Kỳ họp thứ 8 HĐND huyện Phú Ninh khóa XI vừa biểu quyết bãi bỏ nghị quyết số 18/NQ-HĐND ban hành ngày 29.9.2016 của HĐND huyện về một số giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là nghị quyết 18).
Nhiều hộ nông dân trồng hồ tiêu ở Phú Ninh đã tiếp cận được cơ chế ưu đãi từ nghị quyết 18. Ảnh: V.ANH |
Theo ông Nguyễn Công Khai - Trương ban Pháp chế HĐND huyện Phú Ninh, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, Ban Pháp chế HĐND huyện xét thấy việc ban hành nghị quyết 18 là không đảm bảo với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện.
Cú hích cho nông nghiệp
Sau khi nghị quyết 18 ra đời, UBND huyện Phú Ninh đã nhanh chóng ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể để triển khai và đẩy mạnh việc tuyên truyền nghị quyết để người dân nắm bắt. Một trong những cơ chế ưu đãi của nghị quyết 18 là hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay để sản xuất kinh doanh; hỗ trợ sau đầu tư với các mô hình trồng hoa, cây cảnh, trồng rau an toàn, chăn nuôi tập trung… ở mức tối đa là 400 triệu đồng/ha. Với chính sách ưu đãi có thể nói là “chưa từng có tiền lệ” như vậy đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các tập thể, cá nhân có mong muốn phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, từ một huyện chưa có một mô hình đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn, sau hơn 1 năm triển khai nghị quyết 18 đã thu hút được 5 hợp tác xã (HTX) đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với diện tích hơn 10ha. UBND huyện đã hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 2 HTX trồng rau an toàn theo hướng VietGAP. Cũng nhờ có nghị quyết 18 mà người dân Phú Ninh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu từ 45ha năm 2016 lên hơn 60ha năm 2017, với 104 hộ dân tham gia được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng.
Trong báo cáo giải trình đề nghị hủy bỏ nghị quyết 18, UBND huyện Phú Ninh cho biết, bước đầu đã có 120 hộ, 2 tổ hợp tác, 2 HTX tham gia thực hiện các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp sau khi nghị quyết 18 ra đời. Đến nay, UBND huyện đã hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng cho các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện. Ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Từ thực tế cho thấy việc ban hành nghị quyết 18 đã góp phần kích thích phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Đặc biệt là việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tích tụ ruộng đất, tạo liên kết sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp dần mang tính ổn định, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện”.
Bãi bỏ vì trái luật
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và UBND huyện Phú Ninh thì nghị quyết 18 đã thực sự phát huy hiệu quả. Nhưng điều bất ngờ là tại kỳ họp thứ 8 HĐND huyện vừa qua, UBND huyện Phú Ninh đã có tờ trình đề nghị HĐND huyện bãi bỏ nghị quyết này. UBND huyện nêu ra 2 lý do buộc phải hủy bỏ nghị quyết đó là: theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, thì việc quy định về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND cấp tỉnh mà không thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND cấp huyện; thứ hai là qua 1 năm triển khai nghị quyết đã nảy sinh bất cập như một số nội dung, mức hỗ trợ chưa được khống chế dẫn đến người đầu tư sản xuất quy mô diện tích lớn, nhiều dự án cùng một lúc, nguồn kinh phí hỗ trợ không đảm bảo…
Trong báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND huyện Phú Ninh trình tại Kỳ họp thứ 8 cũng giải thích rõ về sự trái luật khi ban hành nghị quyết 18. Ông Nguyễn Công Khai - Trương ban Pháp chế HĐND huyện Phú Ninh cho rằng, căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND huyện trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên môi trường thì không có nội dung giao nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND cấp huyện ban hành các “biện pháp” nhằm phát triển kinh tế - xã hội. “Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, Ban Pháp chế HĐND huyện xét thấy việc ban hành nghị quyết 18 là không đảm bảo với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện” - ông Khai nhấn mạnh.
Theo UBND huyện Phú Ninh, nghị quyết 18 hủy bỏ không có nghĩa là bỏ luôn việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, mà sẽ chuyển qua hình thức khác bằng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hằng năm. Như vậy vừa đảm bảo quy định pháp luật, vừa duy trì được việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, UBND huyện đề nghị HĐND huyện bố trí kinh phí hằng năm trong nguồn sự nghiệp nông nghiệp thực hiện dưới hình thức hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông, hỗ trợ với các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh trên lĩnh vực này. UBND huyện đề nghị HĐND huyện sử dụng nguồn sự nghiệp nông nghiệp hằng năm để tiếp tục hỗ trợ hơn 747 triệu đồng cho các mô hình sản xuất theo nghị quyết 18 đã bố trí năm 2018.
VINH ANH