Nghị lực của Tuấn

GIANG BIÊN 27/06/2018 13:24

Từ lúc chào đời cho đến nay,  chưa bao giờ Nguyễn Minh Tuấn (SN 1996, thôn Vinh Nam, xã Bình Trị, Thăng Bình) được nhìn thấy ánh sáng. Có lúc, Tuấn cảm thấy cuộc sống thật vô vị nhưng rồi nghĩ lại, Tuấn thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác...

Nguyễn Minh Tuấn đang chơi đàn guitar. Ảnh: Giang Biên
Nguyễn Minh Tuấn đang chơi đàn guitar. Ảnh: Giang Biên

Nguyễn Minh Tuấn bị mù bẩm sinh. Đến tuổi đi học, khi ba mẹ Tuấn đưa đến trường, nhiều thầy cô nhìn thấy đôi mắt mờ đục của em không khỏi ái ngại. Tuấn kể, lúc ấy thầy cô không nhận vào học, em rất buồn. Rồi em cứ lén vào trường đứng  bên cửa sổ lớp để nghe các bạn tập đọc. Tuy nhiên, mỗi khi em đứng cạnh cửa sổ, các bạn đều dành sự chú ý vào em, nhiều thầy cô giáo sợ ảnh hưởng đến việc dạy và học của các bạn cùng trang lứa nên không cho Tuấn đến trường.  Chính vì thế, Tuấn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Rồi Tuấn cũng lớn lên nhưng việc đọc và viết của Tuấn hạn chế. Tuấn tâm sự, lúc nhỏ không được đi học em buồn lắm. Không đi học, nghĩa là không có bạn bè, không được giao tiếp với ai. Cuộc sống lúc đó rơi vào bế tắc, em mặc cảm tự ti.

Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ nỗi khát khao có được con chữ vơi đi trong Tuấn. Năm 2009, được sự giới thiệu của Hội Người mù xã Bình Trị, Tuấn được đi học lớp chữ nổi do Hội Người mù huyện tổ chức. Khi biết đọc và viết, Tuấn vui vô cùng. Rồi 2 năm sau đó, Tuấn được Hội Người mù huyện đưa ra Hà Nội học khóa xoa bóp bấm huyệt. Sau khi kết thúc khóa học, Tuấn được nhận vào làm tại cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Hội Người mù huyện. Tuy nhiên, lúc này dịch vụ xoa bóp bấm huyệt chưa phát triển nên thu nhập dành cho kỹ thuật viên như Tuấn rất thấp. Năm 2013, Tuấn xin chuyển sang bán chổi đót, tăm tre. Rồi những ngày tháng Tuấn rong ruổi theo những chuyến xe đường dài vào tận Nha Trang, Bình Định, Phú Yên để bán chổi, bán tăm. Với một người bình thường để kiếm được cái ăn đã khó, trong khi đó Tuấn lại mò mẩm giữa dòng đời ngược xuôi.

Trong lúc chán nản tột cùng, Tuấn lại gặp gỡ những mảnh đời còn khốn khó hơn nhiều so với mình nên có thêm nghị lực để vươn lên. Tuấn kể, khi đó Tuấn ở trọ tại xóm nhỏ ở Phú Yên. Sống với những người tàn tật, người nghèo, Tuấn chợt nhận ra, mình còn may mắn hơn họ. Bởi cuộc đời lấy đi đôi mắt nhưng cho Tuấn một đôi chân lành lặn để Tuấn có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác và đi những nơi mình muốn đến. Còn có những người có được ánh sáng, nhưng đôi chân không thể đi, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác... Nghĩ vậy, Tuấn khăn gói trở về để làm việc tại cơ sở xoa bóp của Hội Người mù huyện. Ở đó, có những người đồng cảnh ngộ như Tuấn nhưng họ sống chân chất, thật thà. Họ luôn sẵn lòng bao dung cho những sai lầm của Tuấn. Tuấn bảo, bây giờ em đã mãn nguyện với cuộc sống hiện nay. Công việc thuận lợi. Mọi người tại cơ sở sống hòa đồng, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

Với mức thu nhập của kỹ thuật viên 3,5 triệu đồng/tháng, Tuấn gửi về phụ giúp  gia đình, chỉ để lại một ít học đàn guitar, đàn organ. Ca hát và chơi đàn là niềm đam mê của Tuấn. Ông Phan Văn Thanh - Chủ tịch Hội Người mù huyện Thăng Bình cho biết, ở cơ sở xoa bóp bấm huyệt này, anh em đều có chung một cảnh ngộ. Do vậy, chúng tôi luôn tạo điều kiện để anh em có thu nhập trang trải cuộc sống. Ở cơ sở này, Tuấn nhỏ tuổi nhất. Do vậy, anh em trong cơ sở luôn động viên, truyền đạt kinh nghiệm trong công việc cũng như trong cuộc sống để Tuấn được trưởng thành hơn.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghị lực của Tuấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO