Nghị lực học trò xứ Quảng

TRẦN THẮNG 17/09/2018 06:44

Dù cuộc sống đầy khó khăn, hoàn cảnh nhiều nghiệt ngã nhưng hai cô cậu tân sinh viên nghèo xứ Quảng vẫn vượt khó vươn lên học tập tốt đỗ vào đại học và tiếp tục nỗ lực vừa học vừa làm cho giấc mơ giảng đường phía trước...

Lúc rảnh rỗi, Tình nhận dọn rẫy cây keo thuê để kiếm tiền trang trải học phí.
Lúc rảnh rỗi, Tình nhận dọn rẫy cây keo thuê để kiếm tiền trang trải học phí.

Côi cút vào đời

Người ta mất mẹ hay mất cha đã là điều thiệt thòi, vậy mà cô học trò nhỏ Đặng Ngọc Thùy Dung phải chứng kiến cha, anh trai và mẹ lần lượt qua đời. Căn nhà của Dung cạnh con đường nhỏ dẫn vào thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) vì thế càng thêm vắng lặng. Từ ngày mẹ Dung là bà Tưởng Thị Nhiệm qua đời vì căn bệnh ung thư não, chỉ còn hai chị em Dung nương tựa nhau. Hoàn cảnh bất đắc dĩ, Dung gánh cả hai vai thay cha mẹ chăm nom cậu em trai Đặng Ngọc Hòa nay mới vào lớp 6. Hằng ngày, sau khi hương khói cho mẹ, Dung đi chợ, nấu ăn rồi dọn dẹp nhà cửa. Dù vất vả chuyện gia đình nhưng không lúc nào Dung quên dành thời gian kèm cặp em trai học hành.

Bảy năm trước, cha và anh trai Dung lần lượt qua đời vì tai nạn. Ba năm sau bà Nhiệm phát hiện mình mắc bệnh nan y. Biết chữa chạy cũng vô ích, bà Nhiệm âm thầm chống chọi đến tháng 6.2018 rồi qua đời. Nén đau thương, Dung đội tang dự thi và đậu vào ngành Thiết kế đồ họa, Đại học Duy Tân.

Thùy Dung kèm em trai học hành những lúc được về nhà. Ảnh: T.THẮNG
Thùy Dung kèm em trai học hành những lúc được về nhà. Ảnh: T.THẮNG

Đứng trước di ảnh mẹ, Dung thắp nén nhang kính cáo mẹ rằng mình đã hoàn thành lời hứa với mẹ ngày trước. Ngày còn học trung học, Dung tranh thủ cuối tuần, ngày nghỉ phụ bán cà phê, múa đám cưới kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đến lúc bước vào giảng đường đại học, hành trang Dung mang theo là 9 triệu đồng đóng học phí từ tiền phúng điếu đám tang của mẹ. Cô tân sinh viên đã sớm có dự định cho mình để bám trụ những năm tháng đại học đầy khó khăn sắp tới. “Sau khi ổn định chỗ ở em sẽ kiếm việc làm thêm như bán cà phê hoặc phụ quán ăn để kiếm tiền trang trải học phí” - Dung tâm sự.

Biết chị sắp xa nhà, Hòa quyến luyến không rời Dung nửa bước. Với một đứa trẻ như em, sống thiếu hơi ấm cha mẹ là điều không dễ dàng, nay phải cách xa chị gái càng thêm lo lắng. Thương cháu nội, ông Đặng Đôn (83 tuổi) gõ cửa khắp nơi tìm kiếm hỗ trợ Dung đến trường. Ông Đôn bảo nhà còn vườn chuối, nếu cần thiết sẵn sàng bán đi để có tiền cho cháu gái ăn học.

Vượt khó đến trường

Tin tân sinh viên Võ Công Tình đậu ngành Kỹ thuật cơ điện tử, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, lan truyền khắp thôn Tú An, xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước). Ở vùng núi rừng heo hút này, việc Tình đậu đại học là sự kiện của cả làng. Bà con chòm xóm ai nấy chúc mừng cậu trò nghèo học giỏi nhưng cũng hết sức ái ngại cho hoàn cảnh của Tình.Căn nhà nhỏ hai mẹ con Tình đang ở được xây dựng bằng chương trình nhà đại đoàn kết cho người nghèo và chẳng có vật dụng gì đáng giá. Chỉ mới một năm trước đây thôi, nhà Tình mới được kéo điện nên góc học tập phải đặt nhờ nhà người dì ruột ở bên cạnh. Bữa cơm trưa dọn ra chỉ có độc món măng rừng luộc chấm nước mắm với cơm. Từ ngày nhận giấy báo trúng tuyển, Tình lăn lộn trên rẫy phát cây keo mướn để dành tiền nhập học. Nhìn dáng Tình cầm rựa phát keo từ sáng tới tối mồ hôi nhễ nhại, nhiều người thầm nể phục nghị lực của cậu học trò.

Trong nhà, tài sản có giá trị nhất của hai mẹ con là con bò cái đang chửa. Xét hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên năm 2017 Hội Nông dân tỉnh tặng con bò này làm giống. Ngày chuẩn bị nhập học, nghe mẹ bàn tính bán con bò lấy tiền đóng học phí, Tình giãy nảy phản đối. Tình bảo đó là con bò giống, bán rồi thì coi như đứt, không còn lại gì. Sâu trong thâm tâm, Tình lo là mai này bệnh tình mẹ có gì bất trắc còn có thứ để xoay xở. Mẹ Tình là bà Võ Thị Quý năm nay đã vào tuổi 60. Trải qua trận ốm thập tử nhất sinh từ nhỏ nên sức khỏe của bà khá kém, tinh thần cũng không được bình thường. Đầu óc bà lúc nhớ lúc quên nên chẳng ai thuê làm mướn. Vậy mà nhắc tới con, bà Quý bảo khổ mấy cũng nhất quyết cho con đi học đặng thay đổi cuộc đời.

Biết chuyện của Tình, các thầy cô Trường THPT Phan Châu Trinh phát lời kêu gọi giúp đỡ học trò. Gom số tiền các thầy cô và cựu học sinh ủng hộ được hơn 10 triệu đồng, thầy Hiệu phó Lưu Hoài Nam liền chạy xe máy đến nhà giao tận tay học trò trước giờ lên xe ra Đà Nẵng nhập học. Ngày thi xong, Tình xin mẹ đi Đà Nẵng vào nhà hàng làm phục vụ. Tính thật thà, lại chăm chỉ nên bà chủ và anh em trong nhà hàng ai nấy đều thương. Sau nửa tháng quần quật từ trưa tới tối, tiền công Tình nhận được là 1,5 triệu đồng. Tình bảo rằng số tiền dù nhỏ nhưng là động lực để tiếp tục với ước mơ giảng đường phía trước. Những ngày tháng học tập sau này Tình tự dặn lòng phải lao động kiếm tiền để mẹ bớt đi phần nào vất vả, âu lo.

TRẦN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghị lực học trò xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO