Được xem là một đặc trưng văn hóa, hàng dệt và may mặc truyền thống cũng là một biểu tượng đa dạng từ thiết kế, màu sắc, kỹ thuật và sáng tạo của các quốc gia thành viên ASEAN.
Trong tuần, hàng loạt sản phẩm, đặc biệt là dệt thủ công của các dân tộc thuộc Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) “hội ngộ” trong cuộc triển lãm kéo dài 5 ngày, nhân sự kiện Thành phố Văn hóa của ASEAN là Yogyakarta (Indonesia) tổ chức hội nghị chuyên đề về kỹ thuật dệt vải truyền thống của các nước trong khu vực.
ASEAN - cộng đồng được hình thành dựa trên 3 trụ cột, trong đó có Cộng đồng Văn hóa - xã hội. Những sự kiện giao lưu văn hóa giữa các nước thành viên thường xuyên được tổ chức nhằm giúp người dân hiểu hơn về nền văn hóa của các nước thành viên. Hội nghị chuyên đề tôn vinh ngành dệt và may mặc truyền thống được tổ chức 2 năm một lần từ năm 2007 tại khu vực nhằm giới thiệu hàng dệt truyền thống từ các quốc gia thành viên ASEAN. Sự kiện góp phần bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa của cộng đồng ASEAN.
Hiệp hội dệt may truyền thống ASEAN cho biết, mục đích của sự kiện này là nâng cao kiến thức của mọi người về hàng dệt truyền thống ASEAN cả về họa tiết, chất liệu và kỹ thuật sáng tạo. Ngoài hàng dệt nổi tiếng với các sản phẩm thủ công của các nước ASEAN được triển lãm, giới thiệu lần này còn có những mặt hàng dệt may truyền thống đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, New Zealand, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu. Các đại diện tham dự hội nghị có cơ hội đến tận nơi thưởng lãm kỹ thuật dệt vải nổi tiếng ở Yogyakarta.
Hàng dệt truyền thống, một di sản văn hóa ASEAN được đánh giá cao và nổi tiếng trên thế giới. Nghệ thuật batik của Indonesia dĩ nhiên không thể thiếu trong đợt triển lãm lần này. Vào năm 2009, kỹ thuật nhuộm vải batik của Indonesia được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Batik là một trong những loại hình nghệ thuật phát triển nhất của di sản văn hóa phong phú xứ vạn đảo. Một tấm batik truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Nghệ thuật batik đã xuất hiện từ hơn 2.500 năm trước. Dù không phải là nơi sản sinh ra batik nhưng Indonesia được coi là quốc gia của batik, nơi mà nghệ thuật batik đạt đến đỉnh cao và là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia trên thế giới.
Trang phục, trang trí batik thường được người Indonesia sử dụng trong các nghi lễ truyền thống và lễ kỷ niệm... Ngoài ra, các họa tiết mang nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau gắn liền với di sản Indonesia. Trẻ sơ sinh được mang trong những chiếc đai batik như để cầu mong sự may mắn cho chúng. Các biến thể batik độc đáo cũng được sử dụng trong những dịp đặc biệt bao gồm kết hôn, mang thai và thậm chí là biểu diễn múa rối trong các nhà hát truyền thống. Được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nghệ thuật batik đan xen với bản sắc văn hóa của người dân Indonesia. Màu sắc và thiết kế được sử dụng để thể hiện niềm tin và tâm linh của mọi người.
Yogyakarta đã được ASEAN đặt tên là Thành phố Văn hóa giai đoạn 2018 - 2020, là địa danh có nhiều điểm du lịch nổi tiếng và hơn 100 lễ hội mỗi năm. Yogyakarta cũng là thành phố thứ năm ở ASEAN mang danh hiệu đó. Trong đó, thành phố Huế của Việt Nam được trao tặng danh hiệu này vào năm 2014. Danh hiệu để nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc hình thành một xã hội hòa bình và hài hòa, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ASEAN, hướng tới cộng đồng cùng phát triển, cùng thịnh vượng.