Nghe trong xa vắng...

BẢO ANH 23/07/2017 07:33

Lâu nay, không đợi đến ngày thương binh liệt sĩ hay các dịp lễ tết mà hầu như bất cứ lúc nào, hễ có dịp, anh chị em văn nghệ Quảng Nam lại đến viếng các liệt sĩ trong giới mình. Ngoài cái nghĩa, họ đến với những người đã hy sinh vì Tổ quốc ấy còn bằng cái “tình văn nghệ”...

Trên phần mộ nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý rực rỡ sắc hoa.  Trong ảnh: Anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam viếng mộ nhà thơ - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.
Trên phần mộ nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý rực rỡ sắc hoa. Trong ảnh: Anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam viếng mộ nhà thơ - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

Mỗi lần có việc lên Trà My, hầu như bao giờ anh em văn nghệ cũng dành thời gian ghé thăm mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ ở Nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My. Và thường là không chỉ có nhang, mà một cách rất văn nghệ, còn có rượu và thuốc lá (sinh thời, nhà thơ Nguyễn Mỹ nghiện thuốc lá khá nặng). Thuốc lá được châm lửa cắm vào bát nhang. Rượu được rưới lên mộ, nơi có khóm hoa mười giờ đỏ rực được trồng như một cách để nhắc nhớ về cái màu đỏ da diết trong bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” nổi tiếng của anh. Cái “màu đỏ ấy”, theo như cảm nhận của nhà văn Tô Phương - bạn cùng quê, cùng thời của anh, “đã trở thành cao cả, thiêng liêng mà một thời có hàng vạn, hàng vạn người trẻ tuổi đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang - chiến đấu để giành lại độc lập cho non sông đất nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn...” (Nhà thơ Nguyễn Mỹ với “Cuộc chia ly màu đỏ” - Tô Phương, báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 11.6.2011)... Còn khi qua đất Điện Bàn, ngoài việc viếng mộ các nhà thơ, nhạc sĩ đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã còn có một nơi khác mà anh em cũng thường hay ghé, đó là bia tưởng niệm nhà văn Nguyễn Hồng ở xã Điện Hồng. Không giống với những liệt sĩ khác, khi viếng nhà văn Nguyễn Hồng, lễ vật cúng anh bao giờ cũng có một lon sữa bò (sữa đặc có đường). Theo lời kể của các văn nghệ sĩ từng sống và chiến đấu cùng nhà văn Nguyễn Hồng, lúc còn sống anh rất thèm và ước ao được một lần uống sữa bò cho thỏa!... Những ước mơ nhỏ nhoi, chút lễ vật đơn sơ như điếu thuốc, như lon sữa, vậy mà cứ thao thiết, bùi ngùi!...

Ngược vùng tây Duy Xuyên, dù bận rộn thế nào mọi người cũng thu xếp ghé thắp nhang tại Bia tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Chu Cẩm Phong. Tấm bia là hình ảnh cách điệu của ngọn lửa, được Hội VHNT Quảng Nam tạc, dựng gần sát vị trí nơi anh Chu Cẩm Phong và 3 chiến sĩ khác đã chiến đấu và hy sinh vào ngày 1.5.1971, tại thôn Vinh Cường, xã Duy Tân. Mỗi lần ghé thăm, lại cảm thấy sức nóng của ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng nơi trái tim anh trong từng giờ sống của anh thêm hừng hực! Và bao giờ cũng vậy, trang nhật ký anh đề ngày 8.1.1970 - đúng vào dịp kỷ niệm 7 năm ngày anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, lại được anh em nhẩm đọc. Anh viết thế này: “Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, nhất là mẹ mình sẽ đau khổ đến chừng nào. Mình biết điều đó. Mình là con trai được cả nhà yêu thương... Nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình. Dũng cảm say sưa quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng HẠNH PHÚC lắm thay!”. Nhà văn Chu Cẩm Phong đã cố ý viết hoa từ HẠNH PHÚC.

Viếng mộ nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong tại Nghĩa trang liệt sĩ Hội An.
Viếng mộ nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong tại Nghĩa trang liệt sĩ Hội An.

Cách không xa bia tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong, là nơi yên nghỉ của nghệ sĩ múa Phương Thảo. Mộ của chị Phương Thảo nằm giữa một vạt rừng bạch đàn khá hoang vắng ở xã Duy Châu. Chị có sinh phần ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, nhưng theo nhà văn Hồ Duy Lệ, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam, trong một mối liên hệ tâm linh, người nghệ sĩ múa trẻ tuổi này chỉ muốn nằm lại với Duy Châu... Nghệ sĩ múa Phương Thảo hy sinh khi mới 23 tuổi, nên khi đến viếng, người trong giới văn nghệ thường chỉ dâng lên mộ chị những bó hoa màu trắng hoặc phớt hồng - trinh nguyên và trẻ trung, sôi nổi. Cũng trên đất Duy Xuyên, ở vùng đông, mộ của nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý cũng là nơi anh em văn nghệ thường ghé qua. Ngay trong tháng 3.1969, khi biết tin người vợ yêu thương của mình hy sinh, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết bài thơ “Bài thơ về hạnh phúc”, có 3 câu mở đầu đầy vỗ về và tin yêu, hy vọng: “Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi...”. Và đúng là trên mộ chị Xuân Quý, suốt bao nhiêu năm nay hoa vẫn nở suốt bốn mùa, với hồng, mẫu đơn và một vạt hoa mua; quanh đó còn có rì rào xanh những lúa, những rau, những bắp...

Đến thăm các bia tưởng niệm hay nơi yên nghỉ của các liệt sĩ là văn nghệ sĩ, thật cảm động khi hầu như lúc nào cũng bắt gặp những chân nhang mới. Ai đó khi tình cờ đi qua hay khi đi viếng mộ người thân đã “chia nhang” cho các anh, các chị. Riêng với mộ nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhang được thắp hằng ngày bởi anh Võ Bắc - người đã hiến một phần đất vườn nhà mình để xây mộ và bia tưởng niệm cho chị. Hay như ở bia tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong, hằng năm cứ vào dịp 27.7 và Tết Nguyên đán, anh em đoàn viên thanh niên xã Duy Tân lại cùng nhau quét vôi, dọn dẹp, sửa sang. Riêng phần hương khói ở đây thì đã có ông Nguyễn Bật sống gần đó tự nguyện chăm lo...

Những ngày này, anh em văn nghệ Quảng Nam lại đến viếng các văn nghệ sĩ - liệt sĩ đang yên nằm trên đất mẹ Quảng Nam. Đến, để lại thêm một lần nữa nghe lòng dâng lên bao niềm xúc động khi nhìn thấy những bó hoa ai đó vừa đặt xuống, còn tươi, và rất nhiều những chân nhang mới. Đến, để được nghe vang lên trong xa vắng những câu văn hào sảng, những lời thơ ấm nồng, những câu hát ngọt ngào... mà các anh, các chị đã đem đến cho cuộc đời này cùng cả tuổi thanh xuân sôi nổi của mình!...

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghe trong xa vắng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO