(QNO) - Nghị quyết 35 quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 ra đời tạo động lực, bệ phóng giúp nông dân nỗ lực trong phát triển KTV, KTTT. Để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương đang nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân sớm tiếp cận các cơ chế chính sách từ nghị quyết.
Nông dân kỳ vọng
Từ nhiều năm nay, ông Phan Văn Dũng (xã Quế Mỹ, Quế Sơn) đầu tư, xây dựng trang trại với diện tích hơn 10ha, trồng các loại cây trồng lâu năm, cây ăn quả, hoa và nuôi các loại cá. Ông còn đầu tư thêm đường giao thông, hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong trang trại. Ông cho biết, khi làm trang trại này ông không nghĩ sẽ có một nghị quyết như Nghị quyết 35 ra đời, đáp ứng được nguyện vọng và thực tế của nhiều nông dân như ông. Ông cũng đã có những kế hoạch cụ thể để cải tạo, làm mới trang trại của mình trong thời gian tới.
“Đây là một nghị quyết rất thiết thực, quan tâm đến sự nỗ lực của nông dân trong phát triển kinh tế, là bệ phóng giúp những nông dân như tôi có thêm sức bật. Những cơ chế hỗ trợ trong nghị quyết rất sát và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp chúng tôi càng tuyệt đối tin trưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng mong những khó khăn ban đầu sẽ sớm được khắc phục, các cấp, các ngành quan tâm, hướng dẫn thực hiện các hồ sơ, thủ tục, quy trình để bà con sớm tiếp cận được các cơ chế hỗ trợ từ nghị quyết rất sát với nông dân.
Còn ông Trần Đắc Nhẫn (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) mới phát triển kinh tế vườn từ đầu năm đến nay với các loại bưởi da xanh, ổi trên diện tích 1.000m2. Ông cũng rất phấn khởi khi Nghị quyết 35 ra đời. Theo ông, nghị quyết này làm giảm gánh nặng về chi phí đầu tư ban đầu cho người nông dân, những cơ chế, hỗ trợ từ nghị quyết sẽ giúp nông dân có hướng đi rõ ràng hơn.
“Nhân dân rất hưởng ứng, vì không chỉ hỗ trợ nông dân phát triển KTV, KTTT mà còn làm đẹp khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều người trước đây không đủ nguồn vốn để đầu tư phát triển vườn, trang trại, thì nghị quyết này đã giúp nông dân có thêm những cơ chế hỗ trợ cụ thể như vay vốn, nuôi con gì, trồng cây gì, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào... nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi, là một nghị quyết rất hợp lòng dân. Mong rằng nghị quyết sẽ kéo dài và mở rộng đối tượng để nhân dân được hưởng lợi” - ông Nhẫn nói.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 22 nghìn vườn từ 1.000m2 trở lên, hơn 140 trang trại đạt tiêu chuẩn và hơn 500 hộ sản xuất quy mô gần đạt tiêu chí trang trại.
Từ khi có Nghị quyết 35 ra đời, nông dân các địa phương đã chủ động cải tạo vườn tạp, đăng ký tham gia hưởng lợi từ nghị quyết.
Chính quyền nỗ lực hỗ trợ
Thời gian qua, kinh tế vườn, kinh tế trang trại được các cấp, ngành, địa phương, quan tâm nhiều hơn. Nhiều địa phương như Tiên Phước, Phú Ninh, Nông Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức... đã ưu tiên dành nguồn lực, tạo điều kiện cho KTV, KTTT có bước phát triển khá về số lượng, quy mô, gia tăng về giá trị sản xuất.
Theo ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, từ khi Nghị quyết 35 được HĐND tỉnh thông qua ngày 29.9.2021, UBND tỉnh có Quyết định số 3361 triển khai thực hiện nghị quyết vào ngày 17.11.2021. Ngay sau đó, các địa phương đã xây dựng đề án cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Các sở, ngành liên quan như Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - môi trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam và các sở ngành liên quan khác đã tích cực phối hợp, kịp thời xây dựng các văn bản, hướng dẫn cụ thể để triển khai nghị quyết.
Ngày 24.5.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1385 phân bổ kinh phí cho UBND các huyện, thành phố và Chi cục Phát triển nông thôn 50 tỷ đồng thực hiện mục tiêu hỗ trợ các chủ vườn, trang trại và triển khai các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, hội nghị tập huấn… theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh.
Để hướng dẫn cụ thể cũng như giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai tại địa phương, vừa qua, Sở NN&PTNT tổ chức lớp tập huấn về triển khai thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 68 chủ vườn, trang trại cùng với cán bộ ngành nông nghiệp các địa phương.
Tại lớp tập huấn, các chủ vườn, trang trại được thông tin về nội dung hỗ trợ, cách thức triển khai nghị quyết, các hồ sơ, thủ tục vay vốn. Hay việc hướng dẫn xây dựng, thẩm định các bản vẽ, hồ sơ thiết kế cải tạo mặt bằng và công trình hạ tầng liên quan phục vụ sản xuất vườn, trang trại, việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các quy định liên quan về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn và các nguồn vốn vay phục vụ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Định hướng phát triển cây trồng chủ lực, định mức kinh tế kỹ thuật... Tại đây, các sở, ngành liên quan đã lắng nghe, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc tại địa phương để cũng tìm cách tháo gỡ.
“Mong rằng ngành nông nghiệp địa phương, các chủ vườn, chủ trang trại sẽ áp dụng hiệu quả và phát triển tốt hơn nữa, tạo ra giá trị và nâng cao thu nhập, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần đưa nghị quyết đi vào cuộc sống” - ông Noa nói.
Theo ông Trần Văn Noa, để Nghị quyết 35 triển khai hiệu quả, cần có sự vào cuộc của địa phương trong đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân để biết được chủ trương và những nội dung cụ thể của nghị quyết, vận động nhân dân tích cực cải tạo, chỉnh trang vườn... Trên cơ sở đề án được UBND huyện ban hành, hằng năm xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định rõ đối tượng cây, con để định hướng, khuyến khích phát triển ở địa phương để người dân có thể tiếp cận, đầu tư phát triển sản xuất.
Cùng với đó, rất cần sự phối hợp tích cực của các phòng ban chuyên môn cùng với phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các địa phương để hướng dẫn người dân thực hiện thuận lợi nhất. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân trong sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời đề nghị các huyện thực hiện đúng quy trình hồ sơ thủ tục, mẫu hóa các biểu mẫu đã ban hành phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Cân đối bố trí nguồn lực hợp lý, tranh thủ các nguồn từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, nguồn vốn lồng ghép, nhất là nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển KTV, KTTT hiệu quả tại địa phương.