Nghệ thuật truyền thống vẫn còn sức hút

SONG ANH 20/05/2013 08:47

Cuộc thi tài của những đoàn dân ca kịch, nhà hát tuồng chuyên nghiệp trên toàn quốc chính thức bắt đầu từ đêm 18.5. Câu chuyện lịch sử về đội quân Lam Sơn, chí sĩ yêu nước Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương hay những vấn đề thời sự… được chuyển thể, đưa lên sân khấu, mang tới cho khán giả Quảng Nam nhiều cung bậc cảm xúc cùng nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Khán giả xem vở  “Đường đua trong bóng tối” diễn dự thi vào đêm khai mạc. Ảnh: S. ANH
Khán giả xem vở “Đường đua trong bóng tối” diễn dự thi vào đêm khai mạc. Ảnh: S. ANH

Tôn vinh văn hóa truyền thống

Quảng Nam là chiếc nôi hình thành và phát triển của sân khấu tuồng, dân ca kịch bài chòi. Tên tuổi những gánh tuồng một thời nổi tiếng như Đức Giáo (Quế Sơn), Khánh Thọ (Phú Ninh) và ở vùng đất xuôi theo sông Thu Bồn đã hình thành một số vùng có truyền thống nghệ thuật tuồng như Đại Bình, Bàu Toa, Bảo An, Phong Thử, Hội An và vùng trung du Tiên Phước. Vùng đất xứ Quảng còn là nơi sinh ra những nhà soạn tuồng lỗi lạc như Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ, giáo sư Hoàng Châu Ký và nhiều nghệ sĩ sân khấu tuồng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Nguyễn Phẩm, Ngô Thị Liễu... Sau này, trong hai cuộc kháng chiến, các nghệ sĩ sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi đã tiếp nối truyền thống, xây dựng đoàn tuồng và đoàn ca kịch Liên khu 5 phục vụ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên khắp các mặt trận. Vì những lẽ ấy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả, Quảng Nam xứng đáng được chọn làm nơi tổ chức Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc.

Cuộc thi lần này giữa 11 đoàn dân ca kịch, nhà hát tuồng trên cả nước chính là cơ hội để khơi gợi lòng yêu nghệ thuật văn hóa truyền thống. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cho biết: “Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch lần này mục đích để đánh giá diện mạo tuồng và nghệ thuật sân khấu của các đơn vị chuyên nghiệp trong cả nước. Cũng là dịp kêu gọi xã hội chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống”. Theo Ban tổ chức, tham gia dự thi, 8 trong 9 vở tuồng là những câu chuyện lịch sử của các triều đại phong kiến, duy chỉ Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa dựng vở “Hai người mẹ” lấy từ đề tài hiện đại - câu chuyện của những năm tháng chống Mỹ, cứu nước. Khác với nghệ thuật tuồng, trong số 6 vở dân ca kịch tham gia, có đến 5 vở được dựng từ đề tài hiện đại, phần lớn được chuyển thể từ những vở kịch nói đã gây tiếng vang trong những năm qua như “Đường đua trong bóng tối”, “Biển và bờ”, “Múa yêu đương”, “Chuyện lạ trần gian”.

Vẫn “hút” khán giả

Đêm khai mạc, vở dân ca kịch “Đường đua trong bóng tối” của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ mở màn cuộc thi. Đây là một vở chính kịch được chuyển thể sang dân ca kịch, phản ánh hiện thực nhức nhối của đời sống xã hội vẫn tồn tại, âm thầm trong bóng tối là nạn chạy chức, chạy quyền… Nội dung phản ánh thấm đậm trong những lời thoại sắc sảo, châm biếm ngay từ màn mở đầu. Một cốt truyện kịch khá chặt chẽ, với nội dung xoay quanh một con người ham quyền lực, lợi dụng vị thế của gia đình để tổ chức đường dây chạy chức, chạy quyền. NSƯT Nguyễn Ngọc Ất - Trưởng đoàn Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ chia sẻ: “Chuyển thể theo làn điệu dân ca ví dặm xứ Nghệ, đề tài vở dân ca kịch là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Chúng tôi dựng vở diễn này cũng nhằm hưởng ứng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay””.

Trong đêm khai mạc, rất đông khán giả Quảng Nam đã đến xem và cổ vũ diễn viên các đoàn, như một cách thể hiện tình yêu nghệ thuật truyền thống của họ. Trong hàng ghế khán giả, chúng tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp những vị khách nước ngoài chăm chú và say mê theo từng câu hát, điệu bộ của diễn viên trên sân khấu. Hôm qua 19.5, nội dung nghệ thuật sân khấu tuồng mới ra mắt khán giả Quảng Nam 2 vở tuồng cổ “Đêm sáng phương Nam” (Nhà hát Tuồng Đào Tấn) và “Nguyễn Tri Phương” (Nhà hát Tuồng Việt Nam). Bà Nguyễn Thị Chín (64 tuổi, khối phố Mỹ Thạch Đông, Tân Thạnh, Tam Kỳ), theo dõi suốt 2 vở tuồng, chia sẻ: “Hay lắm! Lâu rồi mới lại được nghe hát tuồng. Ngày xưa ở Tam Kỳ có đoàn tuồng, nhưng lâu lắm rồi không biểu diễn lại. Lâu lâu có dịp như thế này để nghe hát tuồng cũng thú vị”. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương chia sẻ, đây là một ngày hội, không chỉ của riêng nghệ sĩ mà còn của người dân. Và thực tế như vậy, khi mỗi đêm, khuôn viên Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh lại nhộn nhịp bước chân người đến xem.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ thuật truyền thống vẫn còn sức hút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO