Nghề trùng tu di tích

SONG ANH - PHAN VINH 13/12/2015 10:05

Trùng tu di tích đang thật sự cần những người có tay nghề vững, không chỉ hiểu biết về kỹ thuật mà còn phải nắm vững các quy tắc phục chế. Và Quảng Nam đang thực hiện những bước đi mạnh mẽ trong việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ này.

Những người thợ di sản - được Quỹ Lerici cấp chứng chỉ hành nghề đang xem lại những mảng tường do họ thực hiện trùng tu ở nhóm tháp G. Ảnh: LÊ QUÂN
Những người thợ di sản - được Quỹ Lerici cấp chứng chỉ hành nghề đang xem lại những mảng tường do họ thực hiện trùng tu ở nhóm tháp G. Ảnh: LÊ QUÂN

Một khái niệm còn khá mới mẻ đối với những người thợ lành nghề tại các khu di sản văn hóa: hành nghề trùng tu di tích. Những “công nhân di sản” đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong hành trình bảo tồn di tích, phế tích trên địa bàn.

Công nhân di sản

Năm 2013, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư 18 quy định các tổ chức và cá nhân tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận, chứng chỉ hành nghề. Đây được coi là biện pháp “căn cơ” của nhà quản lý nhằm giảm tình trạng trùng tu tùy tiện, làm biến dạng, phá hỏng di tích tồn tại trong suốt nhiều năm. Và tại Quảng Nam, ngay từ khi Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (1999), đội ngũ những người thợ lành nghề được hình thành. Từ những người làm mộc, làm gạch gốm, xây dựng, qua trải nghiệm thực tế, họ dần dà “học” được kỹ thuật trùng tu một cách chuyên nghiệp.

Mạnh mẽ nhất phải kể đến Khu đền tháp Mỹ Sơn. Tại đây, đã có nhiều dự án được triển khai tại khu tháp E và F (giai đoạn 2002-2004), khai thông suối Khe Thẻ (2002-2005), trùng tu tháp E7 (2012-2013), trùng tu nhóm tháp G (2002-2012)… Tham gia các dự án này, hàng trăm lượt người dân địa phương vào làm công nhân trong tháp. Các lớp tập huấn do các tổ chức quốc tế mở ra và đối tượng hướng đến chính là người dân địa phương, trực tiếp thực hiện công tác trùng tu. Ông Nguyễn Giỏi, năm nay gần 45 tuổi, đã có 5 năm thực hiện công việc trùng tu nhóm tháp G cùng các chuyên gia của Ý, kể: “Thấy họ lấy dầu rái thay hồ vữa để tạo chất kết dính, rồi quan sát đến từng chi tiết nhỏ nhất của mảng tường gốc, mình mới thấy được họ yêu quý những cái tháp này chừng nào”.

Trong khuôn khổ dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn văn hóa tại Quảng Nam” sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của chính phủ Ý sẽ thành lập trung tâm đào tạo cho các cán bộ quản lý di sản văn hóa, chuyên gia, công nhân chuyên ngành trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Trong đó, xây dựng một phòng thí nghiệm về trùng tu các hiện vật kiến trúc khảo cổ,và sẽ đào tạo 120 học viên chuyên ngành trùng tu di sản… Bên cạnh đó, việc nâng cao điều kiện bảo tồn và bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng được đề cập trong dự án. Việc hỗ trợ và xúc tiến việc làm trên thị trường lao động cho nguồn nhân lực được đào tạo qua dự án này sẽ được giao cho Sở VH-TT&DL chịu trách nhiệm

Càng đi sâu vào công việc, những người thợ, vốn dĩ xuất thân từ những người nông dân của vùng đất Duy Hòa, Duy Phú càng thấy quý hơn những giá trị văn hóa trên đất quê mình. Hơn nữa, như lời anh Võ Thanh Dưỡng, cũng đã ngót nghét vài năm “làm thợ” cho các dự án này, chia sẻ: “Bọn tui là nông dân, hồi xưa biết mình ở trên đất văn hóa lâu đời, thấy có tháp thì biết là tháp Chăm, chứ có biết gì nữa đâu. Được mấy kỹ sư, chuyên gia người Việt, người nước ngoài hướng dẫn hành nghề, rồi bày cái này cái khác, mới hiểu được những tháp Chăm trên quê mình quý báu chừng nào”. Với những phát hiện khá lý thú trong lúc thực hiện công việc, như kiểu gặp nhiều mảng tường được người xưa xây trống rồi độn đầy gạch vỡ, bột gạch vào cho tiện. Những người thợ - nông dân kể rằng có nhiều mảng tường được hai nhóm thợ xây ở hai đầu, đến khi xây gần giáp lại thấy bị vênh, vậy là họ phải xây rút lại một phía để cho khớp mí (chỗ giáp nhau). “Phát hiện những điều đó thật lý thú. Như gần hơn với người xưa, hiểu tháp được phần nào...” - ông Nguyễn Giỏi nói.

Xuất phát điểm là nông dân, nhưng khi được tuyển chọn và tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề, qua quá trình làm việc, cọ xát, hiểu được những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học trùng tu, họ đã dần nâng cao tay nghề. Hơn 50 công nhân làng nghề trên địa bàn 3 xã Duy Phú, Duy Tân, Duy Hòa (địa phương giáp ranh Mỹ Sơn) đã được Quỹ Lerici (Ý) cấp chứng chỉ hành nghề, là nguồn lực vô giá cho tương lai khu di sản. Còn nhớ trong buổi lễ khai trương nhóm tháp G tại Mỹ Sơn, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cho rằng: “Nếu không có các bạn, công việc này không bao giờ có thể hoàn thành, nếu không có các bạn, công việc này không có mấy ý nghĩa”.  Hiện tại, đội ngũ này đang chuẩn bị mọi thứ để bắt đầu năm 2016, sẽ cùng các tổ chức quốc tế thực hiện trùng tu nhóm tháp A – nhóm tháp được coi là lớn nhất tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Truyền nghề… bảo tồn

Riêng tại Đô thị cổ Hội An, đội ngũ trực tiếp làm công tác bảo tồn, trùng tu các di tích phần lớn là những người dân làng nghề. Nhiều người cho rằng, Hội An may mắn khi có các làng nghề ở xung quanh khu vực đô thị cổ. Chính những nghệ nhân là thành tố quan trọng làm nên di sản kiến trúc hiện nay. Và cũng chính họ, góp phần gìn giữ quần thể kiến trúc này thông qua tay nghề của mình. “Đó là lực lượng cơ bản tham gia vào công tác trùng tu di tích Hội An. Và đặc biệt, các nghệ nhân này, thông qua các tổ chức quốc tế, cả trong nước và cả địa phương, được tập hợp, bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết của họ đối với sự cần thiết về mặt kỹ thuật trong công tác tu bổ di tích” - ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết.

Thực hiện trùng tu một công trình kiến trúc tại Hội An.
Thực hiện trùng tu một công trình kiến trúc tại Hội An.

Thông qua sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là với tổ chức của Nhật Bản, cùng với các chuyên gia Việt Nam, đội ngũ thợ lành nghề của Hội An có điều kiện nâng cao nhận thức và học hỏi thêm các kỹ thuật bảo tồn từ những người bạn Nhật này. Anh Trần Ngọc Hòa, bắt đầu làm thợ mộc từ năm 1987, qua sự truyền nghề của những thế hệ trong gia đình. Gần 30 năm nay, anh không nhớ mình đã thực hiện trùng tu cho bao nhiêu ngôi nhà cổ ở Hội An. “Nhà dọc đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú… đều có mình tham gia. Khi thì làm với chuyên gia Nhật Bản, lúc thì chuyên gia Việt Nam. Thực hiện trùng tu nhiều nhất phải kể đến giai đoạn từ năm 1999 - 2005” - anh Hòa chia sẻ. Hiện tại, Hội An có rất nhiều công ty tham gia công việc trùng tu di tích và họ gần như có đầy đủ đội ngũ chuyên nghiệp để làm như các công ty Kim An, Kim Châu hay Hưng Thái.

“Các công trình di tích Hội An được tu bổ hàng năm khá nhiều. Đội ngũ thợ hành nghề tu bổ di tích ở Hội An đã trưởng thành dần. Không chỉ là kiến thức truyền thống, bên cạnh đó họ còn áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới để giúp cho việc tu bổ di tích càng ngày càng đạt hiệu quả, mang tính khoa học hơn mà vẫn đảm bảo được yếu tố kỹ thuật là tính năng truyền thống”, ông Nguyễn Chí Trung nói thêm. Cũng theo ông, hiện nay điều đáng lo nhất là đội ngũ kế cận của những lớp thợ  - nghệ nhân này. “Các thế hệ lớp trước, đến tuổi họ cũng phải nghỉ; do đó trong quá trình làm, chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến việc truyền lại cho thế hệ sau để tiếp nối công việc tu bổ di tích. Bởi chắc chắn, công tác tu bổ di tích là việc trường kỳ, thường xuyên, lâu dài. Cho nên,việc truyền nghề hết sức quan trọng” - ông Trung nói. Đồng quan điểm này, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc đào tạo tay nghề cho những người thợ hành nghề “tu bổ di tích” là phần việc quan trọng nhất trong thời gian đến. “Cùng với các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án trùng tu di tích trong các khu di sản, thì chú trọng đến công tác đào tạo nghề cũng là yêu cầu chúng tôi đưa ra. Phải làm sao để những người dân - người thợ không chỉ làm việc với tình yêu vốn văn hóa đang hiện diện trên quê hương, mà còn biết cách tiếp thu và sử dụng hiệu quả các kiến thức khoa học để áp dụng vào các di tích trên quê hương mình” - ông Hài nói.

Di sản cha ông, nếu được giao lại cho những người thực sự có nghề, thì mới đủ niềm tin để nói rằng những di sản văn hóa này sẽ trường tồn và được kế thừa.

SONG ANH - PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề trùng tu di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO