Bình Triều.

Nguồn gốc hình thành rước cộ là sự tưởng nhớ công đức của người sáng lập chợ Được mà tên bà gắn liền với tên chợ “Bà Chợ Được”. Hằng năm, quan chức, dân chúng địa phương tổ chức lễ tế và “khoe sắc” vào ngày 11 tháng giêng (ngày nhận sắc phong đầu tiên năm Giáp Ngọ - 1894). Nghệ thuật rước Cộ chính là sự vận dụng tổng hợp và gắn kết độc đáo giữa các loại hình nghệ thuật trình diễn, sự phối hợp các loại hình nghệ thuật sắp đặt, trang trí cũng như sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của các nghệ nhân. Từ đó, xây dựng thành một kịch bản hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật cao với nhiều tình tiết phong phú, hấp dẫn và bất ngờ. Các giá trị nội dung ngôn ngữ và nghệ thuật được thể hiện trên mỗi bàn cộ là một bức tranh tuyệt đẹp, hoàn hảo, chứa đầy chất lãng mạn, thăng hoa của những người nghệ sĩ tài hoa trước cái đẹp của cuộc sống nhưng không kém phần huyền bí, sâu thẳm.

Từ chiếc kiệu (cộ) ấy, qua trí tưởng tượng cũng như bàn tay sáng tạo tài hoa, khéo léo, các nghệ nhân làng Phước Ấm (Chợ Được) đã vận dụng nội dung từ các câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết,... được truyền miệng trong dân gian, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt và cách bố trí về hình thức, không gian nhằm để chưng bày mô phỏng về nội dung trên mỗi bàn cộ. Là loại hình nghệ thuật sắp đặt nên cách chưng bày mang tính ước lệ và tượng trưng với thủ pháp thu nhỏ không gian tương đối trên bàn cộ.

Đặc tính “dân gian” của mỗi bàn cộ là một tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, vừa là loại hình mang giá trị nghệ thuật diễn xướng cao. Chính từ sân khấu tự nhiên đã nuôi dưỡng chất diễn xướng dân gian của nghệ thuật chưng cộ lớn mạnh, phát triển, biểu lộ nét đẹp chân chất và sự cảm hóa qua óc sáng tạo độc đáo, phong phú của các nghệ nhân dựa trên nền không gian quen thuộc thường diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của người dân lao động. Cho nên, từ các hình tượng, cảnh trí như: sông núi, trăng sao, cỏ cây, đá cuội, con thuyền..., cho đến các con vật như hổ, ngựa, rùa, chim đại bàng... đều sử dụng chất liệu chủ yếu từ những vật liệu tự nhiên, đơn giản, phổ biến ở địa phương như: tre, trúc, bông, giấy, vải, sơn, bột màu, hồ dán... Ngoài ra, các nghệ nhân còn sử dụng những vật liệu mới, vận dụng những công nghệ hiện đại trong cách chưng cộ như: mô tơ, gas, máy phun khói, lò xo bằng thép, đèn điện đủ màu, thuốc tạo khói lửa, dây cháy chậm, âm nhạc... (để bổ trợ cho các trò diễn) được che giấu một cách tinh vi với chủ đích là không làm mất đi tính tự nhiên, hoang sơ và luôn phù hợp với nội dung của cốt truyện, tạo cho nghệ thuật chưng cộ trong lễ hội Bà Chợ Được vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại.

Trước giờ rước Cộ, cả vùng đất vùng trời Chợ Được bao trùm một không khí linh thiêng huyền bí với ánh sáng lung linh các ngọn nến được gắn trong lồng đèn nhiều màu sắc, hương trầm thơm ngát từ những bàn án bày đặt trước nhà (gọi là biểu thờ) chạy dọc hai bên đường để nghênh đón đoàn cộ đi qua. Bàn cộ Bà Chợ Được (thường đi sau bàn cộ rước sắc phong) được sơn son thếp vàng, trên phủ lễ phục bằng nhung gấm màu đỏ, được cung nghinh từ lăng thờ ra sân do 6 người khiêng, tiếp theo là các bàn cộ lớn nhỏ của các xóm. Đi sau cùng là dân làng và khách thập phương đến dự xem.

Cộ được rước quanh chợ rồi sau đó diễu hành theo những con đường chính của xã cho bà con chiêm ngưỡng. Đám rước đi đến đâu, hàng nghìn người đùng đùng chuyển động theo đến đó hòa cùng tiếng trống ầm ầm náo nhiệt và ánh đuốc sáng rực. Bởi vì “mê Cộ” mà nhiều người ở cách xa hàng trăm cây số cùng rủ nhau tụ về Chợ Được trước đó vài ngày. Sự đặc hữu ở đây là trong khi hầu hết kiệu truyền thống khi diễu hành thì mặt tiền đều quay về phía trước; nhưng các cộ trong lễ hội Bà Chợ Được thì các trò diễn trên cộ đều quay ngược lại hướng phía sau, và công chúng xem đứng dọc theo hai bên đường để chiêm ngưỡng. Do đó đoàn cộ khi diễu hành di chuyển luôn đều đặn, không bị ùn tắc và dòng người đi xem nối đuôi theo đoàn cộ tạo nên tính xã hội hóa cao, có phần nổi trội hơn so với cách rước kiệu của một số lễ hội truyền thống.

Rước cộ trong lễ hội Bà Chợ Được - Bình Triều không chỉ là một hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà còn là một sinh hoạt mang tính chất tâm thức tâm linh về tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân vùng đất Chợ Được - Bình Triều. Từ nội dung, hình thức ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này, nếu như bỏ qua những yếu tố về nghi thức tín ngưỡng hàm chứa trong nội dung của nó mà dựa theo quan niệm dịch lý “tam tài” của nho gia “Thuận đạo trời, an đạo đất, hòa đạo người” chúng ta cảm nhận được ở đó tinh thần lạc quan, yêu nghề nghiệp, yêu cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân qua các tác phẩm nghệ thuật đặc hữu này. Các giá trị về nghệ thuật được chưng bày trên mỗi bàn cộ như một triết lý chứa một giá trị nhân văn cao cả, một hương ước để truyền tụng cho con cháu thế hệ sau những giá trị văn hóa tinh thần đầy ý nghĩa, một giáo lý sâu sắc cần phải bảo lưu, gìn giữ và phát huy.
Nghệ thuật chưng cộ trong lễ hội Bà Chợ Được có những vai trò hết sức to lớn - là những giá trị văn hóa phi vật thể đã được hun đúc, thử thách qua thời gian hơn 120 năm được người dân Chợ Được - Bình Triều sáng tạo trong quá trình sống và lao động của mình. Tinh hoa văn hóa “khuôn vàng thước ngọc” ấy được hình thành và trở thành một nhu cầu không thể thiếu về tâm thức tâm linh của cộng đồng xã hội. Cho dù chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, song cộ vẫn luôn được gìn giữ sự đặc hữu về loại hình này, và điều đó đã chứng tỏ: cộ là loại hình nghệ thuật trình diễn được kế thừa, bảo tồn và phát huy, luôn mang tính bền vững đáng được trân trọng, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa phi vật thể dân gian Việt Nam.

XA VĂN HÙNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ thuật chưng cộ Chợ Được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO