Nghị định 49 của Chính phủ: Tạo hành lang pháp lý loại bỏ sim rác

TRẦN BÍCH LIÊN (thực hiện) 03/07/2017 08:47

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành được xem là công cụ hữu hiệu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước, “triệt tiêu” sim rác, tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông… Đề cập những nét mới của Nghị định cũng như sự vào cuộc của Sở Thông tin & truyền thông (TT&TT) trong thực thi nhiệm vụ, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT&TT chia sẻ:

Nghị định 49 ra đời sẽ giúp loại bỏ sim rác (ảnh minh họa). Ảnh: B.L
Nghị định 49 ra đời sẽ giúp loại bỏ sim rác (ảnh minh họa). Ảnh: B.L

Cho tới nay, dù đã có nhiều văn bản luật tạo cơ sở, hành lang pháp lý khá đầy đủ về quản lý thông tin thuê bao trả trước (TBTT) như Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT về quản lý TBTT. Song, số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) mới đây cho thấy, trong tổng số 126 triệu thuê bao hiện hành cả nước, TBTT chiếm tới 95%; đáng nói, có hơn 75% là thuê bao trong số này có thông tin không chính xác, tương đương khoảng 80 triệu thuê bao. Điều này chứng tỏ, “kẽ hở” tạo điều kiện cho sim kích hoạt sẵn, sự lỏng lẻo trong ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp viễn thông (DNVT) vẫn còn, mức xử phạt các đơn vị, cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Nghị định 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Ngay khi Nghị định 49 ra đời, Bộ TT&TT đã yêu cầu các DNVT di động phải xây dựng ngay hệ thống kiểm soát nội bộ, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tự động hóa trong việc cập nhật, rà soát lại thông tin thuê bao; thường xuyên tập huấn cho các nhân viên giao dịch tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như sớm lên kế hoạch cụ thể về việc đăng ký lại thông tin thuê bao, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu của Cục Viễn thông định kỳ theo tháng, theo quý…

*Những điểm mới của Nghị định 49 (sau đây gọi tắt là Nghị định) về quản lý TBTT lần này?

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên: Nghị định lần này có 10 quy định quan trọng mà những nghị định trước chưa đề cập. Đó là thống nhất nơi bán sim và đăng ký thông tin thuê bao; không còn đại lý bán sim; bỏ bản khai đăng ký thông tin thuê bao; bỏ lưu trữ bản giấy; không hạn chế số lượng sim nhưng phải đủ thông tin thuê bao và chính chủ; DNVT có quyền cắt hợp đồng đối với thuê bao không cung cấp lại thông tin thuê bao. Đó là, bổ sung điểm cung cấp dịch vụ viễn thông di động và chỉ doanh nghiệp được làm điểm ủy quyền. Nghị định cũng chỉ rõ, DNVT di động phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được ủy quyền. Theo đó, tăng mức xử phạt doanh nghiệp viễn thông nếu để xảy ra sai phạm; bổ sung hành vi và đối tượng phạt.

Điểm mới về quy định xử phạt hành chính tại Nghị định 49 đã chỉ rõ đối tượng vi phạm. Có thể thấy, trong 36 hành vi quy định xử phạt có 27 hành vi chỉ rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm là DNVT di động. Mức phạt được điều chỉnh linh hoạt và tăng tối đa lên tới 200 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm, chứ không bị quy định thành khung “cứng” như Nghị định số 174/2013/NĐ-CP hay hầu hết nghị định khác.

* Sở TT&TT đã và sẽ vào cuộc đối với TBTT theo tinh thần Nghị định 49 như thế nào?

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên: Nghị định ra đời thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, Bộ TT&TT cũng như của các Sở TT&TT, DNVT trong việc chấn chỉnh một cách bài bản công tác quản lý thông tin TBTT. Đây là một nghị định rất đặc biệt về chuyên đề quản lý thông tin TBTT, sửa đồng thời 2 nội dung là Điều 15 của Nghị định 25 và Điều 30 của Nghị định 174; góp phần lành mạnh hóa, an toàn hóa môi trường viễn thông, công nghệ thông tin.

Trong tháng 5.2017, Sở TT&TT đã có văn bản chỉ đạo các DNVT tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung được quy định tại Nghị định 49; phổ biến, tuyên truyền đến các điểm bán, đại lý và toàn bộ hệ thống kinh doanh, cửa hàng giao dịch của doanh nghiệp về nội dung của nghị định. Sở cũng đã đề nghị các đơn vị báo, đài tăng cường thời lượng đăng, phát tin, viết bài tuyên truyền các quy định mới của pháp luật tại Nghị định số 49 này; đồng thời tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình quản lý, sử dụng, mua bán, lưu thông sim di động.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền các quy định mới trong Nghị định cũng như những nội dung mới sửa đổi đến doanh nghiệp, đại lý, các đơn vị, cá nhân…

* Việc thực thi Nghị định 49 trên thực tế có gặp khó khăn gì, thưa bà?

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên: Nghị định 49 đặt ra những nhiệm vụ rất cụ thể cho công tác quản lý thông tin TBTT. Cụ thể, thời gian chuyển tiếp của Nghị định là 3 tháng và trong thời gian này các DNVT di động phải tổ chức lại một cách căn bản hệ thống phân phối, quản lý các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động. Trong vòng 12 tháng, phải hiệu chỉnh lại toàn bộ cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có gần 1,2 triệu thuê bao của 5 nhà mạng di động. Như vậy, các nhà mạng sẽ phải tổ chức rà soát lại thông tin của tất cả thuê bao này. Hiện nay, cái khó nhất của việc thu thập dữ liệu thông tin thuê bao là chụp ảnh cá nhân, đối với thuê bao đăng ký mới thì không khó, nhưng với các thuê bao đang hoạt động thì cần phải có hướng dẫn cụ thể của Bộ TT&TT. Đồng thời, các cơ quan quản lý và nhà mạng di động phải triển khai quyết liệt đồng bộ, đưa ra lộ trình cụ thể, thực hiện truyền thông sâu rộng để các chủ thuê bao hiểu được ý nghĩa của vấn đề này và có sự hợp tác với doanh nghiệp.

* Theo đánh giá của Sở TT&TT, DNVT Quảng Nam đã hưởng ứng, chấp hành các quy định của Nghị định 49 như thế nào?

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên: Ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 49, các DNVT di động cam kết thực hiện nghiêm túc Nghị định, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo Nghị định, Sở TT&TT được quyền truy cập vào hệ thống kiểm tra thông tin thuê bao trong trường hợp cần thiết, vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ phía DNVT. Sở TT&TT cũng sẽ phối hợp với Bộ TT&TT trong việc hậu kiểm, tăng cường giám sát, tránh tình trạng nhà mạng này làm quyết liệt nhưng nhà mạng khác thì buông lỏng.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

TRẦN BÍCH LIÊN (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghị định 49 của Chính phủ: Tạo hành lang pháp lý loại bỏ sim rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO