Sau tin vui hát bả trạo được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu cũng được đại diện Cục Di sản vào thẩm định để công nhận. Đoàn kiểm tra đã đến các huyện Tây Giang, Đông Giang “mục sở thị” và có ấn tượng đặc biệt về loại hình diễn xướng độc đáo này.
Cục Di sản thẩm định nghệ thuật nói lý, hát lý tại thôn Đhrông, xã Tà Lù, Đông Giang.Ảnh: D.H |
Đến những làng Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam, du khách sẽ được thưởng thức nói lý, hát lý của các già làng. Trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng của người Cơ Tu như tổ chức đám cưới, ăn mừng lúa mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng… nói lý, hát lý thường được vận đến. Ngoài ra, loại hình diễn xướng này còn được dùng để giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, dòng họ, bạn bè, hay giữa hai làng lân cận. Khi có khách quý đến thăm hay đón cán bộ cấp trên, đồng bào cũng thường hay hát lý để chào mừng. Ông A Rất Tiếp, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang, hiện sống tại thị trấn Prao cho biết: “Trước khi bắt đầu một cuộc nói lý, hát lý, phía chủ nhà bao giờ cũng dọn lên một mâm tiệc. Nó giống như đồng bào Kinh nói: miếng trầu là đầu câu chuyện. Không có mâm tiệc rượu đãi khách, không bắt đầu cuộc nói lý, hát lý được”. Bày biện xong, người đại diện, thường là các cụ già có uy tín, kinh nghiệm sẽ ứng khẩu với những lời lẽ rất khiêm tốn, rằng khách quý đến nhà chúng tôi chẳng có gì đón tiếp, chỉ có ly rượu nhạt này, mong rằng khách đừng chê tấm lòng của chúng tôi… Nghe xong, khách cũng đáp lời cảm ơn chủ nhà đã chuẩn bị đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, mồi ngon, rượu quý, khách không biết lấy gì đền đáp tấm thịnh tình của chủ. Rượu rót mời nhau theo thứ bậc, vừa uống vừa nói chuyện về mùa màng, săn bắn, chuyện rừng chuyện rẫy. Men rượu nồng say, tiếng cười nói xôn xao, không khí buổi tiệc theo đó cũng bắt đầu sôi nổi hẳn lên.
Một cuộc nói lý, hát lý bao giờ cũng có phần mở đầu, tức đưa ra sự gợi mở cho hai bên cùng nhập cuộc với nhau. Nó không có bài mẫu mà phụ thuộc vào việc ứng khẩu của người ứng đối, trình độ, khả năng kinh nghiệm của từng nghệ nhân, người hát, đồng thời họ cũng tính đường để kết thúc cuộc nói lý, hát lý. Ông A Rất Tiếp cho rằng, nói lý, hát lý là nghệ thuật tu từ, được sử dụng rất khéo léo bằng lối so sánh, ẩn dụ, hoán dụ; lấy sự vật hiện tượng để biểu đạt suy nghĩ, ý định của mình, đồng thời mở đường cho phía khách đáp lại. Nó thể hiện trình độ hiểu biết, ý tứ sâu sắc và tài ứng khẩu của nghệ nhân. Chẳng hạn khi một người Cơ Tu nói con chim cần có tổ thì ông ấy muốn làm nhà; chàng trai Cơ Tu nói với cha mẹ rằng con cần làm ruộng để có thóc lúa ăn nghĩa là anh ta muốn cưới vợ; ví con lợn lòi thì muốn nói người độc thân có bản lĩnh. Khi ai đó được ví là cây a-xếp tức được xem là người có bản lĩnh kiên cường, không bao giờ gục ngã. Bởi a-xếp là một loại cây mọc dưới sông suối vùng cao, khi mùa nước lũ nó rạp xuống nhưng sau đó lại đứng thẳng dậy, vươn lên xanh tốt.
Là người am hiểu văn hóa Cơ Tu, ông Nguyễn Tri Hùng công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam nhận xét: “Nói lý, hát lý có tính nhân văn cao ở chỗ trong cuộc nói lý, hát lý thì sẽ có người “chết lý”, tức không đối đáp lại được nhưng nó không hề gây ra mâu thuẫn, gây ra sự chia xa. Trái lại nó tạo ra sự đồng thuận. Khi cuộc nói lý, hát lý kết thúc, nghĩa là người ta đã thỏa thuận xong công việc với nhau. Ngoài ra, nói lý, hát lý còn độc đáo ở chỗ nó vừa có lời thoại, vừa có âm nhạc”. |
Trong tác hợp lứa đôi, người Cơ Tu cũng dùng đến nghệ thuật nói lý, hát lý. trước đây nhà gái thường dùng lối nói lý, hát lý để đòi của hồi môn, thách cưới. Ví dụ khi đàng gái nói nhà tôi nghèo lắm thì có nghĩa là nhà trai phải chuẩn bị lễ vật kha khá.
Nghệ nhân Cơ Tu giỏi nói lý, hát lý phải là người hiểu phong tục tập quán dân tộc mình, hiểu núi rừng, sông suối quê hương, hiểu cái cây trên núi, tập tính con thú, con chim trên rừng, con cá dưới suối mới đưa ra những ẩn dụ thích hợp. Đồng thời họ cũng phải có khả năng ứng khẩu nhanh, chất giọng truyền cảm. Trong mỗi cuộc nói lý, hát lý, người ứng đối phải luôn chăm chú lắng nghe đối tác của mình biểu đạt điều gì để dùng hình ảnh đối lại cho thích hợp. Vì vậy, những người tham gia nói lý, hát lý thường ở độ tuổi 40 - 50 trở lên và là những người từng trải mới có thể vận dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật diễn xướng độc đáo này.
Tận mắt chứng kiến khung cảnh náo nhiệt của lễ hội mừng lúa mới được tổ chức tại trung tâm huyện Tây Giang, những cuộc nói lý, hát lý tại đây cũng như tại thôn Đhrôồng xã Tà Lu, huyện Đông Giang, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) đã phát biểu: “Tôi thực sự ấn tượng với bề dày văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Hồ sơ di sản phi vật thể nói lý, hát lý tôi đã xem qua nhưng không thể cảm nhận hết sự đặc sắc của nó. Các di sản của người Cơ Tu như điệu múa tâng tung - da dá và nói lý, hát lý, hoàn toàn đáp ứng được các quy định tại Thông tư 04/TT/2010/VH-TT&DL của Bộ VH-TT&DL như tính đại diện cho bản sắc văn hóa của cộng đồng người, tính sáng tạo, được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác… Đặc biệt nói lý, hát lý cho thấy tính sáng tạo, ngẫu hứng rất cao. Nghệ nhân phải là người có kinh nghiệm, tích lũy hiểu biết, vốn sống lâu dài. Tôi nghĩ với việc đáp ứng được các tiêu chí quy định, và được cả cộng đồng nhất trí đề cử thì nói lý, hát lý sẽ được Bộ VH-TT&DL xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Thông tin nghệ thuật nói lý, hát lý có khả năng trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã đem lại tin vui cho cộng đồng người Cơ Tu và những ai quan tâm đến văn hóa Cơ Tu. Di sản văn hóa này đã được bao thế hệ người Cơ Tu gìn giữ, trao truyền cho nhau. Khi nghệ thuật nói lý, hát lý được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ để chính quyền và đồng bào Cơ Tu các huyện miền núi Quảng Nam trong việc bảo tồn, phát huy loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này.
DUY HIỂN