Từ ngày 25.12 đến 5.1.2019 Hội mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Gallery Vũ Trọng Thuấn tổ chức tọa đàm “nghệ thuật đồ họa truyền thống và hiện đại”; khai mạc triển lãm đồ họa Đà Nẵng lần thứ 3 chủ đề “không giới hạn” tại Gallery Vũ Trọng Thuấn (277 Trần Hưng Đạo, TP.Đà Nẵng). Đây là hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ các họa sĩ chuyên đồ họa ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh nhân 5 năm thành lập CLB Đồ họa Đà Nẵng (2014 - 2018).
Hình của làng (khắc gỗ phá bản của Nguyễn Nghĩa Phương). |
Họa sĩ Lê Huy Hạnh - Chủ nhiệm CLB đồ họa Đà Nẵng cho biết, tọa đàm “nghệ thuật đồ họa truyền thống và hiện đại” có sự tham gia của các chuyên gia đồ họa nổi tiếng cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên, một tọa đàm chuyên sâu về đồ họa được tổ chức tại Đà Nẵng. Về triển lãm đồ họa “Không giới hạn”, có khoảng 70 tác phẩm của 28 tác giả. Đặc biệt, năm nay mời 4 tác giả ở TP.Hồ Chí Minh (Nguyễn Phú Hậu, Trần Hữu Quang, Lê Xuân Chiểu, Nguyễn Thị Tố Uyên), hai tác giả Huế (Phan Hải Bằng, Nguyễn Thị Hải Hòa) và hai tác giả Hà Nội (Lê Huy Tiếp, Nguyễn Nghĩa Phương).
Chân dung HS Huỳnh văn Thuận (khắc gỗ của Nguyễn thị Tố Uyên). |
Cũng theo họa sĩ Lê Huy Hạnh, 5 năm trước đây, sau một cuộc triển lãm đồ họa do Huế tổ chức, có Đà Nẵng tham dự, anh em họa sĩ Đà Nẵng bàn nhau thành lập CLB Đồ họa Đà Nẵng. Từ khi CLB ra đời - năm 2014, đến nay đã tổ chức được 4 trại sáng tác và 3 cuộc triển lãm, ngoài ra còn có những chuyến đi thực tế. CLB cũng tham gia nhiều cuộc triển lãm khu vực hoặc toàn quốc được đánh giá cao. Nhiều nhà chuyên môn đồ họa tại Huế, Hà Nội đã nhận xét, cả nước không nơi đâu hoạt động đồ họa sôi động như Đà Nẵng, kể cả Hà Nội.
Đàn chuồn chuồn (in độc bản của Lê Huy Tiếp). |
Điều đáng nói, nhiều năm qua, gần như nghệ thuật đồ họa bị lãng quên. Nhiều người xem nhẹ đồ họa, nhưng hiện nay, các cuộc triển lãm, tranh đồ họa đã xuất hiện nhiều. Lần đầu tiên trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc vào năm ngoái, tranh đồ họa đạt giải cao. Vì lâu nay không quan tâm đồ họa, nên họa sĩ được đào tạo đồ họa cũng lặng lẽ rời khỏi sân chơi này. Nay, bên cạnh việc tạo điều kiện để anh em sáng tác, mua máy móc, thiết bị..., CLB chú trọng kết hợp với trường Văn hóa nghệ thuật giúp cho trường đào tạo sinh viên và phổ biến các tác phẩm. Mới đây, trong tập sách Mỹ thuật Đà Nẵng 2007 - 2017 (do Nxb Mỹ thuật ấn hành) đã dành nhiều trang giới thiệu các thành tựu đồ họa. Trong đó nêu các tác phẩm tiêu biểu về tranh khắc gỗ như Hạnh phúc của mẹ, Huyền thoại Trường Sơn của Trần Hữu Cân; Chợ phiên Tây Bắc, Vốn có của Trần Thị Cúc (Giải thưởng VHNT Đà Nẵng); Bạn trà của Nguyễn Trường Chinh; Ký ức tuổi thơ của Nguyễn Quang Hiệp; Ký ức tuổi thơ của Trương Nguyễn Nguyên Kha; Hội An xưa (Giải III năm 2016 của Hội mỹ thuật Việt Nam); Người Việt Nam của Nguyễn Tường Vinh; Hồn nhiên của Lê Huy Hạnh; Giao mùa của Đỗ Thanh…
Ngẫu liên-Giao kết 2 (khắc gỗ- trúc chỉ của Phan Hải Bằng). |
Góp mặt tại triển lãm đồ họa “Không giới hạn”, họa sĩ Phan Tiến Dũng cho biết: “Tôi bắt đầu làm đồ họa từ năm 1994, trước tiên, vì bị hấp dẫn bởi bản sắc dân tộc độc đáo như tranh Đông Hồ, Hàng Trống... và theo đuổi đến bây giờ. Đồ họa cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đều có xu hướng phát triển mạnh bởi sự đa dạng, đa chất liệu của mỹ thuật hiện đại. Đồ họa ngày càng giúp cho các họa sĩ dễ dàng truyền tải thông tin, tình cảm vào tranh và làm người xem dễ rung cảm theo từng cung bậc”. Còn họa sĩ Phan Thanh Hải nói: “Tôi yêu thích nghệ thuật đồ họa bởi sự hấp dẫn của chất liệu và kỹ thuật rất phong phú cũng như cách thể hiện đường nét của đồ họa (yếu tố đặc trưng). Về xu hướng đồ họa cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, theo tôi, thời gian vừa qua, đồ họa ít được chú ý hơn so với sơn dầu, sơn mài…, nhưng đồ họa của thế giới và Việt Nam vẫn không ngừng phát triển theo thời gian (từ truyền thống đến hiện đại) với nhiều chất liệu, nhiều kỹ thuật và đặc biệt là hình thức trưng bày tác phẩm (có sự kết hợp với nhiều yếu tố tạo hình và loại hình trên một tác phẩm) rất phong phú và đa dạng”.
“Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn mong và tin tưởng, trong tương lai đồ họa vẫn không ngừng phát triển và luôn có chỗ đứng trong làng mỹ thuật. Theo tôi, lần này, CLB Đồ họa Đà Nẵng tổ chức triển lãm và hội thảo là sự tiếp nối, hội tụ nhiều tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hoạt động lần này của CLB có sự góp mặt của các họa sĩ gạo cội của Việt Nam như: Họa sĩ Lê Huy Tiếp, PGS-TS.Nguyễn Nghĩa Phương, Thạc sĩ - Giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế Phan Hải Bằng… Hoạt động lần này của CLB không phô trương rầm rộ nhưng mang tính chuyên nghiệp và thể hiện vị thế của đồ họa đối với những họa sĩ sáng tác” - Họa sĩ Phan Thanh Hải nói.
TRẦN TRUNG SÁNG