Nhật Bản đang nỗ lực bảo tồn nghề thủ công truyền thống đan tre, với nhiều sản được người tiêu dùng, các nhà sưu tập triển lãm và những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nghệ nhân Fujitsuka Shosei đang hoàn thiện một sản phẩm tre đan đẹp mắt. Ảnh: CNN |
Vào giữa thế kỷ 19, các tàu buôn phương Tây trở về từ Nhật luôn mang theo các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Các phòng tranh nghệ thuật tư nhân hay các cửa hiệu tại các thành phố sầm uất như London (Anh) hay Paris (Pháp) đầy ắp những tác phẩm nghệ thuật thư pháp độc đáo, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gốm sứ, tranh khắc gỗ đến từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, các tàu hàng không thể thiếu các sản phẩm thủ công tre đan của Nhật, từ dây thừng, các dụng cụ nhà bếp, giỏ xách, chổi tre, rá, giần, hộp đựng rất bắt mắt và mang vẻ đặc trưng văn hóa Nhật. Đặc biệt trong những năm gần đây, sau một thời gian khá dài không còn được chú ý, các sản phẩm thủ công tre đan Nhật lại được hồi sinh trên thị trường, được đưa vào các cuộc triển lãm tại Mỹ và phương Tây, có những sản phẩm được bán với giá lên hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn USD.
Với nghệ thuật đan tre kết hợp nét truyền thống và hiện đại, các sản phẩm tre của Nhật luôn đem đến những điều mới mẻ. Nhiều nghệ nhân cao tuổi vẫn rất cần mẫn, sáng tạo và chăm chút cho từng sản phẩm để bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng, những người sưu tập, những mong nghề thủ công truyền thống vốn rất nổi tiếng không bị mai một. Ngoài ra, tre được ưa chuộng bởi là một vật liệu thân thiện với môi trường. Như nhiều quốc gia châu Á khác, cây tre là một phần rất quan trọng trong nền văn hóa và cuộc sống của người dân Nhật Bản, biểu tượng cho sự đoàn kết và quật cường, cũng như công dụng phổ biến của nó. Các nhà khảo cổ Nhật Bản phát hiện từ hơn 300 năm trước công nguyên hay vào thời kỳ Jomon đã xuất hiện những chiếc lược và rổ rá bằng tre tại 2 di chỉ khảo cổ học ở 2 vùng Honshu và Kyushu. Từ xưa, tre đã được người Nhật tôn kính, coi đó là nơi trú ngụ của thần linh; ở một số lễ hội, người Nhật có thói quen cầu nguyện hoặc treo những điều ước lên thân tre. Trong truyện cổ tích dân gian của Nhật Bản từ thế kỷ 10, có chuyện Ông lão đốn tre hay còn được gọi là Nàng tiên trong ống tre, kể về cuộc đời cô gái bí ẩn gọi là Kaguya. Nàng được phát hiện từ khi còn là em bé trong một đốt tre phát sáng và được cho là đến từ cung trăng (bởi mái tóc kỳ lạ sáng lên khi được ánh trăng chiếu vào của nàng).
Shochiku Tanabe, một trong những nghệ nhân trẻ tuổi tại Nhật kế thừa và tiếp tục phát triển nghề thủ công đan tre và là thế hệ thứ tư trong gia đình truyền thống đan tre trong hơn 120 năm qua. Shochiku Tanabe cho biết mình bắt đầu chế tạo các giỏ tre từ 5 tuổi và anh lớn lên bao quanh bởi Senjin-no-chie (trí tuệ hay tri thức của tổ tiên truyền lại qua nhiều thế hệ). Là nước công nghiệp phát triển, nhưng Nhật Bản vẫn phát triển các làng nghề thủ công một cách bền vững, đóng góp nhiều sản phẩm có giá trị văn hóa cao. Tuy nhiên, nghệ nhân tre đan Noboru Fujinuma - một trong hai “kho báu sống” của Nhật - một danh hiệu của chính phủ Nhật, công nhận những nhân vật văn hóa giúp bảo tồn các truyền thống cổ xưa của Nhật Bản - cho biết: “Hiện có rất ít nghệ nhân tại Nhật vẫn đam mê sáng tạo với các sản phẩm tre và tôi rất lo ngại nghề thủ công truyền thống này bị mai một nếu nó không được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa”.
QUỐC HƯNG