Nghề và nghiệp

01/03/2014 15:33

Nói về ngành y, có nhiều điều suy ngẫm với chữ nghề và nghiệp. Rõ, thầy thuốc  cũng là một nghề. Nghĩa là người làm nghề cũng phải mưu sinh; bác sĩ cũng phải lo cơm áo gạo tiền nuôi sống gia đình. Nhưng y đức, y đạo luôn nêu cao điều thiêng liêng thuộc về chữ nghiệp – cái nghiệp cứu người. Vì vậy, từ trước công nguyên, Hypocrates, một ông tổ của ngành y đã để lại lời thề sẽ liêm khiết trong khi hành nghề bác sĩ, sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo, không bao giờ đòi hỏi một sự thù lao quá đáng so với công sức đã bỏ ra. Còn ở Việt Nam, đầu thế kỷ 18, danh y Hải Thượng Lãn Ông đã ở lời răn: “Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem, đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà nghèo khổ mà đi sau”.

Nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, có nhiều tâm tư lại gợi lên mối quan tâm về điều kiện sống, thu nhập, và lý tưởng của những con người lựa chọn nghề chữa bệnh cứu người. Trong một bối cảnh có nhiều bức xúc vì những hiện tượng vô cảm, thậm chí tắc trách gây sự cố chết người, ngành y tế đang phải đối mặt với sự phán xét về đạo đức. GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, một trong những căn nguyên dẫn đến sự xuống cấp đạo đức của người thầy thuốc là do động cơ mưu sinh làm giàu. “Dùng nghề thầy thuốc với động cơ làm giàu thì cực kỳ tai hại. Nếu như vậy, anh sẽ mong người ta ốm nhiều và làm giàu trên sự đau ốm của người khác”- GS Phạm Mạnh Hùng trăn trở. Quả thật, giao cho cơ sở y tế tự chủ, một mặt nào đó khiến người thầy thuốc phải kiếm kế mưu sinh vì lương thấp. Một khảo sát của Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết, mức thu nhập bình quân trong toàn ngành của nhân viên y tế chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Mỗi bác sĩ ra trường được nhận vào làm việc chính thức ở một bệnh viện lớn (sau 8 năm học) chỉ thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng. Tình trạng “chảy máu bác sĩ” từ bệnh viện công qua cơ sở tư, hay mở phòng khám riêng, chạy từ đồng bằng về thành phố, cũng một phần vì lý do đó. Cũng vì vậy bác sĩ về tuyến y tế cơ sở còn ít. Quảng Nam cũng không ngoại lệ, hiện chỉ có khoảng 50 bác sĩ làm việc ở tuyến xã, tỷ lệ xã có bác sĩ chỉ gần 20%.

Đứng trước trăn trở về sinh kế của những người thầy thuốc, xã hội cần có cái nhìn cảm thông với áp lực mà họ phải gánh. Tuy nhiên, lựa chọn cái nghề thầy thuốc là mang lấy nghiệp cứu người. Một phút nào đó người thầy thuốc lơi lỏng điều tâm niệm ấy thì cái giá phải trả không thể đo đếm được vì liên quan sinh mạng con người. Danh dự người thầy mà đời tôn vinh nếu không được coi trọng thì sẽ hóa ra tầm thường, thậm chí bất lương. Trở lại với những nhận xét của Hải Thượng Lãn Ông cách đây hơn hai thế kỷ, tưởng như vẫn còn câu chuyện thời sự để  suy ngẫm, rằng “Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân người bệnh ốm nặng, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được; hay đối với người giàu sang quyền quý thì ân cần để tính lợi, với người nghèo túng thì lạnh nhạt coi thường, như vậy là bất lương, coi nghề làm thuốc cũng như nghề buôn bán là không được...”.

BẢO TRÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề và nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO