“Cho vay tiêu dùng cá nhân không thế chấp, không bảo lãnh, thủ tục đơn giản, nhanh chóng” hoặc “cho vay tiêu dùng trả góp không cần tài sản đảm bảo”…, ấy là những thông tin trên quảng cáo, trên tờ rơi của một số ngân hàng ở Quảng Nam trong thời gian gần đây.
Với khách hàng vay dài hạn, một số ngân hàng còn có chương trình ưu đãi lãi suất trong thời gian đầu, có ngân hàng ưu đãi lên đến 12 tháng. Tuy nhiên, dù thủ tục đơn giản đến mấy, khách hàng cũng cần phải được tư vấn và đọc kỹ các điều khoản trước khi đặt bút ký hợp đồng với ngân hàng. Trên thực tế, đã xảy ra một số trường hợp do không đọc kỹ hợp đồng, một số khách hàng muốn trả nợ trước hạn đã bị phạt (vừa bị phạt tiền trả trước theo hợp đồng đã ký kết, vừa bị phạt do được hưởng ưu đãi lãi suất). Các ngân hàng gọi tiền này là “phí trả trước hạn”. Mức trả phí trước hạn cao hay thấp tùy thuộc vào quy định từng ngân hàng. Có ngân hàng tính phí trả trước hạn trên tổng số dư nợ còn lại, có ngân hàng tính trên tổng số tiền trả trước.
Phí trả trước hạn đã được Ngân hàng Nhà nước quy định, cụ thể là tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức phí phải trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn. Điều này hoàn toàn phù hợp thực tế. Nhưng do không được tư vấn đầy đủ khi vay vốn nên nhiều khách hàng không biết quy định này. Đến khi khách hàng có một số tiền lớn, muốn tất toán sớm hơn thời hạn ghi trong hợp đồng thì mới vỡ lẽ và bị phạt. Về lãi suất cho vay có lẽ cũng là điều mà nhiều khách hàng cần quan tâm. Có trường hợp mới nghe qua tưởng lãi suất hấp dẫn với mức dưới 10%/năm nhưng do không đọc kỹ hợp đồng, đến khi trả lãi, khách hàng biết là ngân hàng không tính theo dư nợ giảm dần mà lại tính theo dư nợ ban đầu thì đã muộn. Tính ra, số tiền lãi khách hàng phải trả cao hơn với mức lãi 11-12%/năm nếu tính theo dư nợ giảm dần.
Ở khía cạnh khác là việc bán hàng trả góp, nếu không tính toán kỹ, khách hàng cũng dễ bị trả tiền với lãi suất đôi khi còn cao hơn cả lãi ngân hàng. Với những lời quảng cáo hấp dẫn “chỉ cần 11 nghìn đồng mỗi ngày, bạn đã có ngay điện thoại thông minh”, hoặc “sở hữu máy tính xách tay với 300 nghìn đồng/tháng”, nhiều khách hàng không tỉnh táo hoặc không có điều kiện, sẽ rơi vào “bẫy” của các công ty bán hàng trả góp. Có khi khách hàng phải trả đến 6 triệu đồng cho một chiếc điện thoại chỉ có giá 4 triệu nếu không trả góp (dù phí trả góp hằng tháng chỉ vài ba trăm nghìn đồng).
Có lẽ vì vậy nên không phải ngẫu nhiên mà Công ty TNHH Tài chính PPF Việt Nam (Home Credit) tổ chức chương trình tư vấn kiến thức tài chính tiêu dùng mang tên “Nghĩ càng kỹ, ký khôn ngoan”. Chương trình này được tổ chức tại các chợ truyền thống và siêu thị tại 6 tỉnh, thành phố: Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Đắk Lắk, Huế, Đà Nẵng. Tại đây khách hàng đã được tư vấn tại chỗ những kiến thức liên quan đến vay tiêu dùng cá nhân, vay trả góp. Quảng Nam tuy không thuộc phạm vi tổ chức của chương trình này nhưng với quan niệm “bút sa, gà chết” nên khách hàng cần luôn thận trọng và thỏa thuận với ngân hàng trước khi ký hợp đồng.
CHÂU NỮ