Nghị lực sống ở những phụ nữ yếu thế

TẤN SỸ - XUÂN LAM 21/10/2022 11:29

Không buông xuôi, không đầu hàng số phận, thất bại ở đâu đứng lên ở đó..., những chia sẻ của 33 tấm gương phụ nữ ở Hiệp Đức đã thật sự làm lay động trái tim của hàng trăm chị em có mặt trong buổi “Giao lưu nghị lực sống của phụ nữ yếu thế”.

Phụ nữ yếu thế ở Hiệp Đức chia sẻ quá trình nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống. Ảnh: TẤN SỸ
Phụ nữ yếu thế ở Hiệp Đức chia sẻ quá trình nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống. Ảnh: TẤN SỸ

Tiếng nói có lúc chưa tròn vành, rõ chữ, nhưng nụ cười và ánh mắt luôn lạc quan... Đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi tiếp xúc với Nguyễn Thị Quỳnh Nha ở xã Bình Sơn (Hiệp Đức).

Hơn 10 năm trước, khi vừa tròn 20 tuổi, chị Quỳnh Nha bất ngờ bị tai biến mạch máu não, liệt toàn thân, không nói chuyện được. Hàng ngày, nhìn cảnh người cha già phải bón từng thìa cháo, muỗng cơm cho mình, nước mắt chị Nha không ngừng tuôn rơi.

Với suy nghĩ “mình không thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội được, chị Nha tập nói, tập bò, tập đi, rồi tập đi xe đạp, xe máy... và bắt đầu làm những công việc đơn giản trong nhà, đến mở quán mua bán hàng tạp hóa.

Kiên trì hàng chục năm trời, tuy đi lại vẫn còn khó khăn, song chị Nha giờ đã có chồng, sinh hai con nhỏ, rồi biết kinh doanh buôn bán, làm vườn.

“Tuy không giàu có, nhưng tôi đã làm chủ được cuộc sống của mình. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào mình cũng không được bi quan, hãy lạc quan, sống có trách nhiệm và nỗ lực để tự lo cho bản thân, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội” - chị Nha chia sẻ.

Không e dè, không tự ti, mà mạnh dạn nói về quãng đời lầm lỗi của bản thân mình, rồi cả một quá trình vươn lên làm giàu trên vùng đất Hiệp Thuận, chị Trần Thị Hồng chia sẻ: “Chừng 5 năm trở về trước, cuộc sống túng thiếu khó khăn, không làm chủ được bản thân nên bị kẻ xấu dụ dỗ vào con đường mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi thụ án tù trở về địa phương, trong lúc khó khăn, được sự hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vợ chồng chị Hồng mở trang trại nuôi heo, bò, đào ao thả cá, trồng trọt.

Đến nay cơ ngơi trang trại của chị Hồng được xem là lớn nhất nhì xã Hiệp Thuận, thu lãi hàng năm 350 - 400 triệu đồng. Chị Hồng tâm sự: “Bản thân mình phải biết vấp ngã ở đâu đứng lên ở đó. Và mình phải quyết tâm tu chí làm ăn, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà giờ đây tôi còn chia sẻ cho những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế vươn lên”.

Những câu chuyện trên chỉ là hai trong số rất nhiều điển hình được chia sẻ trong buổi giao lưu “Nghị lực sống của phụ nữ yếu thế năm 2022” do Hội LHPN huyện Hiệp Đức tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, toàn huyện có 1.090 chị em phụ nữ yếu thế, khuyết tật, chất độc da cam, nghèo khó; trong đó có hơn 700 chị em là chủ hộ.

Những năm qua, Hội LHPN huyện đã cùng với các ngành đoàn thể tập trung nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế, vốn vay để các chị em vươn lên. Trong rất nhiều chị em phụ nữ yếu thế, có 33 tấm gương điển hình tiêu biểu khẳng định được sự nỗ lực vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.

“Buổi giao lưu là cơ hội để các tấm gương điển hình truyền cảm hứng, nghị lực sống, từ đó giúp chị em đồng cảnh ngộ có thêm niềm tin vươn lên. Hội LHPN huyện sẽ có kế hoạch tạo điều kiện cho phụ nữ yếu thế tiếp cận nguồn vốn vay, tham quan mô hình kinh tế, để học tập và phát triển” - bà Loan nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghị lực sống ở những phụ nữ yếu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO