Người Ca Dong sinh sống ở huyện Bắc Trà My, Nam Trà My. Trong các lễ hội truyền thống của làng, nhất là lễ hội có hiến sinh trâu, bò thì cây nêu và nghệ thuật tạo hình luôn được đồng bào Ca Dong coi trọng.
Nghệ thuật độc đáo
Thông thường, cây nêu được làm từ những cây lồ ô, cây nứa và gỗ cây chò. Người Ca Dong chọn cây chò vì vùng rừng Trà My rất dễ tìm thấy. Hơn nữa, cây chò còn là biểu tượng sự mạnh mẽ, dẻo dai. Cây nêu thường cao khoảng 13-15m và gồm 3 phần. Phần gốc được làm bằng gỗ cây chò. Phần thân được làm bằng cây tre lồ ô. Và phần ngọn làm bằng cây nứa được nối với nhau bằng những sợi dây rừng rất khéo léo mà quan sát bằng mắt thường khó có thể nhận ra mối nối. Trên cây nêu, người Ca Dong đưa vào các họa tiết trang trí rất lạ mắt và ấn tượng bằng 3 màu chủ yếu (trắng, đỏ, đen) được giã ra từ vỏ cây rừng. Cây nêu càng sặc sỡ, cao, đẹp và lạ mắt bao nhiêu, thì càng chứng tỏ tay nghề khéo léo của nghệ nhân trong làng bấy nhiêu.
Ở mỗi phần của cây nêu được người Ca Dong tạo hình, trang trí các hoa văn, họa tiết. Trên phần thân cây nêu, là phần trang trí nổi bật nhất, bao giờ cũng được trang trí khắc vạch vòng tròn với bên cạnh những điêu khắc hình thoi, hình vuông, hình tam giác, hình răng cưa. Màu trang trí thường là bốn màu: đỏ, đen, trắng, vàng. Trên phần thân còn có tầng ra vai với những dải của cây nứa (kring-ning). Tầng ra vai gồm những mảnh gỗ, được trang trí với các hoa văn màu đen, đỏ, trắng, vắt chéo nhau qua thân cây nêu, tạo nên 4 núm, tượng trưng cho thần Tờ-trót và con chó Cót-anh trong chuyện cổ tích của người Ca Dong. Tiếp dưới là tầng vung viêng - nơi thần linh đáp xuống để nhận vật hiến tế. Tại tầng này cũng được gắn những dải của cây nứa và các dải vỏ loang-pút màu trắng. Phía dưới đôi dải vỏ cây nhuộm đỏ tạo ra vung viêng xòe ra 4 tán rộng, cong ngược ở phần đuôi, được trang trí các hoa văn hình mặt trời, mặt trăng, hoa trái các loại với các màu như: đen, đỏ, trắng.
Ở phần thân nêu nối giữa tầng vung viêng và ra vai, là nơi để các nghệ nhân dân gian người Ca Dong tập trung trang trí nhiều dải hoa văn cách điệu với các hình ảnh như: tai cọp, chuỗi cườm, chim đất, cây sí xô, lá rơ nu, răng cưa, vòng kiềng trang sức với các màu: đen, xanh, đỏ, trắng. Màu đen và màu đỏ luôn là màu chủ đạo của cây nêu, cũng là những màu sắc chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc, tạo hình của người Ca Dong thường thấy trong các nghi lễ truyền thống.
Phần ngọn của cây nêu - tầng cao nhất được người Ca Dong gọi là tầng chu úc. Nơi đây, được gắn con chim hang được tạo dáng công phu bằng gỗ, sơn đen, mỏ đỏ. Chim hang, chính là biểu tượng cho người Ca Dong. Tại tầng chu úc, cũng có gắn các ống nứa, các vỏ cây loang-pút và đặc biệt là các dải hoa riêng klung. Chạy dọc theo dải loang-pút, người Ca Dong còn gắn thêm các hình chim pơlinh, cá niêng, ếch, gà... được tạo tác bằng gỗ hay các vỏ cây rừng.
Tinh hoa của đời sống
Nghệ thuật tạo hình của người Ca Dong với cây nêu thể hiện qua những hình tượng gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống thường ngày. Màu đỏ trên thân cây nêu là màu chủ đạo, thể hiện mong ước của dân làng về sự no đủ. Bên cạnh đó, họ còn có cách trình bày riêng, phù hợp với quan niệm về cái đẹp, với nhân sinh quan và vũ trụ quan của dân tộc mình. Chính nhờ cái riêng ấy, đã làm nên một chỉnh thể nghệ thuật tạo hình đa dạng và phong phú, độc đáo và ấn tượng, có giá trị cao về thẩm mỹ, mang tính nhân văn và đạo đức truyền thống của tộc người Ca Dong từ bao đời. Đó còn là thế giới tư duy nghệ thuật của người Ca Dong, với những hình trang trí bằng hoa lá, các nét hoa văn mang đậm sắc thái dân tộc, các hình tượng chim thần biểu trưng cho thế giới bên trên, thần linh, hình tượng các con vật của đời sống thường ngày như ếch, gà rừng, chim pơling… Ở đó, người Ca Dong mặc sức tưởng tượng, nào là vung ving là chiếc giường của thần Tờ - trót nằm, nào là chim hang để thần Tờ - trót cưỡi, nào là tầng chu úc, nơi thần Tờ - trót tiếp khách… Đây đúng là một thế giới sinh động với màu sắc, đường nét, nghệ thuật tạo hình độc đáo trên cây nêu của người Ca Dong.
Theo truyền thống, khi hiến trâu người Ca Dong bao giờ cũng gửi gắm tâm tình với với thần linh, ông bà. Sau khi kết thúc lễ hội, cây nêu vẫn được người Ca Dong để nguyên như thế cho đến khi mục gãy mới thôi. Người Ca Dong quan niệm, cây nêu là nơi mà các vị thần linh và ông bà sẽ về ở và dự lễ hội. Đó cũng là sợi dây tâm linh nối con người với thần linh, tổ tiên thêm gần gũi hơn, cũng như khẳng định vị thế của gia đình trong từng ngôi làng. Nhà, làng nào có nêu tạm hiểu đó là những gia đình, làng giàu có. Hơn thế nữa, cây nêu còn là biểu trưng để giáo dục, dạy bảo những thế hệ con cháu của người Ca Dong ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa của mình trên vùng núi Trà My.