Nghề vót nan tre

KHÁNH LINH 21/01/2015 09:01

Gần 10 năm nay người dân tổ 3, thôn Bồng Lai (Điện Minh, Điện Bàn) có thêm một nghề mới là vót nan tre cung cấp cho các cơ sở làm lồng đèn tại TP.Hội An.

Nghề vót nan tre làm lồng đèn mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: V.LỘC
Nghề vót nan tre làm lồng đèn mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: V.LỘC

Ông Lê Vĩnh Cúc, một trong những người đầu tiên đưa nghề vót nan tre từ Hội An về Bồng Lai nhớ lại, ý tưởng trên xuất hiện với ông cách đây khoảng hơn 10 năm. Nhân một lần xuống Hội An, nhìn thấy người dân nơi đây cặm cụi vót nan làm lồng đèn, công việc vừa nhẹ nhàng lại thu nhập khá, ông nghĩ quê mình nhiều tre, người dân rảnh rỗi lúc nông nhàn nên quyết định đưa nghề này về làng. Sau khi nhận mẫu mã theo yêu cầu của các cơ sở lồng đèn, ông Cúc mang về mày mò chọn tre, cưa vót. Khi yêu cầu về số lượng hàng cao hơn ông đứng ra thu mua tre cây, hướng dẫn người dân trong thôn kỹ thuật cưa vót để mang về nhà gia công, sau đó ông nhận lại nan tre và cung cấp cho các cơ sở lồng đèn Hội An. “Ban đầu người dân chưa nắm chắc kỹ thuật nên nan không đạt chất lượng bỏ đi rất nhiều, mình thì mất tre còn người dân thì mất công cũng vất vả lắm, phải thời gian sau mới ổn định” - ông Cúc kể.

Đến nay, riêng tại cơ sở của ông Cúc đã có khoảng 20 hộ dân đến nhận hàng về làm mỗi ngày với tiền công hàng tháng mỗi người hơn 3 triệu đồng, có trường hợp thu nhập đến 4 - 5 triệu. Ngoài ông Cúc, còn có cơ sở ông Lê Vĩnh Tiết và nhiều hộ nhỏ lẻ khác cũng đứng ra nhận mối cung cấp hàng cho các xưởng lồng đèn ở Hội An. Chị Lê Thị Bích Vân, người dân thôn Bồng Lai cho biết, từ khi tham gia công việc vót nan lồng đèn, cuộc sống gia đình chị đỡ hơn rất nhiều. Mỗi ngày chị Vân vót được khoảng một nghìn nan, tùy kích thước (20cm - 120cm) chị có thể kiếm được 100 - 400 nghìn đồng. Đặc biệt, công việc không cần đầu tư nhiều lại thong thả, rảnh đâu làm đó nên có thể tranh thủ thời gian lo cho gia đình. Theo người dân nơi đây, từ khi xuất hiện nghề đan vót tre, trong làng ai cũng có thể làm ra tiền, từ học sinh, sinh viên nghỉ hè ở nhà đến phụ nữ, đàn ông, nhiều gia đình thoát nghèo cũng nhờ một phần nguồn thu từ công việc này.

Ông Lê Vĩnh Cúc cho biết, nghề vót tre đã thực sự mang lại sinh kế, giúp giải quyết công ăn việc làm ổn định cho đa số người dân trong tổ. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của ông thu gom nan vót từ các hộ dân để cung cấp cho các xưởng lồng đèn tại Hội An như Thảo Quỳnh, Hà Linh, Minh Hiền với số lượng bình quân khoảng 16 nghìn nan. Đặc biệt, gần 5 năm nay ông còn xuất hàng ra tận Hà Nội và vào TP.Hồ Chí Minh, mỗi chuyến 30 - 40 nghìn nan. “Nói thật, chúng tôi cũng rất cám ơn du lịch ở Hội An. Vì nhờ có khách du lịch đến đây tham quan mua lồng đèn mới có công việc làm thêm này để đỡ khổ chứ ở đây biết làm chi ngoài vài sào ruộng đất” - ông Cúc tâm sự.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề vót nan tre
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO