Bị mù từ nhỏ nhưng với nghị lực phi thường, ông Đoàn Nghiêu (SN 1957, thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc, huyện Phú Ninh) đã vượt qua khó khăn, xây dựng cơ sở sản xuất đũa tre làm ăn hiệu quả và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
“Làm quen” với bóng tối
Tôi đến tìm gặp ông trong một buổi trưa trời nắng gắt, người ướt đẫm mồ hôi nhưng đôi tay ông vẫn thoăn thoắt chọn từng bó đũa xếp thành bó ngăn nắp, gọn ghẽ. Nếu không có cặp kính đen che đôi mắt bị khiếm khuyết, khó có thể nhận ra ông là một người mù. Nghe tiếng người lạ, ông nghỉ tay, lắng tai nghe rồi hỏi vọng ra. Khi nghe chúng tôi trình bày, ông nhanh nhẹn đứng lên pha trà, rót nước mời khách. Ông cười phân bua: “Đừng ngạc nhiên, nhà mình nên quen rồi. Từng cái ly, cái tách trà để ở đâu tôi biết hết…”. Trà rót ra mời khách cũng là lúc ông trải lòng mình với những khó khăn của cuộc đời mình và chia sẻ niềm vui về những kết quả đạt được của ngày hôm nay.
ông Đoàn Nghiêu và cơ sở sản xuất đũa tre của mình. Ảnh: T.LÂM |
Cuộc đời ông là một tấn bi kịch. Ông là con một trong gia đình thuần nông nghèo khó, mới 4 tuổi thì mẹ qua đời. Năm 1972, khi mới 14 tuổi, cậu bé Nghiêu bị mù cả hai mắt do tai nạn. “Người bị mù bẩm sinh còn thấy dễ chịu, đằng này khi đang sáng lại phải sống trong bóng tối, đó là một điều rất kinh khủng. Nhiều lúc nghĩ quẩn tôi muốn chết đi cho nhẹ gánh, khỏi làm khổ gia đình, nhưng rồi lại nghĩ, cuộc đời mình còn quá nhiều việc phải làm. Chết thì nhẹ nhàng quá, phải sống và sống thật tốt. Đó là thứ ánh sáng mà cả cuộc đời này tôi tìm kiếm…” - ông tâm sự. Từ đó, ông tập làm quen với cuộc sống trong bóng tối. Những công việc trước đây đã từng làm, ông nhớ lại từng chi tiết, rồi mày mò làm theo quán tính. Riết rồi quen, ông làm được nhiều việc mà người ta không thể ngờ.
Ba năm sau khi ông bị mù, khó khăn lại ập đến khi người cha cũng qua đời. Để có miếng ăn, ông làm đủ thứ để xoay xở. “Lúc thì đi đẩy xe bò, lúc thì đi trồng sắn, trồng khoai, giúp người trong làng. Ai kêu chi, nhờ chi làm nấy, cốt để đổi lấy miếng ăn” - ông kể. Động lực để ông có thể vượt qua khó khăn chính là tình yêu với người con gái ở cạnh nhà, bà là Nguyễn Thị Vân, vợ của ông bây giờ. Tình yêu của họ gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình bà Vân. Tuy nhiên, thương người con trai bị mù nhưng có nghị lực, bà kiên quyết lấy ông bằng được. “Hồi đó thương ổng hiền, sống chân thành với mọi người nên có nói gì cũng theo. Và mình chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định đó…” - bà Vân cười nói.
Đũa tre xuất khẩu
“Mất ánh sáng chưa hẳn cuộc đời đã mất. Quan trọng là anh có đủ can đảm để bước qua bóng tối để thấy được rằng cuộc đời còn nhiều thứ ánh sáng soi rọi trong tim mình…” (ông Đoàn Nghiêu) |
Hai vợ chồng ông Nghiêu dìu dắt nhau bước qua từng giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Bà Vân lên núi hái củi mang xuống Tam Kỳ bán, ông Nghiêu cùng con trai của mình lang thang mọi ngóc ngánh để bán từng bó đũa, hộp tăm kiếm sống qua ngày. Năm 1994, Hội Người mù TP.Tam Kỳ được thành lập, ông tham gia và nhận các mặt hàng như tăm tre, đũa tre của hội đi bán. “Cái tăm, cái đũa cũng dễ làm, nhưng mình phải nhập ở nơi khác về, như vậy lợi ích kinh tế thấp hơn nhiều. Vậy tại sao mình không thể tự làm ra sản phẩm rồi đi bán?” - ông nói. Nghĩ là làm, năm 2004, ông bán con bò, tài sản lớn nhất của gia đình khi đó, rồi đi khắp nơi tìm hiểu về máy làm đũa tre. Ông lấy số tiền bán bò thuê thợ cơ khí đi cùng để về thiết kế riêng cho mình một cái máy làm đũa. Sau 3 tháng mày mò, chiếc máy làm đũa cũng ra đời, mỗi ngày ông làm được 300 đôi. Hưởng ứng những việc làm của ông, Hội Người mù TP.Tam Kỳ giúp đỡ tiêu thụ số đũa tre mà ông làm ra. Bước đầu thu được kết quả tốt, có được chút vốn, để tăng số lượng, ông Nghiêu tìm hiểu và vào TP.Hồ Chí Minh mua máy làm đũa hiện đại để sản xuất số lượng lớn.
Sau 10 năm sản xuất đũa tre, ông Nghiêu đã có 3 cơ sở với vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Ba cơ sở này tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, mức bình quân đối với những lao động làm công việc đóng gói, chọn lựa đũa là 3 - 4 triệu đồng/tháng; những người đứng máy 5 - 6 triệu đồng/tháng. Với số lượng máy móc và nhân công như trên, mỗi ngày ông Nghiêu cho ra thị trường khoảng 1 tấn đũa tre, tương đương với 100.000 đôi đũa. “Đũa của tôi không chỉ bán ở trong nước mà còn bán qua Lào. Mỗi tháng các cơ sở của tôi làm ra 30 tấn đũa thì có 15 tấn được đưa đi xuất khẩu. Hiện nay, nguồn tre khan hiếm nên nhiều lúc không đáp ứng đủ cho thị trường” - ông Nghiêu cho biết. Ông ước tính bình quân 1 tấn đũa thu về 12 triệu đồng, trừ chi phí nguyên liệu, tiền nhân công, tiền điện…, còn lãi khoảng 1 triệu đồng.
Với nghị lực phi thường, ông Nghiêu nhiều lần được vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh trong nhiều năm liền. Nhưng đối với ông, dường như điều quan trọng hơn là ông đã tìm được thứ “ánh sáng” cho đời mình.
TUỆ LÂM