Cao chỉ 104cm và nặng 16kg nhưng cô bé Võ Thị Thanh Thảo (Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc) lại khiến người khác phải ngước nhìn khi vừa thi đỗ ngành tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
Với cách sống lạc quan, Thanh Thảo luôn khiến thầy cô và bạn bè phải khâm phục. Thảo tự tin bước vào giảng đường với những đam mê, khát vọng của riêng mình. “Con người ai mà không có khiếm khuyết, điều quan trọng đừng bao giờ nhìn vào những khiếm khuyết đó mà tự ti, mặc cảm rồi đánh mất bản thân mình. Em cũng vậy, mặc dù chỉ đứng tới ngang hông bạn bè cùng trang lứa nhưng em có cách sống riêng để khẳng định mình. Trong các năm học phổ thông, em luôn nằm trong tốp 3 của lớp về thành tích học tập” - Thảo tự tin nói.
Dù rất nhỏ bé so với lứa tuổi nhưng chưa bao giờ Thảo mặc cảm, tự ti. Ảnh: VĂN HÀO |
Mẹ Thảo, chị Đỗ Thị Đào (53 tuổi, thôn Lộc Phước, xã Đại Đồng, Đại Lộc) cho biết, mang thai được 7 tháng rưỡi thì hạ sinh Thảo. Thể trạng yếu ớt, chỉ nặng có 8 lạng nên gia đình đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất trong ngày Thảo vừa chào đời. Rồi, cô bé này cũng vượt qua, nhưng cơ thể em phát triển không bình thường, mà theo như lời bác sĩ chẩn đoán, Thảo thiếu hormon tăng trưởng khi còn trong bụng mẹ. “Nhà có 2 chị em, đứa đầu thì phát triển bình thường và đang học năm cuối Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Còn Thảo thì dáng dấp trông y trẻ con vậy, nhưng cháu rất ham học và luôn là niềm tự hào của cả nhà” - chị Đào nói. Chị kể, năm lớp 10, Thảo bị tai nạn giao thông gãy chân trái. Chuyển xuống bệnh viện ở Đà Nẵng để bó bột, nối xương nhưng đến khi chụp phim lại thì thấy các khớp xương chân của Thảo chưa ăn liền với nhau. May mắn vừa lúc gặp đoàn bác sĩ tình nguyện từ Úc tại bệnh viện, biết trường hợp của Thảo cũng như qua cách trò chuyện bằng tiếng Anh lưu loát, đoàn có thiện cảm đặc biệt với “cô bé hạt tiêu” này nên đã thực hiện thành công ca mổ lại cho em. “Hồi đó em điều trị mất hơn 7 tháng nên phải bỏ dở việc học năm lớp 10 và đành sang năm sau học lại chứ không bây giờ em đã là sinh viên đại học rồi” - Thảo cười.
Dự thi khối D1 vào ngành tâm lý học và đạt 20 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên), đến khi trường này vừa công bố điểm trúng tuyển, gia đình chị Đào vỡ òa trong cảm xúc khi ước mơ trở thành một chuyên gia tâm lý của con gái mình đang dần thành hiện thực. “Tui thì đi bán bánh bột lọc dạo, còn ba nó thì đi làm đủ nghề để có tiền cho con cái ăn học. Chỉ mong con bé sau này tự đứng vững trên đôi chân của mình…” - chị Đào nói. Còn Thảo cho biết, sở dĩ em muốn học ngành tâm lý bởi vì muốn được đồng hành với xã hội để truyền đi những thông điệp cũng như tư vấn để giúp mọi người có thể vượt qua nghịch cảnh, vươn lên sống tốt với đời. “Những gì em rút ra được từ chính bản thân mình sẽ rất hữu ích để chia sẻ với cộng đồng. Hơn nữa, em rất tin tưởng vào khả năng giao tiếp của mình” - Thảo đúc kết. Khác hẳn với thân hình bé nhỏ là một lối ăn nói già dặn, một tâm hồn rộng mở. Và những gì Thanh Thảo đã và đang theo đuổi sẽ luôn làm cho người khác phải ngước nhìn…
Q.CHÂU