Những ngày nghỉ, mẹ đưa tôi về quê thăm ngoại. Vườn nhà ngoại bây giờ đã thơm lừng hương nhãn, hương cau. Mỗi độ những cây nhãn trong vườn rộ hoa, ngoại lại đứng ngẩn ngơ, mắt dõi trông xa xăm phía ngõ. Thỉnh thoảng, những sợi tóc trắng phơ phất bay, phơ phất rối bởi cơn gió lạ chạy qua đầu hè. Hình như, ngoại còn đợi cậu…
Lửa bên trời đã tắt. Nắng bên trời đã xanh. Bình yên nối hai miền Nam - Bắc. Nhưng có những lời hẹn ước đoàn viên đã vĩnh viễn chỉ là ước hẹn. Để những người vợ cứ mòn mỏi đợi chồng. Những người mẹ hơn nửa đời người vẫn tựa cửa ngóng trông con.
Hương nhãn thơm rối rít vườn nhà. Ngoại đứng cạnh gốc cây, như nhẩm tính tuổi cho từng cội nhãn trong vườn. Ngoại từng kể tôi nghe, ngày mẹ tôi cất tiếng khóc đầu đời trong ngôi nhà nhỏ, ông ngoại đã tìm ươm phía đầu nhà một cây nhãn con mới chỉ vài chồi lá. Rồi lần lượt ngoại sinh dì và cậu út, những cây nhãn cứ thế được trồng nối thành hàng. Tôi đứng nhìn cây nhãn mà ngoại bảo bằng với tuổi mẹ, rồi nhìn cây nhãn gần phía hiên nhà nhất và đoán chắc rằng, đó là cây nhãn ông trồng vào ngày cậu út được sinh ra. Chả thế mà chiều nào, ngoại cũng ra đứng rất lâu bên cội nhãn của cậu. Thì thầm những điều mà hình như, chỉ có gió nghe.
Tháng tư. Ngoại lần mở chiếc ba lô đã bạc thếch màu, nhẹ nhàng lấy ra tấm áo màu xanh đã cũ. Bao nhiêu năm qua, thỉnh thoảng ngoại vẫn mang tấm áo ấy đi giặt sạch, phơi khô, rồi lại gấp vuông vắn, cất vào chỗ cũ. Ngày còn bé, tôi hay thắc mắc: “Áo này có ai mặc đâu, mà sao ngoại cứ giặt hoài vậy ngoại?”. Ngoại cười, đôi mắt buồn buồn: “Giặt cho sạch, cho thơm. Mai mốt cậu con về, cậu mặc”. Và cứ thế, suốt tuổi thơ mình, tôi luôn tin cậu có một chuyến đi xa đâu đó, vì công việc quan trọng nào đó, rồi cậu sẽ trở về, sẽ mua cho tôi thật nhiều quà bánh. Tôi và ngoại đã chờ đợi cậu qua những ngày như thế…
Tháng tư. Mỗi khi có cơn gió lạ làm xào xạc những cành lá trong vườn, ngoại lại giật mình thảng thốt: “Hình như… thằng út nó về”. Và tay ngoại lại lần tìm, nắm chặt tay mẹ trong cơn mê man. Quanh giường bệnh, mẹ và các dì nhìn sự tiều tụy của ngoại mà rưng rưng nước mắt.
Đã nhiều năm, gia đình tôi lần theo những dòng thông tin mong manh mà đồng đội cậu nhắn lại để đi tìm cậu. Mỗi khi có thêm một thông tin ngắn ngủi, là chúng tôi như có thêm niềm hy vọng để tìm được cậu, để đưa cậu về bên ngoại cho thỏa nguyện ước sum họp bấy lâu. Thế nhưng, ngày tháng cứ qua, mà cậu vẫn còn ở cánh rừng nào đó.
Mùa hè này, mẹ ngỏ ý đón ngoại về ở cùng gia đình tôi trên thành phố. Ngoại lắc đầu quầy quậy. “Không. Không được đâu. Mẹ phải ở đây để đợi thằng út. Lỡ nó về, thấy nhà cửa vắng tanh, lại chạnh lòng”. Và những đêm sau, những đêm sau nữa, mỗi khi nghe tiếng gió xào xạc ngoài vườn, ngoại lại giật mình: “Út ơi… phải con không? Con về rồi đó hả? Biết thế nên đêm nào mẹ cũng để cửa đợi…”.
Tôi nằm giường bên, thương ngoại. Đêm bỗng thật dài…