Cuộc sống thường ngày

Nghị lực phi thường của Hồ Văn Quênh

VĂN BÌNH 02/04/2024 08:30

Hồ Văn Quênh (người dân tộc Ca Dong) tại thôn 2, xã Trà Ka (Bắc Trà My) dù bị khuyết tật nặng nhưng nỗ lực vươn lên, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn trở thành trụ cột kinh tế của gia đình.

Hồ Văn Quênh tự di chuyển, trong một lần đi họp thôn. Ảnh: Văn Bình
Hồ Văn Quênh tự di chuyển trong một lần họp thôn. Ảnh: Văn Bình

Đầu xuân 2000, vợ ông Hồ Văn Sự (SN1955) là bà Nguyễn Thị Liểu (SN1972) tại làng Tam Góc, dưới chân núi Trum, thôn 2, xã Trà Ka sinh đôi được hai người con trai, đặt tên lần lượt là Hồ Văn Cu và Hồ Văn Quênh.

Thế nhưng không may lúc sinh ra Quênh bị co rút hai chân. Đến tuổi đi học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không thể đưa đón nên đành để Quênh ở nhà.

Ông Phạm Xuân Nghĩa - Trưởng thôn 2, xã Trà Ka cho hay, không được đi học, Quênh kiên trì tập di chuyển và rồi tự bò được trên chính hai cánh tay của mình. Tiếp đó, Quênh tập làm việc nhà như thổi cơm, giặt giũ, rồi đến ra đồng làm ruộng lúa nước, lên vườn, rẫy trồng quế, trồng keo…

Lên 14 tuổi, Quênh xin đi chăn bò cho người chú Hồ Văn Út để kiếm cơm. Nhờ siêng năng, chăm sóc bò có trách nhiệm, đàn bò của ông Út phát triển sinh lời và ông đã cho Quênh một con bò nái để dắt về nuôi thả.

Quênh đưa bò về rồi trồng thêm cỏ tươi, nhờ người làm chuồng trại nuôi. Sau 5 năm chăn dắt, bò nái đẻ được 4 con, Quênh nuôi rồi bán 3 con bò lớn, lấy tiền góp thêm vào làm nhà cho ba mẹ ở an toàn cùng với nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm.

Quênh còn tự trồng, chăm sóc vườn quế Trà My, rẫy keo hơn 2ha và đã cho thu hoạch được 3 lứa, mỗi lứa thu về hàng chục triệu đồng.

Cán bộ xã Trà Ka thăm, tặng quà động viên Quênh nỗ lực khó, vượt lên số phận nhân dịp tết Giáp Thìn năm 2024.
Cán bộ xã Trà Ka thăm, tặng quà động viên Quênh nỗ lực vượt khó nhân dịp tết Giáp Thìn năm 2024.

“Ban ngày đi làm suốt mà tối về Quênh còn đi đặt bẫy đánh chuột để giữ lúa, xuống suối soi ếch, bắt ốc, bắt cá… để cải thiện bữa ăn và bán lấy tiền. Đến mùa làm keo, Quênh còn mướn cả chục người dân rảnh rỗi trong làng đi thu hoạch” - ông Nghĩa cho hay.

Cán bộ xã đến nhà đều tra hộ nghèo, người khuyết tật, Quênh cung cấp thông tin đầy đủ. Mỗi lần họp thôn, Quênh đều đại diện cho gia đình, bò bộ hơn 2km đường rừng từ nhà mình đến trụ sở thôn để dự họp.

Quênh là những người đầu tiên ở làng Tam Góc “tậu” được điện thoại di động hồi năm 2017. Trong làng, khi huy động làm đường giao thông, giúp hàng xóm làm nhà, Quênh đều ủng hộ nhiệt tình” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Theo ông Hồ Văn Trần - Chủ tịch UBND xã Trà Ka, nhờ nghe đài, nghe cán bộ, đảng viên của xã, thôn truyền đạt, Quênh rất tâm đắc rồi học, làm theo đức tính cần cù, vượt khó, giữ chữ tín, nói đi đôi với làm của Bác Hồ. Từ đó, Quênh không chỉ vượt lên số phận khuyết tật, tự nuôi sống bản thân, mà còn là trụ cột trong gia đình.

“Nếu không có nhiều người phụ thuộc như ba, mẹ sức khỏe yếu, ngay cả người anh em cùng sinh đôi và các em gái không có việc làm, thu nhập ổn định, đưa con cháu về sống chung ăn nhờ, ở nhờ… thì hộ ông Sự với sự nỗ lực của Quênh đã thoát nghèo từ lâu” - ông Trần nói.

Khi được hỏi về chuyện tương lai, Quênh chia sẻ: “Mình tật nguyền, chỉ mong có đủ sức khỏe để lo cho ba mẹ, các em, các cháu thì mừng cái bụng lắm rồi”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghị lực phi thường của Hồ Văn Quênh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO