Nghị định 159 của Chính phủ trên lĩnh vực hoạt động báo chí, xuất bản: Tạo điều kiện tác nghiệp và nâng cao đạo đức nghề báo

L.VŨ 25/11/2013 13:43

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này là 100 triệu đồng; có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt cá nhân (áp dụng đối với Chương II).

 Nghị định 159 của Chính phủ trên lĩnh vực hoạt động báo chí, xuất bản có nhiều điều khoản tạo điều kiện tác nghiệp và nâng cao đạo đức nghề báo.Ảnh minh họa.
Nghị định 159 của Chính phủ trên lĩnh vực hoạt động báo chí, xuất bản có nhiều điều khoản tạo điều kiện tác nghiệp và nâng cao đạo đức nghề báo.Ảnh minh họa.

Theo nghị định, trong lĩnh vực báo chí, vi phạm quy định về giấy phép bị phạt tiền từ 3 triệu - 100 triệu đồng. Cụ thể, phạt từ 1 - 3 triệu đồng nếu cho người khác mượn Thẻ Nhà báo để hoạt động báo chí, sử dụng Thẻ Nhà báo của người khác để hoạt động báo chí, sử dụng Thẻ Nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa, hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí... Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí. Đặc biệt, nghị định có nhiều quy định tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm báo thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp, trong đó, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí bị phạt từ 5 - 30 triệu đồng. Theo đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phạt từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng nếu uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

So với quy định hiện hành, điểm mới của Nghị định 159 là quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định… Như vậy, Nghị định 159 đã bổ sung việc “không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” vào nhóm hành vi phải chịu chế tài, tuy nhiên mức phạt tiền với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin lại giảm đáng kể (mức hiện hành từ 1 - 3 triệu đồng). Nghị định 159 cũng quy định xử phạt mức 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn hoặc không đúng thông tin do người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp; cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí...

Tuy nhiên, cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt liên quan đến sai phạm và đạo đức người làm báo, như cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng với hành vi không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; không ghi rõ họ tên thật hoặc bút danh của tác giả; sử dụng tin bài để đăng, phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả... Phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng (nếu gây ảnh hưởng “rất nghiêm trọng” sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng), miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh; đăng, phát thông tin truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia... Đối với các cá nhân lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân, hoặc có hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi, ngoài bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng còn buộc thu hồi thẻ nhà báo. Phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng với hành vi đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc... Với hành vi hoạt động báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định, làm giả giấy phép hoạt động báo chí, sử dụng giấy phép giả để hoạt động báo chí... phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định rõ ràng mức phạt đối với vi phạm về cải chính trên báo chí. Trong đó, phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với hành vi thực hiện cải chính không đúng diện tích, thời lượng, cỡ chữ; phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi cải chính không đúng quy định. Đối với các hành vi không thực hiện cải chính theo quy định; không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung thông tin đã đăng, phát sai sự thật trên báo chí bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt, Nghị định 159 còn quy định tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đã gây ra và phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014 thay thế Nghị định số 02/2011/NĐ-CP, ngày 6.1.2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

L.VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghị định 159 của Chính phủ trên lĩnh vực hoạt động báo chí, xuất bản: Tạo điều kiện tác nghiệp và nâng cao đạo đức nghề báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO