Nghệ thuật gấp giấy Origami

NGUYỄN TÚ TUẤN 13/09/2022 09:23

(VHQN) - Ngày nay, Origami là thuật ngữ chỉ về sự gấp giấy. Nó không còn là môn nghệ thuật riêng biệt đặc trưng của Nhật Bản nữa mà đã trở thành môn nghệ thuật chung của thế giới.

Mô hình Safari trong buổi trình diễn Origami tại Hội An 2020.
Mô hình Safari trong buổi trình diễn Origami tại Hội An 2020.

Từ những tấm giấy vô tri, nghệ nhân đã thổi hồn vào từng sản phẩm để từ giấy tiếng nói cá nhân được hình thành. Nghệ thuật gấp giấy, phát đi từ sự im lặng, đơn sơ và thuần túy nhưng trao gửi rất nhiều ý tưởng sống và cái nhìn duy mỹ.

Hồi tháng 11.2020, Tuần lễ Nghệ thuật đương đại Hội An CABCON 2020 quy tụ hơn 20 nghệ sĩ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau… Đây là dịp đầu tiên những nghệ nhân Origami Việt Nam có buổi tiếp cận với công chúng ở Hội An.

Họ mang đến hơn 50 tác phẩm với góc nhìn đa dạng về xã hội, cá nhân, những mối quan hệ giữa người với người và với tự nhiên, từ đó truyền cảm hứng cho nhau trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Lược sử origami

Nghề làm giấy ra đời ở Trung Hoa vào khoảng thế kỷ 1 - 2 trước Công nguyên, nhưng đến thế kỷ 7 mới du nhập Nhật Bản. Người Nhật đã nhanh chóng lĩnh hội kỹ nghệ làm giấy và thay đổi đáng kể trên quy mô rộng.

Họ đã cải tiến kỹ thuật sản xuất và tìm nguồn nguyên liệu mới để làm giấy. Từ đó, người Nhật đã làm ra một loại giấy riêng biệt của mình: giấy Washi. Washi là loại giấy có độ bền và độ mềm dẻo cao, khó rách. Giấy Washi đã được ứng dụng trong nhiều hình thức văn hóa khác nhau, trong đó có nghệ thuật gấp giấy origami (折り紙).

Học cách gấp giấy Origami. Ảnh: L.T.K
Học cách gấp giấy Origami. Ảnh: L.T.K

Không rõ origami ra đời từ bao giờ, nhưng theo một số nghiên cứu ở Nhật Bản, thì từ thời Heian (784 - 1185), origami đã trở thành một phần quan trọng trong những lễ nghi của giới quý tộc Nhật Bản. Các mẫu origami đầu tiên được lưu lại là các vật trang trí đem đến may mắn cho người nhận, gọi là noshi, được gấp từ giấy màu đỏ và trắng, cột bằng các dây trang trí, đính kèm theo các món quà tặng.

Thời kỳ này, người Nhật đã thiết kế và phát triển nhiều mô hình gấp giấy khác nhau, từ những sản phẩm nhỏ được cách điệu đến những sản phẩm phức tạp trừu tượng. Tuy nhiên những thiết kế sản phẩm origami thời kỳ này chỉ được truyền miệng, đã làm hạn chế sự phát triển và phổ biến rộng rãi của nghệ thuật gấp giấy.

Trong sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 18 năm nay, Hội An khai trương “Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản” ở số 6 đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tại đây, có các gian giới thiệu lịch sử, văn hóa, du lịch và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các vùng Nhật Bản có quan hệ giao lưu mật thiết với tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An như tỉnh Nagasaki, TP.Sakai tỉnh Osaka, TP.Matsuska tỉnh Mie… Tại “Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản”, còn tổ chức các hoạt động như Không gian trình diễn và thưởng thức trà đạo Nhật Bản, các hoạt động gấp giấy origami... (PV)

Đầu thời kỳ Edo (1600 - 1868), giấy được sản xuất hàng loạt với giá rẻ và trở thành vật liệu thông dụng. Dưới triều đại Shogun Tokugawa Tsunayoshi (1680 - 1709), Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Đây cũng là lúc loại origami hình con hạc và hình tàu thuyền rất thịnh hành. Chúng được sử dụng làm thiết kế trên quần áo, trở thành mốt thời trang, và được in hàng loạt trên tranh mộc bản (ukiyoe). Origami nhanh chóng được nhiều người quan tâm.

Cuốn sách dạy gấp giấy cổ nhất còn lưu lại được là cuốn Senbazuru (Cách gấp ngàn cánh hạc) xuất bản năm 1797. Một cuốn sách khác là Kan no modo (Cửa sổ vào giữa mùa đông), xuất bản năm 1845, là bộ sưu tập hoàn chỉnh nhất hướng dẫn cách gấp 48 mẫu phổ biến, gồm các mẫu động vật và hình người của nghệ thuật origami cổ.

Từ khi có tài liệu in ấn về origami, nghệ thuật gấp giấy ở Nhật Bản đã có diện mạo khác, đa dạng và tiên tiến. Origami không còn là một hình thức giải trí riêng của trẻ em, mà người lớn cũng tham gia.

Gấp giấy dần trở thành loại hình nghệ thuật cộng đồng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ 20, các mẫu hình của origami không phát triển nhiều ở Nhật Bản, chỉ có khoảng 150 mẫu gấp truyền thống, chủ yếu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là di sản của nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản với hơn 1.000 năm tuổi.

Origami thời hiện đại

Origami thực sự bùng nổ vào thế kỷ 20. Nghệ nhân người Nhật Akira Yoshizawa (1911 - 2005) được coi là sư tổ của origami hiện đại. Những sáng tác của ông được thế giới biết đến vào khoảng 1950, bắt đầu tách dần khỏi các mẫu và nguyên tắc gấp giấy cổ điển.

Mẫu của ông không chỉ là những mẫu gấp giấy với nếp gấp thông thường mà ông còn chú trọng đến kỹ thuật hoàn thành mẫu, làm cho mẫu sống động như thật, giống với tự nhiên. Ông là người sáng tạo kỹ thuật gấp ướt, là một kỹ thuật dùng nước làm mềm giấy để dễ dàng tạo hình mẫu. Ông có một gia tài sáng tác đồ sộ với hơn 50.000 tác phẩm và vô số cuộc triển lãm trên toàn thế giới.

Cùng với Samuel Randlett (người Mỹ), Akira Yoshizawa đã phát minh hệ thống ký hiệu để vẽ các sơ đồ chỉ dẫn trong sách dạy gấp giấy, trở thành ký hiệu quốc tế trong các sách gấp giấy cho đến ngày này. Các bản hướng dẫn gấp hoàn chỉnh đã mở ra chân trời mới cho bộ môn nghệ thuật này.

Có thể phân loại rất nhiều trường phái nghệ thuật gấp giấy hiện đại theo quan điểm kỹ thuật, mỹ thuật hoặc khái niệm. Chung quy, origami có hai trường phái chính: trường phái “đơn giản hóa” thiên về nghệ thuật; và trường phái “phức tạp hóa” thiên về kỹ thuật.

Các cao thủ gấp giấy hiện đại gồm các nghệ sĩ, các nhà toán học, vật lý học, kỹ sư, ảo thuật gia… Nhiều kỹ thuật origami mới được phát minh và các mẫu origami ngày nay có thể phức tạp đến mức khó tưởng tượng được. Có thể nói hầu như bất cứ cái gì cũng có thể “gấp” ra được từ một tờ giấy. Và, gấp giấy được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, khoa học kỹ thuật, y học.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ thuật gấp giấy Origami
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO