Nghĩ khác

PHAN VĂN MINH 16/07/2017 08:52

Một bữa cúng kính, mẹ bảo cô con gái út bưng các thứ “lễ vật chi nghi” bày lên mâm cúng ngoài sân. Cô xếp nải chuối quay bề lõm ra phía ngoài còn con gà lại quay đầu ra phía trước. Mẹ nhắc: “Quay ngược lại con! Heo quay ra, gà quay vô” – “Sao vậy mẹ? Con thấy xếp thế này trông ấn tượng hơn mà!” - “Cứ làm thế đi! Xưa bày nay bắt chước”.

Một thành phố được tạc từ những khối băng. Nguồn: Internet
Một thành phố được tạc từ những khối băng. Nguồn: Internet

Câu này, người Việt mình thường nhắc nhau mỗi khi làm một việc gì mà chưa hiểu rõ tại sao phải làm như thế. Có lẽ nhờ vậy mà nhiều phong tục tập quán qua hàng nghìn năm vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng từ đó mà có những kinh nghiệm sản xuất, những cách ứng xử với cuộc sống và kể cả những phong tục tập quán đã bị “đóng đinh” quá lâu trong tâm thức cộng đồng nên không ai dám thay đổi. Một trong các dẫn chứng điển hình nhất là thói quen chọn ngày, xem tuổi. Dường như cứ 100 người thì đã có tới 99 người theo lề thói này mỗi khi khởi sự làm bất cứ việc gì, từ những chuyện “đại sự” như xây nhà, cưới hỏi, tang ma… cho đến những việc nhỏ nhặt như đục một cái thang tre hay kê một chiếc kiềng 3 chân trong nhà bếp. Đi nhờ một ông thợ hồ xây cho cái chuồng gà, ông hỏi: “Coi ngày chưa?” – “Chuồng gà mà cũng chọn ngày sao?”- “Giỡn chú! Trúng ngày sát chủ, bà xã chú lui cui trong chuồng rủi xà gồ rơi xuống gãy cổ thì ai chịu cho?”. Vậy đó, không tin cũng phải theo. Theo các loại sách “Lịch vạn sự”, trong một tháng âm lịch đã có quá nhiều ngày kỵ, nào là những ngày “Tam nương sát” như mùng 3, 7, 13, 18, 22, 27; nào là các ngày “Nguyệt kỵ” vốn đã lưu truyền thành ca dao: “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn”; rồi lại còn các ngày “Dương công kỵ nhật”, ngày “Sát chủ”, ngày “Thọ tử”…, chỉ nghe cái tên thôi cũng đủ ớn, ai dám ngang bướng làm liều! Nhưng hỏi: “Tại sao những ngày đó lại xấu đến vậy?”. Câu trả lời đơn giản nhất vẫn là… “Hơi đâu mà hỏi. Cứ xưa bày nay bắt chước”(!).

Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa các nền văn hóa Đông - Tây là thói quen “nghĩ khác” và thái độ thừa nhận của cộng đồng trước những thứ “không giống ai”. Lịch sử của nền văn minh cận - hiện đại đã cho thấy hầu hết phát minh quan trọng đều xuất hiện từ phương Tây. Từ hồi còn bé tí, nhà phát minh Thomas Edison đã nghĩ đến việc dùng thân mình để thử… ấp trứng gà. Tuy không thành công bởi thân nhiệt con người thấp hơn gà mái đến 40C, nhưng từ cách “nghĩ khác” đó mà sau này con người biết cách ấp trứng nhân tạo. Trong toán học, từ thời xa xưa loài người vẫn đếm theo hệ thập phân 0, 1, 2, 3… 9, nhưng đến thế kỷ 17 nhà triết học - toán học người Đức Gottfried Leibniz lại đếm 0, 1, 0, 1… theo hệ nhị phân để biểu diễn các số. Thời đó chẳng ai hưởng ứng cách đếm có vẻ “tâm thần” này nhưng như chúng ta đã biết, hệ nhị phân đã mở ra vô số ứng dụng kỳ diệu trong “kỷ nguyên số” đương đại.

Trong nghệ thuật, những phát kiến như “Hệ âm điều hòa” của nhạc sĩ người Đức J.S.Bach (1685 - 1750), trong đó ông chia cao độ âm thanh âm nhạc thành 12 bậc bằng nhau mà cả thế giới đang sử dụng. Gần đây, có những cách tạo hình theo kiểu… “dã tràng xe cát” như điêu khắc bằng… nước đá (ice sculpture), vẽ tranh trên cát biển (sand drawing) rồi ngồi chờ… thủy triều lên xóa sạch, hoặc vẽ trên cơ thể người (body painting) chỉ để ngắm nhìn trong giây lát rồi… đi tắm…, đều là những cách “nghĩ khác” có nguồn gốc từ nền văn hóa phương Tây.

Còn ở phương Đông chúng ta, chiếc cày chìa vôi có từ thời… vua Thần Nông bên Tàu đến nay nhiều nơi vẫn còn dùng; những khẩu thần công do Hồ Nguyên Trừng phát minh từ thời nhà Hồ và sau đó bị nhà Minh “ăn cắp bản quyền” chỉ bắn được những viên đạn… đụng ai nấy chết chứ không hề có tính năng phát nổ, vậy mà nhà Nguyễn và cả nhà Thanh vẫn còn sử dụng cho đến giữa thế kỷ 19 để chống lại những viên đạn đại bác (canon) của thực dân Âu Tây. Có thể nói đạn canon và tàu hơi nước là hai loại “bửu bối” ưu thế nhất giúp các đạo quân xâm lược thời đó chiến thắng áp đảo người phương đông chúng ta, vốn rất chậm chạp trong việc “nghĩ khác”.

Nhớ thời còn học cấp 2, khi thầy giáo yêu cầu phát biểu cảm tưởng về  truyện Tấm Cám, tôi lớ ngớ thưa rằng: “Em nghĩ Tấm, Cám và bà dì ghẻ đều… độc ác như nhau”. Vậy là “zê – rô!”, lại còn bị “ăn” một cây thước kẻ. Cách đây khoảng 10 năm, trên diễn đàn văn học từng nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà phê bình văn học về bài thơ… “Con cóc”: “Con cóc trong hang/ Con cóc nhảy ra/ Con cóc nhảy ra/ Con cóc ngồi đó/ Con cóc ngồi đó/ Con cóc nhảy đi”. Ngòi nổ ban đầu là từ một ý kiến cho rằng đây là bài thơ… hay nhất Việt Nam bởi vì nó là điển hình nhất cho cái… dở nhất. “Ngòi nổ” này đã bị dập tơi tả vì “dám cãi lại tổ tiên”, tức là dám “nghĩ khác” một “khế ước văn hóa” (chữ dùng của nhà phê bình văn học Đỗ Minh Tuấn) của dân tộc đã được định hình từ hàng nghìn năm qua. Cuộc bút chiến này cho đến nay vẫn chưa biết ai sai ai đúng, bởi vì như người xưa thường nói: “Văn chương tự cổ vô bằng cứ”. Riêng về bài thơ này, người viết không dám khẳng định là hay hay dở, chỉ có một cách “nghĩ khác” rằng bài thơ “Con cóc” rất xứng đáng được coi là một tác phẩm văn học... hậu hiện đại (Postmoderne) sớm nhất của thế giới, nếu xét ở một số dấu hiệu như: nó mô tả nguyên trạng thực tại chứ không phụ thuộc vào cảm quan của người tạo ra nó, và người đọc không thể diễn dịch điều gì thêm từ văn bản mà chỉ có thể tha hồ liên tưởng vô giới hạn. Liệu rằng cách nghĩ này có bị ai đó “dập” tiếp nữa không?

Dù sao, “nghĩ khác” luôn luôn cần thiết trong tiến trình của nền văn minh, kể cả khi cái sự “nghĩ khác” đó có thể dẫn đến sai lầm.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO