Những năm gần đây, nền nghệ thuật đương đại của các nước ASEAN phát triển ấn tượng, góp phần gắn kết người dân khu vực.
Nghệ thuật đương đại (contemporary art) được định nghĩa là “tác phẩm nghệ thuật đã, đang và tiếp tục được tạo nên trong suốt cuộc đời chúng ta”. Ngày nay, các nghệ sĩ đương đại làm việc trong một thế giới có ảnh hưởng khu vực và toàn cầu, đa dạng về văn hóa và công nghệ. Kế hoạch Chiến lược văn hóa ASEAN giai đoạn 2016 - 2025 nhằm tạo điều kiện cho đối thoại liên văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực, nâng cao nhận thức và đánh giá cao lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, trong đó bao gồm nghệ thuật đương đại.
Hơn 10 năm qua, nền văn hóa đa dạng, năng động với 10 quốc gia thành viên của ASEAN góp phần định hình một khu vực có nền nghệ thuật đang phát triển. Tuy nền nghệ thuật đương đại ASEAN còn khá mới mẻ nhưng cũng tìm thấy chỗ đứng trên thị trường nghệ thuật toàn cầu. Hàng năm, các thành phố ASEAN tổ chức trưng bày, triển lãm theo chủ đề về sự hình thành và phát triển của ASEAN và giới thiệu tài năng nghệ thuật đương đại của khu vực. Năm 2017, triển lãm nghệ thuật đương đại ASEAN được tổ chức tại thành phố Jakarta, Indonesia để giới thiệu sự chuyển đổi và những tiến bộ ASEAN thông qua sự đóng góp của tất cả quốc gia thành viên, hướng đến kỷ niệm 50 năm thành lập hiệp hội. Ví như, một nghệ sĩ mang đến triển lãm một số tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là những tác phẩm điêu khắc được tạo nên từ những vật dụng cũ và bỏ đi, tận dụng những gì có thể, chuyển đi thông điệp về bảo vệ môi trường.
Nền nghệ thuật đương đại Philippines được đánh giá đang ở đỉnh cao. Bằng chứng là những tác phẩm nghệ thuật của nước này tham dự Venice Biennale (một triển lãm nghệ thuật có trụ sở tại Venice của Italia) trong 4 năm liên tiếp. Singapore đang xây dựng thương hiệu về nghệ thuật đương đại với nhiều phòng tranh danh tiếng tại đảo quốc sư tử. Tại Việt Nam, Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) ra đời tại Hà Nội vào năm 2017, hội tụ những nghệ sĩ, cá nhân và tổ chức cùng hướng đến mục tiêu đóng góp và xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam đương đại. Thái Lan tìm thấy vị trí của mình trong bối cảnh nghệ thuật toàn cầu, nhất là sự ra đời của các bảo tàng tư nhân về nghệ thuật đương đại. Lễ hội nghệ thuật đương đại quốc tế - Thái Lan hàng năm tạo ra doanh thu nhiều triệu baht và đưa Bangkok trở thành tâm điểm chú ý như một trung tâm nghệ thuật khu vực. Hay Museum Of Contemporary Art được xây dựng từ năm 2012 và là bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Bangkok mang tầm vóc quốc tế, được xem là điểm phải đến của những người đam mê nghệ thuật. Đầu năm nay, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát động Năm văn hóa ASEAN2019, cơ hội cho các nước thành viên cùng quảng bá văn hóa, nghệ thuật trong toàn khu vực và vươn ra thế giới.
ASEAN đang nổi lên như một trụ cột quan trọng trong thị trường nghệ thuật toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năng động cùng góp sức cho nghệ thuật đương đại cất cánh. Cộng đồng nghệ thuật khu vực có thể còn nhỏ về quy mô so với các cộng đồng nghệ thuật châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng ASEAN vẫn có lợi thế về văn hóa truyền thống đa dạng. Bà Elaine - Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN nói, triển lãm nghệ thuật giúp các quốc gia ASEAN hay người dân khu vực hiểu về văn hóa của nhau nhiều hơn, gắn kết nhau để từ đó có sự đồng cảm, chia sẻ cùng nhau và cùng hướng về tương lai tươi đẹp. Văn hóa ASEAN đa dạng trong thống nhất và đoàn kết.