Với nghệ thuật cộng đồng, cái tôi trong sáng tác không phải trước hết mà quan trọng, nghệ thuật phải đến gần với công chúng và rất cần sự sẻ chia của cộng đồng để tạo nên giá trị nhân văn.
Một cú điện thoại, một bức thư điện tử đã kết nối chúng tôi về Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Công việc của họa sĩ chúng tôi là vẽ trên thúng trong dự án Thí điểm phát triển du lịch Tam Thanh của cộng đồng do Gelex (Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam) hỗ trợ. Chúng tôi là các họa sĩ đến từ Hà Nội, tận vùng cao phía Bắc, rồi Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, cả vợ chồng họa sĩ người Úc đang sinh sống tại Hà Nội và cùng với họa sĩ địa phương Quảng Nam, thêm các thầy cô giáo dạy vẽ của TP.Tam Kỳ góp tay tô vẽ, trang trí cho “ngôi nhà di động” của ngư dân Tam Thanh. Những phương tiện đánh bắt đã một thời chịu sóng gió và cả những ghe thúng bằng nan tre vừa mới làm. Chuyện bếp núc của hội họa thường xuyên được các họa sĩ trao đổi khi thực hiện nghe thật phấn khích. Cảm động hơn khi có những người ngoài nghề hay những anh chị em người địa phương cùng chung tay vệ sinh nền vẽ, sơn lót, khiêng nước, rửa cọ, nặng nhất là kê khiêng những ghe thúng lớn. Các em nhỏ tại địa phương cũng được anh chị họa sĩ hướng dẫn vẽ.
Các họa sĩ tham gia dự án nghệ thuật cộng đồng tại Tam Thanh. Ảnh: SONG ANH |
Truyền thống của các họa sĩ là vẽ trong xưởng vẽ, rồi chọn trung tâm nghệ thuật có nhà, phòng, gallery sang trọng… để trưng bày tác phẩm. Thế nhưng, ở đây hội họa là vẽ trên tường (làng Bích họa Tam Thanh), vẽ trên nan tre của thúng tròn, thúng méo thì mọi chuyện không thể là câu chuyện của cá nhân họa sĩ. Bởi vậy, những người sáng tác phải nỗ lực để nghệ thuật đến gần công chúng nhất có thể, để người dân thấy được cuộc sống của chính họ trong tranh. Tôi và nhiều đồng nghiệp khá đồng tình, với dự án gọi là “nghệ thuật cộng đồng”. Đơn giản, những bức tranh vẽ cho anh, cho chị, cho em, cho mọi người sống quanh ta hay cụ thể hơn cho những ngư dân nghèo suốt bốn mùa bám biển đầy tai ương sóng gió. Với niềm hy vọng tạo không gian thư giãn, giảm bớt cực nhọc cho con người nơi đang sống, tăng sự duyên dáng, hấp dẫn cho khách tham quan và dĩ nhiên thêm giá trị thẩm mỹ cho các em nhỏ ở địa phương. Và ở đây, với những họa sĩ đến không gian cộng đồng này, mong muốn lớn nhất là mang hội họa cùng với các ngành nghệ thuật khác tô điểm vùng quê này thêm duyên dáng và đáng yêu hơn.
Những chiếc thúng sau khi vẽ hoàn chỉnh được trưng bày, xếp đặt trên bờ biển, cổng vào làng từ thôn Hạ Thanh, Thượng Thanh của xã Tam Thanh. Cùng sự chung tay của các kiến trúc sư, cảnh quan trong dự án với môi trường cây trồng bản địa, tạo lối đi xưa với nhiều lối nhỏ kiểu xương cá mang tên hẻm có tên loài cá như hẻm cá thu, cá rô, cá mú… và cả đài quan sát cho dân địa phương và khách thăm ngắm sông ngắm biển cùng ngôi nhà cho mọi sinh hoạt cộng đồng. Dự án đã khởi động vào ngày 15.4 vừa qua như lời hẹn, để mọi người cùng góp sức cho miền quê nghèo.
Không gì hơn, chúng tôi chọn sự tự nguyện cho việc vẽ này và rất mong có thêm nhiều họa sĩ tham gia hơn nữa. Những tác phẩm bằng màu trên nan tre cũng sẽ nhanh hỏng dưới nắng mưa. Tuy nhiên không phải là không thể thay đổi, nếu màu và nan tre bị hỏng ta có thể làm mới bằng tác phẩm khác. Thiết nghĩ, không chỉ có họa sĩ, các hãng sơn lớn trong nước cũng có thể tham gia dự án cộng đồng này trong khâu bảo quản, duy trì độ bền của tác phẩm, cấp màu vẽ miễn phí… Qua đó, góp phần tạo nên dự án cộng đồng đúng nghĩa, chia sẻ và tạo nên giá trị tốt đẹp cho vùng quê còn khó khăn như Tam Thanh.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ