Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được thiên nhiên ưu ái ban tặng, từ cảnh vật và cả văn hóa con người xứ đảo; từ rừng đến biển hình thành đa dạng sinh học hiếm có… Thế nhưng du lịch Cù Lao Chàm vẫn “nghèo” dịch vụ.
Chậm thay đổi
Từ khi du lịch Cù Lao Chàm phát triển mạnh đến nay đã 20 năm. Nhìn lại chặng đường dài của du lịch Cù Lao Chàm là thấy những con số tăng trưởng khá ấn tượng theo từng năm, từ lượng khách, doanh thu tiền vé và cả doanh nghiệp cùng phương tiện… (trừ những năm ảnh hưởng dịch COVID-19).
Từng có mùa cao điểm, mỗi ngày xứ đảo đón đến 8 nghìn lượt khách. Lượng khách cao sợ phá vỡ không gian, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ cũng như uy tín thương hiệu Cù Lao Chàm, TP.Hội An giới hạn mỗi ngày các doanh nghiệp chỉ được đón khoảng 3 nghìn lượt du khách ra đảo.
Ai đã từng đi du lịch Cù Lao Chàm, nay trải nghiệm lại chắc chắn sẽ gặp... sản phẩm cũ. “Cách đây 20 năm gia đình tôi tham gia dịch vụ du lịch Cù Lao Chàm, nay trở lại cũng vẫn các sản phẩm cũ xưa, vẫn theo lối mòn lâu nay” - anh Nguyễn Văn Thiện, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết.
“Tôi thấy tiếc cho du lịch Cù Lao Chàm, ở đây có 40 doanh nghiệp, khoảng 80 phương tiện cao tốc. Lực lượng đông đảo như vậy nhưng bao nhiêu năm nay các sản phẩm du lịch ở đảo chưa có gì mới” - ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
Ông Sơn cũng cho rằng tiềm năng du lịch Cù Lao Chàm rất dồi dào nhưng các doanh nghiệp không tìm cách khai thác để làm mới và đa dạng sản phẩm, cũng như đáp ứng nhu cầu khám phá vẻ đẹp tự nhiên xứ đảo với du khách.
Thiếu nhạc trưởng
Từ năm 2016, các doanh nghiệp hoạt động tour tuyến Cù Lao Chàm liên kết thành lập Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm. Theo đó, các doanh nghiệp chia phiên cùng hoạt động rất bài bản, tránh được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, xóa bỏ nạn cò mồi, chèo kéo khách, hạ giá tour… Đặc biệt, các doanh nghiệp cùng nhau thống nhất được một mức giá vé, hầu hết đều có lãi. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Nhằm tạo điều kiện cho du lịch Cù Lao Chàm đa dạng sản phẩm dịch vụ thu hút du khách, UBND TP.Hội An cho phép mở thêm dịch vụ mới như đưa du khách đến tham quan và thưởng thức yến sào tại hang; cho phép khai thác suối Tình làm nơi nghỉ dưỡng, tour tham quan quanh đảo, đêm Cù Lao, ngắm hoàng hôn, ngắm bình minh… Thế nhưng, quá trình hoạt động của Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm không hiệu quả nên các kế hoạch nêu trên không được triển khai.
Đến nay Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm có đến 40 doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực nhận trung chuyển khách chủ yếu, chưa có doanh nghiệp nào lữ hành. Hầu hết chỉ đưa ra giá tour bán cho các khách sạn, các công ty lữ hành du lịch, số còn lại phụ thuộc vào hệ thống taxi… Từ đó chia lợi nhuận từ các phía và luôn bị đối tác ép giá. Để có khách, các doanh nghiệp tự hạ giá, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh...
“Đến Cù Lao Chàm thích nhất vẻ đẹp hoang sơ, môi trường sạch sẽ, nước biển trong mát. Nhưng với tour quá ngắn nhưng giá lại quá cao, trong khi đó chưa thưởng lãm và khám phá đời sống của người dân thì quá tiếc” - chị Nguyễn Thị Duyên, du khách đến từ Đà Lạt chia sẻ.
Hiện nay, tour ra đảo Cù Lao Chàm chưa có sản phẩm gì mới. Chỉ có duy nhất tour lặn biển của Hải Bàn là sản phẩm đặc trưng. Còn lại tour nào cũng trùng lặp nhau. Có nghĩa tiếp nhận rồi đưa khách ra đảo, đi tham quan khu bảo tồn biển, qua giếng cổ, lên chùa Hải Tạng, ngược về bãi biển, ra tắm biển ngắm san hô, về bãi biển ăn trưa rồi về lại đất liền.
“Tôi cho rằng, thời gian tới các doanh nghiệp phải mạnh dạn thay đổi, phải mở thêm nhiều sản phẩm mới, nếu không chúng ta chịu thua ngay trên sân nhà. Bởi hiện nay, đảo Lý Sơn cũng cho phép tàu từ Đà Nẵng đưa khách ra tham quan” - ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói thêm.