Ngoài các văn nghệ sĩ (VNS) là nhà báo chuyên nghiệp, hiện có khá nhiều VNS chưa từng được cấp thẻ nhà báo, không sinh hoạt ở một cơ quan báo chí nào nhưng lại viết báo khá “thuận tay”. Sự góp mặt của họ đã góp phần làm cho đời sống báo chí thêm màu sắc và sinh động...
Những trải nghiệm buồn vui
Trong số những VNS viết báo (không chuyên) ở Quảng Nam, có lẽ nhạc sĩ Phan Văn Minh là người hiểu rõ nhất vì sao nghề báo được gọi là “nghề nguy hiểm”. Cách đây hơn 30 năm, khi đang làm nghề dạy học ở Trà My, vì không đồng tình với kiểu làm ăn mang tính “ban phát”, lộng quyền của một số công nhân ở trạm cấp điện của huyện, anh đã viết một mẩu ý kiến phê bình ngắn gửi đăng ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) dưới bút danh A.C. Tuy đã cẩn thận “ẩn danh” như vậy, nhưng chỉ một buổi sau khi báo ra, anh đã phải... chạy trốn khi có 3 công nhân của trạm điện tìm đến khu tập thể nơi anh ở đòi “làm thịt thằng A.C”. Anh kể: “Không thể nào biết được ai đã khai ra “thằng A.C” là tôi. Khổ là suốt cả tuần sau đó, tôi không dám ló mặt ra đường, mắt lúc nào cũng dớn dác ngó chừng ra phía cổng coi có kẻ nào đến kiếm chuyện hay không...”.
Nguyễn Đức Dũng và Nguyễn Cường “chia sẻ thông tin” trong một chuyến đi thực tế ở Núi Thành.Ảnh: P.C.A |
Còn với nhà giáo làm thơ Nguyễn Văn Cường, việc “dính” vào “nghiệp” báo xuất phát từ một lý do khá xúc động. Khi mới từ quê nhà Tiên Phước lên nhận công tác ở Đông Giang, thấy học sinh ở đây nghèo quá, thiếu cả cơm ăn, áo mặc, sách vở, anh bèn viết một bức thư gửi cho báo Dân Trí “kể khổ” giùm các em. Sự việc anh nêu được báo đăng; nhiều tấm lòng nhân ái đã tìm về với các em học sinh nghèo nơi đây... Vậy là từ đó trở đi, anh “chăm chỉ” viết lách hơn, trở thành một trong những cộng tác viên tích cực của các tờ báo ngành giáo dục. Biết và trân trọng những việc mà Nguyễn Văn Cường đã làm, nhiều thầy cô giáo, phụ huynh học sinh ở Đông Giang lại gọi anh bằng cái tên thân mật “thầy Cường nhà báo”. Cường nói vui: “Nghe vậy, tự nhiên thấy “oai”, thấy “sang” hẳn lên...”.
Trong khi đó, với Phạm Thông, kỷ niệm đáng nhớ là câu nói không rõ là khen hay chê của một người bạn: “Trời đất, đã thơ với thẩn rồi chừ lại còn thêm báo với chí nữa à!”. Còn với Nguyễn Hải Triều, vui nhất là chuyện viết báo hình như rất dễ được thiên hạ “nhận diện”. Anh bảo, mấy mươi năm làm thơ, vậy mà nhiều người vẫn không biết anh làm thơ. Thế nhưng mới có vài bài báo được đăng, ra đường đã có người kêu: “Ê, đi đâu đó... nhà báo!”.
Lấp lánh nghề văn nghiệp báo
Với nhiều VNS, viết báo là một trải nghiệm quý giá, giúp họ tích lũy thêm vốn sống để đi tiếp con đường văn chương xa tít và lắm chông gai. Và trên thực tế, từ báo chí, nhờ báo chí và cùng với báo chí, khả năng sáng tạo văn chương của nhiều người đã thật sự... lên tay. Ví như Phạm Thông, nhờ những chuyến đi cơ sở dài ngày để tìm tư liệu viết báo, anh đã phát hiện ra được một số con người “có tầm vóc của nhân vật văn học”. Chừng 3 năm trở lại đây, hàng chục con người như thế đã được anh khắc họa chân dung trong những bút ký văn học chân thực và sống động. Hay như nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tấn Vịnh, một số bộ ảnh và rất nhiều tấm ảnh đơn nghệ thuật của anh được chụp tình cờ khi anh đi viết báo. Còn với Phùng Tấn Đông, ngoài thơ, khả năng viết các dạng bài ở thể ký nơi anh đã phát lộ rõ và mạnh mẽ hơn kể từ khi anh được một số tờ báo đặt hàng viết bài. Cũng từ đó, trong mảng đề tài chung quanh các vấn đề về văn hóa được phản ánh trên các mặt báo và cả trên sóng phát thanh, truyền hình thời gian gần đây, Phùng Tấn Đông đã là một cái tên có dấu ấn.
Ngoài những lý do và những cách tiếp cận với nghề báo như đã kể, một số VNS viết báo là vì “có những thứ không thể tải hết vào văn chương nghệ thuật được”. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể, sau nhiều chuyến đi điền dã để khảo tả hiện vật hay tìm kiếm tư liệu chuyên ngành, anh đã phát hiện ra những vấn đề thú vị mà “nếu không nói trên báo thì không biết nói với ai, mà bỏ qua thì uổng”. Thế là anh viết báo! Tương tự, hai tác giả thơ Nguyễn Đức Dũng và Nguyễn Tấn Cả cho biết, thỉnh thoảng họ cũng viết báo vì nhận thấy có những chuyện không nói ra thì ấm ức mà cũng không thể “chuyển hóa” thành thơ được! Cũng vậy, nhạc sĩ Phan Văn Minh đã từng có một thời nổi danh trên báo Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) với những bài viết châm biếm, đả kích dưới bút danh Đ.Q. Anh bảo, với những chuyện trái tai gai mắt ở đời, đưa vào nhạc thì không thể, chỉ có thể dùng làm chi tiết cho truyện và tốt nhất là viết thành những bài báo. Cũng từ những trải nghiệm sau hơn 30 năm viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc và viết báo, bây giờ Phan Văn Minh đang được Tạp chí Đất Quảng mời giữ mục “Trà dư tửu hậu” - một chuyên mục có lượng người đọc cao nhất và cũng thường nhận được nhiều góp ý khen chê nhất...
PHAN CHÍ ANH