Ngôi nhà tầng bề thế ở vùng tôm Tam Anh Nam (Núi Thành) gây cho tôi sự bất ngờ về chủ nhân của nó - một thương binh chiến trường K với tỷ lệ thương tật 81%. Ông là Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1955, hiện trú tại thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh Nam), người được biết đến là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Bình nhập ngũ năm 1979 vào mặt trận 479 cho đến năm 1983 thì bị thương mất một chân và nhiều vết thương khác. Với hạng thương tật, ông thuộc đối tượng điều dưỡng có người chăm sóc riêng, nhưng trong ông luôn đau đáu trách nhiệm của người còn sống đối với người đã khuất. Đã từng nghe nhiều chuyện gian nan ác liệt của mặt trận 479, 579, chiến trường K qua lời kể của các cựu binh, tôi gợi chuyện và ông tâm sự: “Quả thực những ai còn sống trở về từ chiến trường này đều cảm thấy mình quá may mắn. Tôi tuy bị thương nặng nhưng còn được về lại quê hương, chứ nhiều anh em khác đã ngã xuống, đến bây giờ xương cốt vẫn còn trên đất bạn. Khi nhập ngũ, ai cũng xác định hy sinh là điều không tránh khỏi, nên tôi nghĩ không có lý do gì mình được may mắn hơn lại phải trông chờ vào sự phục vụ của người khác”. Nung nấu quyết tâm tạo lập cuộc sống, ông làm đơn xin điều dưỡng tại gia và đã được chấp thuận.
Về lại quê nhà trong giai đoạn cực kỳ khó khăn bởi cả nước đang trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, cũng là lúc huyện Núi Thành vừa thành lập nên khó khăn càng chồng chất. Là anh cả trong gia đình có 7 anh chị em, ruộng đất đều đã hợp tác hóa thì chuyện làm nông quả là không tưởng. Không cam chịu đói nghèo, sau nhiều lần “khảo sát” những vùng đất thuộc hợp tác xã nhưng thực tế đã bỏ hoang cho cỏ dại mọc, ông làm đơn xin nhận và sau đó là mua lại. Ông vay mượn anh em, bà con cộng với số tiền trợ cấp ít ỏi lúc bấy giờ, bắt tay vào cải tạo vùng đất hoang hóa để làm hồ nuôi tôm. Không thể kể hết những nhọc nhằn buổi ban đầu, bởi công việc trên đồng nước sình lầy mọc đầy cây dại đối với người bình thường đã khó, với ông là những thử thách thực sự. Nhờ sự trợ giúp của bà con, những vuông tôm đã dần hình thành và may cho ông trong giai đoạn manh nha của phong trào nuôi tôm nước lợ do nguồn nước chưa bị ô nhiễm nên ông liên tiếp được mùa. Ông liên tục mở rộng diện tích lên đến gần 1ha với sức lực của mình là chính. Không dừng lại ở đó, nhận thấy phong trào nuôi tôm đang phát triển rất mạnh, sẵn nguyên liệu, ông mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến thức ăn nuôi tôm. Với công việc này ông đã tạo việc làm cho 4 - 5 lao động địa phương và sản phẩm làm ra được ông cung cấp với giá rẻ cho bà con quanh vùng.
Không những phát triển kinh tế gia đình, ông Bình còn cùng với các cựu chiến binh trao đổi, giúp nhau phát triển kinh tế ngay trên vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn này. Ông Nghiêm Lợi - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Anh Nam nhận xét: “Anh Bình là một cựu chiến binh gương mẫu. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn tạo việc làm cho không ít người và còn rất năng nổ trong công tác xã hội. Nói không phải tự hào chứ trong 131 cựu chiến binh có đến 60% hội viên có kinh tế khá giả, không có hộ cựu chiến binh nghèo”.
TẤN ĐƯỜNG