Nghề truyền thống với chiều sâu văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người Hội An là tiềm năng du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm qua. Sự ra đời của các ngành nghề là biểu hiện sinh động của quá trình phát triển kinh tế thương nghiệp - ngoại thương ở Hội An hiện nay.
Theo các nguồn tư liệu, hoạt động nghề truyền thống ở thương cảng cổ này rất nhộn nhịp, với khoảng hơn 50 nghề tập trung vào 4 nhóm gồm: thủ công mỹ nghệ, dịch vụ khai thác, chế biến gia công và nhóm nghề đặc biệt. Việc bảo tồn và khai thác du lịch ở các làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế theo hướng giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, không gian sinh động của làng nghề để tạo thành điểm du lịch cho du khách hay trình diễn, giới thiệu các công đoạn, các sản phẩm của nghề may mặc, làm lồng đèn… là hướng đi đúng đắn và phát huy tốt hiệu quả.
Cảnh xe tơ dệt lụa ở Công ty Làng lụa Hội An.Ảnh: Đ.HUẤN |
Vài năm gần đây, hình ảnh những xa quay, nong tằm, khung dệt; bóng dáng những thôn nữ xe chỉ, luồn kim… trong khoảng không gian tằm tang quê cũ ở Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An hay trong khuôn viên Làng lụa Hội An là nét mới trong nỗ lực giới thiệu về nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải ở Hội An. Kề cận trong Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An, những dụng cụ đánh bắt nghề sông nước cũng luôn thu hút sự chú ý, tìm hiểu của du khách. Du khách thích tìm đến và lưu lại những làng nghề, những bảo tàng mini về nghề truyền thống này là muốn tìm đến để hiểu hơn những “câu chuyện về văn hóa nghề”, giúp họ hiểu biết sâu sắc về sản xuất, về giá trị sản phẩm kết tinh từ công sức, khả năng sáng tạo và tài khéo léo của người lao động. Theo ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty EMIC-Secrtary (Hội An), phải cố gắng giữ cho được các nghề truyền thống của người dân vì du lịch khám phá đời sống văn hóa là du lịch quan trọng nhất. Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế và các nghề may mặc, làm lồng đèn… ở Hội An những năm qua đã phản ánh rõ nét tiềm năng và thế mạnh văn hóa của các nghề truyền thống gắn với kinh tế du lịch.
Theo ý kiến của một nhà nghiên cứu văn hóa, khách du lịch nhất là khách phương Tây sống ở các nước phát triển, công nghiệp hóa đã lâu đời, ít có dịp ở nông thôn, càng không có cơ hội để hiểu biết về hoạt động tiểu thủ công nghiệp thời xa xưa nên nghề truyền thống cho họ những kiến thức sống động về lịch sử văn hóa bổ ích và thú vị. Ở xứ họ, hầu hết hàng hoá đều được sản xuất hàng loạt với các dây chuyền máy móc nên họ có tâm lý chuộng các sản phẩm thủ công do bàn tay khéo léo của con người làm ra từng sản phẩm một.
Hiện nay, TP.Hội An đang đẩy mạnh và khai thác tốt hiệu quả các làng nghề và hoạt động tại các làng nghề truyền thống, đặc thù. Đa dạng các sản phẩm dịch vụ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư kết hợp với khai thác các tour, tuyến du lịch làng quê sinh thái… để trình diễn, giới thiệu câu chuyện văn hóa nghề ở các vùng nông thôn, sông nước đặc trưng của Hội An như gieo lúa, trồng rau, tưới hoa, tạo thế cho cây, đan lưới, quăng chài, đánh cá trên sông… Mới nhất có lẽ là “Ngày hội cây quật cảnh xã Cẩm Hà” được tổ chức dịp giáp tết nguyên đán 2 năm gần đây. Từ thành công của 2 lần tổ chức, ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Tổ chức ngày hội cây quật cảnh thứ nhất là để khơi dậy giá trị truyền thống của làng hoa cây cảnh; thứ hai là tạo cơ hội giao lưu giữa các nghệ nhân trồng quật cảnh ở trên địa bàn xã Cẩm Hà cũng như các vùng lân cận Tân An, Thanh Hà, Cẩm Châu; thứ ba là đã tạo được sản phẩm du lịch mới đối với du khách kể cả du khách nước ngoài cũng như du khách trong nước đến tham quan các giá trị làng nghề hoa cây cảnh trong dịp tết”.
Những ngày đầu xuân Đinh Dậu, TP.Hội An đón nhận tin vui khi nghề mộc Kim Bồng và nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với đặc thù là đô thị thương cảng cổ xưa, nghề truyền thống ở Hội An còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa đặc sắc mà hiếm nơi nào có được. Đó chính là mối tương quan với “vẻ đẹp không trùng lắp” của quần thể kiến trúc đô thị cổ. Phát huy hiệu quả giá trị văn hóa các làng nghề và đầu tư phục hồi thành công hoạt động của một vài “phố nghề” dù chỉ là “thấp thoáng bóng dáng xưa” như: “phố thuốc bắc”, “phố kim hoàn”, “phố dịch vụ, hàng đặc sản”, nghề nhiếp ảnh ở Hội An… hy vọng “tiếng thơm” phố cổ còn sẽ vang xa hơn.
ĐỖ HUẤN